KỲ 1: CHÚNG TA ĐANG THẤT THU RẤT LỚN
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận: “Hiện nay, chúng ta đang thất thu rất lớn đối với sàn thương mại điện tử và kinh doanh công nghệ”. Ảnh: Doãn Tuấn |
Thương mại điện tử: Cơ hội lớn, nhưng thất thu… rất lớn
Báo cáo trước Quốc hội sáng 8/6/2022 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận: “Hiện nay, chúng ta đang thất thu rất lớn đối với sàn thương mại điện tử và kinh doanh công nghệ”. Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết, đối với các mặt hàng bán lẻ qua Zalo, qua Facebook, thanh toán nhận hàng trả bằng tiền mặt... cũng là một khoản thất thu rất lớn.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng khẳng định, những đặc trưng của nền kinh tế số và tình hình phát triển nhanh chóng của TMĐT tại Việt Nam đã đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế.
Bộ trưởng chia sẻ như trên khi câu chuyện thuế đối với TMĐT nhận được sự quan tâm, chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đã không giấu được sự lo lắng khi đặt vấn đề thất thoát thuế trong kinh doanh TMĐT. Bà nhận định, khi mà công nghệ và các loại hình mạng xã hội ngày càng phát triển thì vấn đề kinh doanh TMĐT sẽ ngày càng phổ cập, dự báo trong thời gian tới lượng người kinh doanh theo hình thái này sẽ tăng gấp hai lần mỗi năm, đặc biệt tại các đô thị lớn, theo đó, thất thoát thuế trong loại hình kinh doanh này sẽ rất lớn.
|
Cũng theo bà Ánh Tuyết, chính các hiệp hội thương mại điện tử cũng đánh giá rằng, thất thoát về thuế đối với loại hình kinh doanh TMĐT lên tới cả tỷ USD mỗi năm. “Đây là lỗ hổng lớn mà chúng ta chưa giải quyết được”, bà phát biểu.
Cũng trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) thì ước tính, mỗi năm ngành thuế thất thu khoảng 85% thuế phải thu từ các nền tảng số (Facebook, Google...). Việc này có thể gây ra thất thoát cho ngân sách nhà nước, nguy hại hơn là tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người cùng kinh doanh tại Việt Nam.
Trước những chất vấn, lo lắng từ đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, về quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, theo quy định hiện hành đang thực hiện thu thuế thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) với số thu trung bình trên 1.100 tỷ đồng/năm; từ năm 2018 đến hết tháng 04/2022, các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là hơn 5.111 tỷ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.965 tỷ đồng; Google là 1.902 tỷ đồng; Microsoft là 651 tỷ đồng.
Về quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh TMĐT, lũy kế đến hết tháng 04/2022 (số liệu cập nhật đến ngày 23/05/2022). Cơ quan thuế đã thu được số thu từ xử lý vi phạm, chống thất thu là khoảng 735 tỷ đồng (số thu 4 tháng đầu năm 2022 đạt 176 tỷ đồng).
Tuy nhiên, con số trên chưa thực sự phản ánh đúng nguồn thu của các doanh nghiệp TMĐT. Bởi, theo Tổng cục Thuế, số thuế thu được từ từ một số “gã khổng lồ” công nghệ như là Facebook, Google, Microsoft… chủ yếu đến từ các đại lý quảng cáo chính thức của những công ty trên tại Việt Nam, họ chịu trách nhiệm nộp thay khoản thuế nhà thầu 10% cho các “gã khổng lồ” công nghệ này.
Nhưng trên thực tế, khoản thu chính mà Facebook hay là Google kiếm được là chủ yếu đến các khách hàng cá nhân đang sử dụng dịch vụ ở Việt Nam lại chưa được quản lý thuế đầy đủ. Đáng lưu ý, khoản thu từ những đối tượng này đang chiếm đến 70% doanh thu của Facebook và 50% doanh thu của Google tại Việt Nam hàng năm.
Theo một báo cáo của Vietnam Digital Marketing Trends 2021, mức doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam đạt khoảng gần 1 tỷ USD, trong đó có đến 80% số doanh thu này rơi vào túi của các “gã khổng lồ” như Google hay là Facebook. Nếu thu đủ thì số thuế của mỗi doanh nghiệp này có thể lên đến hàng nghìn tỷ mỗi năm chứ không chỉ là những con số ở trên (?).
Đó là chưa kể số thuế thu được thật sự cũng rất khiêm tốn so với dòng chảy TMĐT ở Việt Nam. Theo một báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế số hấp dẫn nhất Đông Nam Á, dự kiến sẽ trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai trong khu vực sau Indonesia vào năm 2025, với tổng giá trị hàng hóa là 57 tỷ USD. Nền kinh tế số của Việt Nam chủ yếu được củng cố bởi lĩnh vực TMĐT - lĩnh vực này đã chứng kiến tổng giá trị hàng hóa tăng 53% vào năm ngoái, từ 8 tỷ USD lên 13 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến tăng lên 29 tỷ USD vào năm 2025.
|
Cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế số, việc kinh doanh trên nền tảng số trở nên phổ biến. Trên cơ sở khai thác thông tin, hiện nay tại Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (trong đó, có 41 sàn bán hàng; 98 sàn cung cấp dịch vụ) và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài; tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày. Nhìn một cách cảm quan cũng thấy, số thuế thu được từ TMĐT trong thời gian qua là quá nhỏ so với số lượng các chủ thể tham gia và dòng chảy thương mại khổng lồ qua kênh này…
Nền tảng chính sách quản lý thuế đối với TMĐT có gì?
Thực tế, chính sách thuế về TMĐT đã dần được hoàn thiện theo thời gian, phù hợp với xu hướng tiêu dùng, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh TMĐT tại Việt Nam.
Chính sách thuế đối với TMĐT của Việt Nam đã được bao quát lồng ghép vào các sắc thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.
Trong thời gian gần đây, đặc biệt trong bối cảnh TMĐT phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật mới, hình thành hành lang pháp lý cho hoạt động TMĐT, đồng thời “lấp đầy” các lỗ hổng chính sách phát sinh trong thực tế quản lý thuế đối với lĩnh vực TMĐT.
Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định, người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam khi hoạt động kinh doanh TMĐT có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.
Luật Quản lý thuế cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng phổ biến cho các mô hình TMĐT; thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong TMĐT.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại được yêu cầu khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoạt động kinh doanh TMĐT có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.
Những đặc trưng của nền kinh tế số và tình hình phát triển nhanh chóng của TMĐT tại Việt Nam đã đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế. Ảnh minh họa |
Nhằm quản lý chặt chẽ hơn về nguồn thu ngân sách nhà nước từ lĩnh vực TMĐT, ngày 25/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/01/2022) quy định, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Về phía Bộ Tài chính, ngày 01/06/2021, cơ quan này đã ban hành Thông tư số 40/2021/TT-BTC quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của người quản lý trên sàn TMĐT. Theo đó, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế, như: họ tên, số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, mã số thuế, địa chỉ email, số điện thoại liên lạc, hàng hóa, dịch vụ cung cấp, doanh thu kinh doanh, tài khoản ngân hàng của người bán, thông tin khác liên quan.
Rõ ràng trong thời gian qua, các nỗ lực xây dựng chính sách; tuyên truyền phổ cập chính sách đến người dân, doanh nghiệp; nỗ lực chuyển đổi số, kết nối các cơ quan liên quan trong giám sát dòng chảy TMĐT từ Bộ Tài chính nói riêng, các cơ quan liên quan là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thất thoát thuế từ TMĐT, như đánh giá của người đứng đầu Bộ Tài chính, là rất lớn và đang là câu chuyện “ai cũng biết”, đòi hỏi các cơ quan liên ngành phải nhận diện đúng các thách thức hiện hữu để có những giải pháp hiệu quả hơn… |
Như vậy, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP và Thông tư số 40/2021/TT-BTC đã đưa ra những quy định để cơ quan quản lý thuế nắm được các thông tin về hoạt động kinh doanh của người bán (thu nhập, doanh số hàng hóa chịu thuế), cũng như các hành vi vi phạm về nghĩa vụ thuế của các đối tượng kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT. Bên cạnh nỗ lực hoàn thiện chính sách, Bộ Tài chính cũng có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ người nộp thuế để mọi tổ chức cá nhân, doanh nghiệp, người dân hiểu và tự giác hơn trong việc nộp thuế nói chung, thuế từ hoạt động TMĐT nói riêng. Bộ Tài chính cũng đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax-Mobile); tổ chức thành công Lễ công bố hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc...
Việc đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích, góp phần giảm thời gian, chi phí in ấn, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn cho doanh nghiệp, hạn chế các hành vi gian lận về hóa đơn; tăng cường công khai, minh bạch, thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, chống thất thu cho ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã đẩy mạnh công tác phối hợp với bộ, ngành chức năng trong quản lý hoạt động thương mại điện tử. Cụ thể, Bộ Tài chính đã tổ chức các buổi làm việc và ký kết Thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông, làm việc với Bộ Công An để đề xuất phối hợp thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế.
Bộ Tài chính cũng đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để khai thác, truyền nhận, kết nối thông tin doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới; danh sách cá nhân có phát sinh doanh thu từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; doanh nghiệp trong nước có hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông và sử dụng tài nguyên kho số. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng dự thảo Thỏa thuận phối hợp công tác giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để triển khai các quy định về phối hợp giữa 02 cơ quan đã được quy định trong Luật Quản lý thuế…
Rõ ràng trong thời gian qua, các nỗ lực xây dựng chính sách; tuyên truyền phổ cập chính sách đến người dân, doanh nghiệp; nỗ lực chuyển đổi số, kết nối các cơ quan liên quan trong giám sát dòng chảy TMĐT từ Bộ Tài chính nói riêng, các cơ quan liên quan là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, thất thoát thuế từ TMĐT, như đánh giá của người đứng đầu Bộ Tài chính, là rất lớn và đang là câu chuyện “ai cũng biết”, đòi hỏi các cơ quan liên ngành phải nhận diện đúng các thách thức hiện hữu để có những giải pháp hiệu quả hơn…
KỲ 2: NHẬN DIỆN NHỮNG THÁCH THỨC TRONG QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI TMĐT
Bình luận