Chiều 11/3, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã thông qua Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung. Theo nhiều ý kiến của Hội đồng, để đạt tầm vóc mới trong mục tiêu và khát vọng phát triển, Bình Dương cần trở thành điểm sáng về công nghệ sáng tạo, công nghệ cao, tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; cần xác định rõ vị thế, vai trò của Bình Dương trong mối tương quan, liên kết phát triển.

Kỳ vọng Quy hoạch 2021-2030 giúp Bình Dương “vượt bẫy thu nhập trung bình”
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Đức Trung

Bình Dương đang đứng trước các thách thức của bẫy thu nhập trung bình

Từ một tỉnh với cơ cấu kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, sau hơn một phần tư thế kỷ tái lập tỉnh, Bình Dương đã có những bước chuyển trên nhiều lĩnh vực, trở thành tỉnh công nghiệp thuộc hàng đầu trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Từ năm 2019 đến nay, quy mô kinh tế Bình Dương chính thức vươn lên vị trí thứ 3 cả nước, chỉ đứng sau 2 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; GRDP bình quân đầu người của Tỉnh năm 2023 đạt 172 triệu đồng, cao gấp 1,7 lần bình quân chung của cả nước; đóng góp 25% kim ngạch xuất khẩu của Vùng và chiếm 10% của cả nước... Tỷ lệ đô thị hóa của Bình Dương thuộc Top đầu cả nước, đạt 85% và là 1 trong 2 địa phương dẫn đầu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Vị thế của Bình Dương trong vùng và quốc gia ngày càng được nâng cao, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước, tạo ra thách thức cho việc giữ vững thành quả và xa hơn nữa.

Phát biểu tại Phiên họp thẩm định, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, tỉnh Bình Dương vẫn còn một số khó khăn, thách thức và “điểm nghẽn” cần giải quyết. Trước hết là bẫy thu nhập trung bình, cơ cấu kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp; sản xuất còn thâm dụng lao động. Cùng với đó là các thách thức về mô hình tổ chức không gian lãnh thổ, sự quá tải của hạ tầng giao thông; việc phát triển đô thị và hạ tầng quá tải ở khu vực phía Nam, kém hấp dẫn ở phía Bắc; cạnh tranh nội Vùng và trong nước ngày một gay gắt; sự biến động quốc tế khó lường…

Các chỉ báo cho thấy, Bình Dương đang đứng trước các thách thức của bẫy thu nhập trung bình:

- Dấu hiệu tăng trưởng kinh tế đang chững lại do sức hút về nguồn cung lao động đang giảm: Nếu như giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ đóng góp từ gia tăng cung lao động chiếm bình quân 46,9% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, đến giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ này đã tăng lên đến 53,2%. Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế từ nội lực của nền kinh tế tỉnh gần như không thay đổi trong giai đoạn này.

- Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư giảm: Kết quả tính toán một chỉ số cũng cho thấy dấu hiệu giảm dần về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư khi nền kinh tế tỉnh Bình Dương cần nhiều vốn đầu tư hơn để tạo ra một đơn vị giá trị gia tăng trong những năm gần đây.

- Kinh tế ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI: khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục là cho dựa quan trọng nhất đối với phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương. Nếu phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI trong khi sự tham gia liên kết của khu vực nội địa yếu thì nền kinh tế sẽ không được hưởng lợi nhiều từ khu vực FDI từ quá trình phát triển (chủ yếu nhận gia công) mà ít nhận được sự lan tỏa về công nghệ, về kỹ năng quản lý và kỹ năng làm việc từ khu vực đầu tư nước ngoài.

Khơi thông nguồn lực, tạo động lực tổng thể đưa Bình Dương phát triển trong thời kỳ mới

Thành quả 25 năm qua đã tạo ra tiền đề quan trọng giúp Bình Dương xây dựng một bản quy hoạch tích hợp giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn 2050 có chất lượng, nhằm khắc phục được những tồn tại của quá trình phát triển, và khơi thông nguồn lực, tạo động lực tổng thể đưa Bình Dương phát triển trong thời kỳ mới.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý, kịch bản phát triển xác định trong Quy hoạch cần phải đáp ứng được mục tiêu và khát vọng của Tỉnh là “vượt bẫy thu nhập trung bình” và đưa Bình Dương lên tầm vóc mới trong mối tương quan vùng, quốc gia và quốc tế.

Để một địa phương có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, không chỉ là bài toán phát triển về kinh tế, đó là một bài kiểm tra về năng lực quản trị của địa phương. Nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh Bình Dương xác định 6 cương lĩnh để giải quyết từng khía cạnh, và là mục tiêu lớn nhất giúp tỉnh bứt phá trong thời kỳ mới: Vượt qua bẫy phát triển gián đoạn thông qua phát triển có tính kế thừa; Vượt qua bẫy năng suất thông qua phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo; Vượt qua bẫy đô thị hóa thông qua phát triển tích hợp; Vượt bẫy cạn kiệt tài nguyên môi trường thông qua phát triển xanh bền vững; Vượt qua bẫy phụ thuộc thông qua phát triển mở đa phương; Vượt qua bẫy bất bình đẳng thông qua phát triển bao trùm.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, muốn phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Bình Dương cần xác định rõ những tiềm năng và lợi thế riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt trong bản quy hoạch lần này cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng; phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý, kịch bản phát triển xác định trong Quy hoạch cần phải đáp ứng được mục tiêu và khát vọng của Tỉnh là “vượt bẫy thu nhập trung bình” và đưa Bình Dương lên tầm vóc mới trong mối tương quan vùng, quốc gia và quốc tế.

Để đạt được khát vọng trên, Bình Dương cần trở thành điểm sáng về công nghệ sáng tạo, công nghệ cao, tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; cần xác định rõ vị thế, vai trò của Bình Dương trong mối tương quan, liên kết phát triển với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Quy hoạch hướng tới mục tiêu đưa Tỉnh sớm vượt qua các thách thức của bẫy thu nhập trung bình

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhấn mạnh, Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nghiên cứu khoa học, chiến lược và thực tiễn, hướng tới mục tiêu đưa Tỉnh sớm vượt qua các thách thức của bẫy thu nhập trung bình, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, kết hợp với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm động lực phát triển kinh tế của quốc gia, vươn tầm quốc tế.

Mục tiêu quy hoạch là xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương cùng các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ trở thành vùng động lực tăng trưởng quan trọng của quốc gia, đồng thời thúc đẩy và lan tỏa phát triển với các địa phương trong vùng.

Theo đó, đến năm 2030 tỉnh Bình Dương sẽ trở thành trung tâm phát triển năng động, toàn diện, là trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; là khu vực vững chắc về quốc phòng - an ninh và hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Đồng thời, đưa Bình Dương vượt bẫy thu nhập trung bình, trở thành tỉnh có thu nhập cao vào năm 2030.

Kỳ vọng Quy hoạch 2021-2030 giúp Bình Dương “vượt bẫy thu nhập trung bình”
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhấn mạnh, Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới mục tiêu đưa Tỉnh sớm vượt qua các thách thức của bẫy thu nhập trung bình, tiên phong trong đổi mới sáng tạo. Ảnh: Đức Trung

Tỉnh Bình Dương kỳ vọng đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm khoảng 10%; GRDP bình quân khoảng 15.800 USD/người. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng định hướng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng sẽ chiếm 64%, ngành dịch vụ chiếm 28%, ngành nông, lâm, thuỷ sản chiếm 1-2% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6% và tỷ lệ đô thị hóa đạt 88 - 90% trong cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh.

Tiếp đến, năm 2050 tỉnh Bình Dương trở thành vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển cũng như có nền kinh tế phát triển bao trùm, hài hòa giữa các khu vực.

Để đạt được mục tiêu đề ra, trong giai đoạn 2021 – 2030, Quy hoạch tỉnh Bình Dương đề ra 6 đột phá nhằm duy trì tăng trưởng và thực hiện kịch bản phát triển, đó là: Hoàn thành hạ tầng giao thông kết nối vùng; triển khai đồng bộ đô thị thông minh; xây dựng vùng đổi mới sáng tạo; thiết lập chính sách và phương án tái định cư; xây dựng chiến lược thương mại điện tử xuyên biên giới; xây dựng tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp – đô thị - dịch vụ.

Cùng với đó là 5 chiến lược tích hợp gồm: Hợp tác phát triển vùng; đổi mới hệ sinh thái phát triển; phát triển xã hội, con người; phát triển xanh; tổ chức không gian phát triển. Trong đó, cấu trúc phát triển Bình Dương - vùng đổi mới sáng tạo gồm: trục phát triển; hành lang sinh thái; vành đai liên kết; trung tâm động lực; phân vùng phát triển.

Song song đó, Quy hoạch Bình Dương cũng đề ra 36 chương trình hành động. Trong đó Bình Dương xác định được 8 chương trình “đặc biệt ưu tiên” sẽ tập trung nguồn lực, triển khai sớm như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp; phát triển đô thị theo định hướng lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD) và thúc đẩy chuyển đổi phương thức đi lại; phát triển mạng lưới không gian xanh; phát triển mạng lưới vận tải hàng hóa và logistics; phát triển khu phức hợp Bàu Bàng; phát triển Khu đô thị thông minh, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế; sắp xếp lại không gian đô thị phía Nam.

Để trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và quốc tế, Bình Dương tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kết nối, môi trường pháp lý, hạ tầng sản xuất, dịch vụ và sinh sống; đặc biệt là các cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế… để thu hút phát triển các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược đến Bình Dương đặt trụ sở, sản xuất, kinh doanh và phát triển. Thông qua hợp tác kết nối với các nước phát triển tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ, thực hiện cam kết với các nhà đầu tư chiến lược, các cộng đồng, Bình Dương chuẩn bị các điều kiện cần thiết phù hợp theo chuẩn mực quốc tế, điều kiện để các ngành lĩnh vực trọng điểm phát triển; đặc biệt là điều kiện sống để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, lao động chất lượng cao đến sinh sống và làm việc tại Bình Dương.

Với định hướng trở thành trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng và quốc gia, Bình Dương sẽ kết nối với các địa phương trong vùng TP. Hồ Chí Minh thực hiện chiến lược vùng về hợp tác phát triển để tiếp tục là trung tâm động lực phát triển kinh tế quan trọng nhất cả nước. Trong đó, Bình Dương luôn đặt trách nhiệm phải phát triển cao, vượt trên mức trung bình của Vùng, đặc biệt là dẫn đầu về sản xuất công nghiệp, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, phát triển đô thị thông minh để chia sẻ các chức năng của Vùng, phát huy lợi thế của Bình Dương.

Kỳ vọng Quy hoạch 2021-2030 giúp Bình Dương “vượt bẫy thu nhập trung bình”
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định. Ảnh: Đức Trung

Thông qua quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tại phiên họp, đa số các ý kiến của các chuyên gia đều có những đánh giá khá tích cực về chất lượng đồ án quy hoạch tỉnh Bình Dương, nhận định đây là một trong các đồ án có chiều sâu và được đầu tư kỹ lưỡng so với đa phần các tỉnh/thành đã trình thẩm định trong cả nước, đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn dưới luật có liên quan, đủ điều kiện thông qua Hội đồng thẩm định; đồng thời bản quy hoạch đã đưa ra được những quan điểm và tư duy mới, đột phá cũng như đúc rút được các nội dung mang tính tổng thể của quốc gia đang còn vướng mắc, làm cơ sở để đưa ra các giải pháp căn cơ để giải quyết các vấn đề này.

Bên cạnh những mặt tích cực, để đồ án quy hoạch được hoàn thiện hơn, đa số các thành viên đề nghị địa phương quan tâm đánh giá sâu hơn nữa về lợi thế, tiềm năng, các thách thức và hạn chế để Bình Dương trở thành một trung tâm phát triển bền vững của vùng và cả nước. Bên cạnh đó, các chuyên gia phản biện cũng lưu ý đến quy hoạch hệ thống giao thông vận tải, hạ tầng y tế, bảo vệ môi trường… vốn đang là những điểm ngẽn cơ bản và tiềm tàng của Bình Dương hiện nay.

Cụ thể, PGS, TS. Trần Đình Thiên đề nghị xem xét phân tích, đánh giá lại vị thế, tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh dựa trên tầm nhìn mới, với cách tiếp cận mới (tiếp cận “từ tương lai”); nhấn mạnh vị trí địa lý đặc thù, giá trị thực tế của tiềm năng - lợi thế phát triển của tỉnh trong tương quan và cấu trúc phát triển vùng trong bối cảnh phát triển mới.

Chuyên gia Nguyễn Đình Cung đề nghị, xem xét, bổ sung định hướng chuyển dịch các ngành hiện hữu thâm dụng nhiều lao động giản đơn, chi phí thấp như dệt may, giày da, chế biến đồ gỗ, nội thất...sang các địa phương khác như: Bình Phước, Tây Ninh, Long An.

Cân nhắc, bổ sung định hướng phát triển các ngành dịch vụ về văn hóa, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, vui chơi, giải trí...thành một ngành kinh tế chính trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh.

Chuyên gia Nguyễn Đình Cung cũng đề nghị bổ sung định hướng phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành dành cho các ngành công nghiệp mới; bổ sung định hướng phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với phát triển tương ứng các đô thị và hạ tầng dịch vụ để hình thành hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ hay đô thị - công nghiệp - dịch vụ; làm rõ nhiệm vụ tái cơ cấu, nâng cấp và nâng cao chất lượng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Còn chuyên gia Phạm Hoài Chung đề nghị bổ sung quan điểm về xây dựng và phát triển hệ thống giao thông thông minh và hệ thống giao thông công cộng theo hướng làm nền tảng quy hoạch đô thị hiện đại theo mô hình TOD; bổ sung mục tiêu cụ thể về phát triển hệ thống giao thông công cộng; rà soát, chỉnh sửa thống nhất các phương án quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông giữa các phần trong báo cáo quy hoạch.

Về phương án quy hoạch giao thông đường bộ, vị chuyên gia này đề nghị phân chia rõ hệ thống đường tỉnh theo các nhóm: các tuyến giữ nguyên quy mô hiện trạng, các tuyến đề xuất nâng cấp, cải tạo, các tuyến mở mới để dễ theo dõi; bổ sung thông tin về phương án phát triển hệ thống cầu, đặc biệt là cầu chính yếu làm nhiệm vụ kết nối liên huyện, liên tỉnh; bổ sung nội dung quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ trên địa bàn tỉnh; bổ sung phương án quy hoạch giao thông đô thị, trong đó tập trung định hướng vào phát triển phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng xanh.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã thống nhất với các đánh giá của các thành viên hội đồng thẩm định và các chuyên gia phản biện; đồng thời, đề nghị địa phương có báo cáo giải trình tiếp thu đầy đủ các ý kiến nêu tại hội nghị, sớm hoàn chỉnh báo cáo tổng hợp và dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh để gửi hồ sơ về cơ quan thường trực hội đồng thẩm định để rà soát, đối chiếu.

Tại phiên họp, Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua dự thảo hồ sơ quy hoạch tỉnh Bình Dương với 25/25 phiếu biểu quyết thông qua với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung. Như vậy, quy hoạch tỉnh Bình Dương đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thông qua và đủ điều kiện trình phê duyệt sau khi đã tiếp thu, chỉnh sửa các nội dung như đã thẩm định./.