Lại thêm lãnh đạo cao cấp VEAM bị khởi tố
Nhiều lãnh đạo bị truy tố
Theo Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam- CTCP, mã chứng khoán VEA đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, ngày 14/4/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Vũ Hải, Phó Tổng giám đốc VEAM để làm rõ các sai phạm. Tiếp ngay sau diễn biến trên, Hội đồng quản trị của VEAM đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-HĐQT ngày 23/4/2021 về bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc đối với ông Phạm Vũ Hải từ ngày 23/4/2021.
Phó Tổng giám đốc Phạm Vũ Hải vừa bị mất chức vì bị cơ quan công an khởi tố. Ảnh: Bộ Công an
Sau khi thông tin trên được công khai, thị giá cổ phiếu VEA liên tục suy giảm. 5 phiên giao dịch gần đây, từ ngày 16-23/4, chỉ có 1 phiên thị giá cổ phiếu VEA không biến động, còn lại 4 phiên giảm giá với biên độ khá lớn, trong đó phiên ghi nhận biên độ giảm giá mạnh nhất là ngày 22/4, khi VEA giảm 1.200 đồng/cổ phiếu (tương đương giảm 2,8%). Chốt phiên giao dịch ngày 23/4, VEA giảm còn 41.100 đồng/cổ phiếu từ mức giá 44.500 đồng/cổ phiếu ngày 14/4 (thời điểm ông Phạm Vũ Hải bị khởi tố).
Trong một diễn biến có liên quan, vào tháng 5/2019, Bộ Công thương đã công bố Kết luận thanh tra số 3202/KL-BCT về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại VEAM. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6/2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, nhưng thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh như: Toyota, Honda... mang lại. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót. Cụ thể, có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ; quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước. Bộ Công thương đã yêu cầu VEAM, các đơn vị liên quan thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc các nội dung Kết luận thanh tra. Đồng thời, Bộ Công thương đã chuyển một số vụ việc sang Bộ Công an để làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định về quản lý kinh tế. Tiếp đó, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại VEAM, Công ty cổ phần thương mại vận tải VEAM (Vetranco) và một số doanh nghiệp liên quan. Theo đó, cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố các bị can: nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng giám đốc VEAM Trần Ngọc Hà; nguyên Tổng giám đốc VEAM Lâm Chí Quang; nguyên Phó Tổng giám đốc VEAM Vũ Quang Tâm, nguyên Phó Tổng giám đốc VEAM Vũ Từ Công…
Không chỉ liên tục biến động lớn về nhân sự cao cấp, hiệu quả kinh doanh của VEAM có sự đi xuống. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, VEAM ghi nhận 3.671,5 tỷ đồng doanh thu, 5.594,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm đáng kể so với kết quả đạt được trong năm 2019 với các chỉ tiêu lần lượt là 4.496,5 tỷ đồng và 7.318,7 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân hiệu quả kinh doanh suy giảm, ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc VEAM, cho biết, do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến việc đình trệ hoạt động trong 6 tháng đầu năm và kéo dài tới hết quý III/2020, nên kết quả sản xuất kinh doanh của VEAM năm qua có sụt giảm so với thực hiện năm 2019. Dịch bệnh còn dẫn đến việc tiêu thụ các sản phẩm máy nông nghiệp, máy động lực, ô tô và các sản phẩm phụ trợ giảm mạnh. Nhiều đơn vị còn thua lỗ tuy số lỗ đã giảm. Các đơn vị như: SVEAM, Tamac, Cơ khí Trần Hưng Đạo … đã giảm lỗ từ 30-50% so với kết quả thực hiện năm 2019…
Tổng giám đốc VEAM Phan Phạm Hà cho biết năm nay Tổng công ty sẽ kiện toàn cơ cấu bộ máy tổ chức để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Ảnh:VEAM
Đến nay, VEAM chưa có kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông năm 2021. Tuy nhiên, trên cơ sở dự báo những thuận lợi và khó khăn trong thời gian tới, năm nay VEAM đặt mục tiêu doanh thu tài chính và lợi nhuận sau thế của công ty mẹ bằng 79-80% so với kết quả đạt được trong năm 2020. Các chi nhánh và công ty con của VEAM đặt mục tiêu tăng trưởng để giảm lỗ...
Liên quan đến giải pháp triển khai trong năm nay, ông Phan Phạm Hà, cho biết: Ban lãnh đạo VEAM sẽ cùng các đơn vị tập trung khắc phục, giải quyết những khó khăn, tồn đọng, kiện toàn cơ cấu bộ máy tổ chức, hoàn thiện hệ thống quy chế, văn bản nội bộ để tạo hành lang pháp lý hỗ trợ hoạt động hiệu quả. Hỗ trợ và giám sát các đơn vị thực hiện các kế hoạch, kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.../.
Bình luận