"Lập và triển khai quy hoạch giống như chạy vượt rào: Quan trọng là phải giảm số rào cản"
Tại Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đối với Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017; đây là nhiệm vụ rất quan trọng, mới, chưa có tiền lệ và chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017; đây là nhiệm vụ rất quan trọng, mới, chưa có tiền lệ và chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Ảnh: MPI |
Mô hình quy hoạch của Hàn Quốc và Malaysia có nhiều điểm phù hợp, tương đồng để Việt Nam tham khảo
Trong quá trình xây dựng Luật Quy hoạch và triển khai lập quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham khảo nhiều kinh nghiệm quốc tế, trong đó có cử các đoàn cán bộ sang Malaysia, Hàn Quốc – hai nước có nhiều điều kiện tương đồng và mức độ phát triển cao hơn trong khu vực – để tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức lập và nội dung quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng ở các nước trên.
Quy hoạch không gian ở cấp quốc gia trên thế giới được thực hiện khá đa dạng ở các châu lục và các nước có trình độ phát triển khác nhau. Các quy hoạch cấp quốc gia ở các nước có tên gọi khác nhau như: quy hoạch không gian, quy hoạch vật thể, quy hoạch lãnh thổ, quy hoạch tổng thể…; những quy hoạch này đều mang tính tích hợp, tổng hợp rất cao, bao gồm tổ chức lãnh thổ, bố trí sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực và có sự kết hợp chặt chẽ với yếu tố phi không gian (định hướng phát triển kinh tế - xã hội).
Mục tiêu của các quy hoạch tập trung vào: (i) Nâng cao năng lực cạnh tranh của lãnh thổ; (ii) Kết nối thông suốt giữa các vùng, địa phương bên trong quốc gia; (iii) Kết nối thông suốt giữa quốc gia và quốc tế; (iv) Thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thịnh vượng, tạo ra nhiều sinh kế, phù hợp với bối cảnh mới; bảo vệ môi trường; bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên.
Các nội dung chính của các quy hoạch tập trung nghiên cứu phân vùng chức năng, bố trí không gian cho các ngành kinh tế chính, các đô thị lớn, các hành lang kinh tế; xác định vùng trung tâm (động lực) tăng trưởng; các khu vực bảo tồn; các khu vực phòng ngừa thảm họa; hài hòa mối quan hệ đô thị - nông thôn.
Trong bối cảnh và trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay thì mô hình quy hoạch không gian cấp quốc gia của Hàn Quốc và Malaysia có nhiều điểm phù hợp, tương đồng để Việt Nam tham khảo.
Quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam cũng đã nghiên cứu tham khảo, ứng dụng kinh nghiệm của Hàn Quốc và Malaysia để xác định không gian phát triển đất nước gắn với hình thành các trục, hành lang phát triển, phân vùng kinh tế và định hướng bố trí không gian các ngành, lĩnh vực.
"Quan điểm, tư tưởng chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương", Bộ trưởng chỉ rõ.
Trong giai đoạn đến năm 2030, do nguồn lực phát triển có hạn, theo Bộ trưởng, cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các lãnh thổ khác cùng phát triển; cụ thể là tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các cực tăng trưởng và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.
Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm, tập trung phát triển vùng lõi và cực tăng trưởng. Cụ thể, phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào vùng lõi là Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng; Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào vùng lõi là Tứ giác TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó TP. Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng...
Quy hoạch tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Ưu tiên hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam phía Đông; một số hành lang kinh tế Đông – Tây như Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu; Hành lang Đông Tây: Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng...
Quan trọng là phải giảm số lượng rào cản
Phát biểu tại Hội thảo, bà Steffi Stallmeister, Phó Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam chúc mừng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ Việt Nam đã đạt được cột mốc quan trọng này, đó là việc hoàn thành toàn văn dự thảo báo cáo quy hoạch tổng thể quốc gia, là một nhiệm vụ to lớn và phức tạp.
Tuy nhiên, vẫn giữ quan điểm của bà Giám đốc Quốc gia WB tại hội thảo trước đó, Steffi Stallmeister cũng nhấn mạnh rằng, không hề dễ dàng để có thể cân bằng giữa đa dạng mục tiêu phát triển, đặc biệt là khi cân nhắc giữa tính hiệu quả và sự công bằng.
Theo bà Steffi Stallmeister, để thành công, bản quy hoạch tổng thể cũng cần phải trình bày rõ ràng cách thức dự tính để đạt được các mục tiêu phát triển không gian. Nói cách khác, quy hoạch tổng thể không chỉ được xây dựng tốt, mà còn cần phải khả thi và hiệu quả. Bởi, bối cảnh nguồn lực tài chính có hạn trong khi tham vọng thay đổi sự phát triển không gian của quốc gia lại đòi hỏi những quyết sách cứng rắn khi đưa ra quyết định, ưu tiên nguồn vốn và lựa chọn đầu tư.
Trong thời gian tới, bà cho rằng, cần phải đảm bảo các kế hoạch đầu tư trung hạn được liên kết chặt chẽ, ưu tiên và theo đúng trình tự hướng tới kết quả nhằm cải thiện các quy hoạch tổng thể phát triển không gian quốc gia và khu vực, trong phạm vi dự báo đáng tin cậy về khả năng chi trả của ngân sách.
Đồng thời cần giải quyết các bất cập trong việc triển khai, xác định nguồn lực, các vùng động lực ưu tiên, tăng cường phối hợp, cải thiện quy trình đầu tư công từ lựa chọn đến giải ngân.
TS. Dannay Leipziger cho rằng, lập và triển khai Quy hoạch giống như cuộc chạy vượt rào: quan trọng là phải giảm số lượng rào cản. Ảnh: MPI |
Còn TS. Dannay Leipziger, nguyên Phó Chủ tịch quản lý kinh tế và giảm nghèo của Ngân hàng Thế giới, Giáo sư tại Đại học George Washington nhận định, lập và triển khai Quy hoạch giống như cuộc chạy vượt rào: quan trọng là phải giảm số lượng rào cản.
Để vượt rào, vị chuyên gia này đưa ra 5 cách:
(1) Bằng cách định hướng phân bổ nguồn lực vào các vùng động lực để nâng cao hiệu quả, giảm chồng chéo lãng phí và tạo ra nguồn tăng trưởng mới, đồng thời tạo tác động lan tỏa đáng kể và nâng cao khả năng kết nối tới các cực tăng trưởng.
(2) Bằng cách tạo tín hiệu về ưu tiên không gian chung cho các nhà đầu tư, trong và ngoài nước, cũng như các địa phương và bộ ngành, để thu hút sự hỗ trợ của toàn xã hội.
(3) Bằng cách nâng cao năng suất cần có để hoàn thành các mục tiêu dài hạn về thu nhập theo đầu người.
(4) Bằng cách ước tính nhu cầu tài chính và chỉ ra cách thức đáp ứng từ các nguồn ngân sách, thị trường vốn và dòng vốn FDI chiến lược.
(5) Bằng cách tạo động lực phối hợp liên tỉnh, xác định những rủi ro trong tương lai và dự kiến các yếu tố dự phòng.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, vùng kinh tế động lực là chìa khóa để trở thành quốc gia thu nhập cao. Các hoạt động kinh tế được tập trung sẽ cải thiện năng suất và kích thích đổi mới sáng tạo. Ở tất cả các quốc gia, các cụm hoạt động kinh tế là động lực tăng trưởng - Thung lũng Silicon, đồng bằng sông Châu Giang, vùng thủ đô Paris của Pháp.
"Đầu tư dàn trải quá mức làm giảm lợi suất kinh tế và làm chậm lại tiến trình Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao”, ông Dannay Leipziger chỉ rõ. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, vùng động lực chỉ có tác dụng nếu được hỗ trợ bằng những thể chế và cơ chế thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương. Chỉ khi đó, thì cụm mới có thể khai thác được đầy đủ lợi ích của hiệu ứng kinh tế do quy mô, hiệu ứng kinh tế do quần tụ và bổ sung cho nhau.
Ông đề xuất, nên có cơ quan quản lý phát triển vùng hoặc thể chế tương đương hoạt động thành công.
Vùng kinh tế động lực khuyến khích người dân nhập cư từ các vùng và các địa phương khác, đó là hiện tượng đô thị hóa tự nhiên, tạo điều kiện cải thiện sinh kế.
Ông cho rằng, cải thiện khả năng kết nối của tất cả các địa phương đến các vùng động lực khác nhau là cách để cải thiện tiếp cận thị trường, tạo điều kiện cần thiết để diễn ra tác động lan tỏa tích cực.
"Tiếp tục đầu tư vào con người thay vì vào địa bàn bằng cách cung cấp giáo dục công lập cơ bản cùng với dịch vụ công cơ bản cho mọi địa bàn là cách để tạo cơ hội tốt hơn cho mọi người”, ông khuyến nghị.
"Tốt nhất là nên ghi nhận phương án đánh đổi giữa phát triển và bảo vệ nền tảng tài nguyên của quốc gia. Tăng cường nỗ lực thích ứng là nội dung quan trọng trong bản quy hoạch. Bảo vệ những địa bàn có nguy cơ tổn thương (xây đê kè, rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long). Di dời sang những địa bàn ít có nguy cơ dễ tổn thương (di dời đến nơi cao hơn). Dịch chuyển sang các lĩnh vực ít có nguy cơ dễ tổn thương (chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm do bị xâm mặn)”, TS. Dannay Leipziger đề xuất. |
Vị chuyên gia của WB cũng chỉ rõ, lồng ghép khả năng chống chịu vào phân tích về mạng lưới và các chuỗi giá trị là điều kiện tiên quyết để lập quy hoạch không gian tốt. Xác định ưu tiên qua “khả năng kết nối” chuyển dịch sự chú trọng sang các mạng lưới giao thông toàn cầu và giảm chi phí giao dịch thương mại.
Mục tiêu của việc này, theo TS. Dannay Leipziger, là nhằm giảm thiểu chi phí giao thông và thương mại, loại bỏ những trở ngại liên quan đến việc Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu chính và cải thiện năng lực cạnh tranh xuất/nhập khẩu.
Một vấn đề được TS. Dannay Leipziger lưu ý đó là việc bỏ qua những rủi ro khí hậu (“những điều chưa biết đã được biết”) khi quy hoạch đầu tư tương lai có thể sẽ tạo ra những tài sản lãng phí và khiến người dân lâm vào cảnh khó khăn.
”Đầu tư vào những địa bàn có nguy cơ tổn thương cao sẽ thu hút nhiều người dân đến những nơi rủi ro. Bỏ qua nguy cơ dễ tổn thương khiến cho tài sản hạ tầng hiện tại gặp rủi ro và gây tốn kém, nhất là ở các vùng ven biển”, ông nói và đề xuất "Tốt nhất là nên ghi nhận phương án đánh đổi giữa phát triển và bảo vệ nền tảng tài nguyên của quốc gia. Tăng cường nỗ lực thích ứng là nội dung quan trọng trong bản quy hoạch. Bảo vệ những địa bàn có nguy cơ tổn thương (xây đê kè, rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long). Di dời sang những địa bàn ít có nguy cơ dễ tổn thương (di dời đến nơi cao hơn). Dịch chuyển sang các lĩnh vực ít có nguy cơ dễ tổn thương (chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm do bị xâm mặn)”.
Một vấn đề khác trong quy hoạch tổng thể quốc gia được vị chuyên gia này đề xuất đó là, cần tính kỹ và đầy đủ các rủi ro về môi trường và khí hậu. Ông lưu ý, rủi ro môi trường và khí hậu có thể vượt khỏi ranh giới các tỉnh, do đó, cần thiết kế các công cụ và cơ chế để trao quyền cho cơ quan có thẩm quyền cấp vùng hành động.
Cùng với các vùng động lực, hệ thống và các vùng đô thị lớn nên là trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Trên khắp thế giới, mật độ và quy mô là động lực đem lại năng suất và đổi mới sáng tạo, và để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao, chúng ta phải khai thác cả hai.
"Để khai thác được hiệu quả kinh tế do quần tụ, các vùng đô thị lớn và các trung tâm đô thị đang nổi lên nên tăng mật độ đồng thời tránh phát triển đô thị lộn xộn. Các vùng đại đô thị cũng nên giảm tắc nghẽn qua đầu tư vào vận tải hành khách đại chúng”, ông nói.
Kinh nghiệm từ các quốc gia đang phát triển khác cho thấy thiếu hạ tầng giao thông đô thị là rào cản nghiêm trọng làm hạn chế hiệu suất kinh tế và tăng trưởng. Vì thế, ông cho rằng, phát triển một số đô thị cấp hai có điều kiện phát triển kinh tế và kết nối là phương án hợp lý.
"Nên giảm những rào cản trong triển khai và ưu tiên kết nối. Đồng thời, cần kết nối ra vùng lân cận”, TS. Dannay Leipziger nêu quan điểm và cho rằng, vì vùng đại đô thị không tuân theo ranh giới đô thị, nên đòi hỏi phải có thể chế và thẩm quyền cho phép quản trị nhà nước hiệu quả. Quan trọng là phải xác định được hạn mức nguồn lực sát thực tế cho bản quy hoạch.
"Nguồn vốn cho bản quy hoạch phụ thuộc vào khả năng huy động nguồn lực trong và ngoài nước, cũng như giả định cải thiện lớn về hiệu suất sử dụng vốn”, vị chuyên gia này nhấn mạnh và cho rằng, việc tăng thêm nguồn lực, có lẽ qua các thị trường vốn trong nước, áp dụng ước tính về nguồn PPP sát thực tế hơn có thể giúp giảm bớt những hạn chế về nguồn vốn trong tương lai.
TS. Dannay Leipziger cho rằng, cần điều chỉnh những ưu tiên trong quy hoạch nhằm ứng phó với hoàn cảnh thay đổi. Theo đó, cần thiết kế phương thức điều chỉnh quy hoạch và nâng cao sự linh hoạt trong quy hoạch; Đưa ra các kịch bản với các giả định khác nhau về môi trường trong nước và bên ngoài; Đưa ra các chỉ tiêu và khung thời gian để theo dõi được kết quả thực hiện và báo cáo./.
Bình luận