Lo ngại gì sau khi thương vụ đình đám mang tên Sabeco?
Bán thành công Sabeco
Ngày 18/12/2017 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức phiên chào bán cổ phần của Sabeco, với sự tham gia của 2 nhà đầu tư trong nước, bao gồm 1 tổ chức và 1 cá nhân.
Kết quả chào bán, đó là nhà đầu tư cá nhân đã mua được 20.000 cổ phiếu Sabeco đã đăng ký với mức giá 320.500 đồng/cổ phiếu; Nhà đầu tư tổ chức (Công ty TNHH Vietnam Beverage - công ty liên quan tới tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi) đăng ký mua trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu SAB với mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu, bằng với mức giá khởi điểm. Theo đó, mức giá thành công bình quân được xác định là 320.000 đồng/cổ phiếu.
Thông qua phiên chào bán này, dự kiến Chính phủ cũng đã thu được khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương với 5 tỷ USD – số tiền kỷ lục cho một phiên thoái vốn.
Phiên chào bán cổ phiếu của Sabeco diễn ra vào ngày 18/12/2017 |
Đánh giá về sự thành công của phiên đấu giá, Nguyễn Thanh Đoàn, nguyên Thư ký Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội cho rằng, mức giá khởi điểm 320.000 đồng/cổ phần Sabeco là rất cao. Mức giá đó đương nhiên vốn đã là một bộ lọc khốc liệt và chỉ những nhà đầu tư có năng lực thực sự mới dám nhập cuộc sân chơi.
“Thương vụ này đã có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Chính phủ trong thực hiện kế hoạch cân đối ngân sách mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2017. Đặc biệt, sau khi chuyển nhượng 53,59% cổ phần Sabeco, cổ đông Nhà nước sẽ vẫn chi phối 36% cổ phần Sabeco - mức vừa đủ để duy trì quyền phủ quyết tại doanh nghiệp”, ông Đoàn cho biết.
Cùng quan điểm, ông Thomas Felix Baden, Quyền Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quỹ UNICAP cũng cho rằng, kết quả 5 tỷ USD từ đợt thoái vốn Sabeco của Bộ Công Thương Việt Nam là con số rất lớn, hiếm thấy nhiều năm qua trong khu vực.
“Tôi đánh giá đây là một thương vụ thành công, mở ra tiền đề tốt cho các đợt thoái vốn tiếp theo của Việt Nam. Xét về mặt doanh nghiệp điều này là tốt cho Sabeco vì sự tham gia của các nhà đầu tư Thái trong cùng lĩnh vực sẽ bổ trợ, giúp gia tăng thêm hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của Sabeco", ông Thomas Felix Baden cho biết.
Còn đó những lo ngại!
Mặc dù, bán cổ phần Sabeco được đánh giá là thành công về mặt kinh tế, nhưng nhiều chuyên gia cũng lo ngại về việc mất đi những thương hiệu Việt nổi tiếng hay việc sử dụng vốn sau khi bán.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, bài toán chủ sở hữu thương hiệu cho quốc gia liệu có cần cân nhắc? Sau 7 năm vận động “Người Việt Nam, ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thì nay những thương hiệu Việt mạnh nhất lại muốn đem bán hết, phải chăng vận động cho mạnh để... bán?
Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Sabeco là một con gà đẻ trứng vàng mà lại bán cho nhà đầu tư Thái Lan lên đến tỷ lệ 53%, khiến nhà đầu tư này có thế thượng phong trong việc điều hành doanh nghiệp này. Đây là điều cần rút kinh nghiệm.
“Bởi vì nếu như chúng ta cứ bán như vậy, các con gà đẻ trứng vàng của Việt Nam sẽ được chuyển sang nhà đầu tư nước ngoài, và lúc bấy giờ lãi làm ra, nhà đầu tư nước ngoài sẽ hưởng nhiều hơn chúng ta”.
Cũng có những trăn trở như trên, trả lời báo Dân Trí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, một số nhà đầu tư nước ngoài mua lại doanh nghiệp, thương hiệu Việt không phải để duy trì và phát triển thương hiệu đó mà họ mua lấy thị phần. Việc nhà đầu tư Thái mua Sabeco, hay người Thái muốn mua thêm cổ phần của Vinamilk là để chiếm lĩnh thị phần, chứ không phải là câu chuyện quản trị hay kỹ năng…
Bà Lan cũng cho biết, dư luận đặt ra câu hỏi bán được vài tỷ USD có đắt, có rẻ gì hay không, tương lai của các công ty này như thế nào? Dù trước đó là tài sản Nhà nước đầu tư nhưng cũng là tài sản, là doanh nghiệp được thừa hưởng nhiều ưu đãi… Nếu cộng dồn cả những cái được, cái mất, chúng ta đã tính được chi phí cơ hội của tỷ USD hay chưa?
“Nếu chỉ bán cho xong nhiệm vụ tái cơ cấu thì sẽ là thành công, nhưng nuôi con lớn, bán con đi thì cũng phải xác định tương lai thế nào, thương hiệu ra sao. Tôi đau nhất vẫn là không chỉ Sabeco, mà nhiều doanh nghiệp nhà nước sau bao năm nuôi dưỡng, phải bán cho đối tác ngoại” bà Lan cho biết.
Không chỉ lo ngại về việc mất thương hiệu, mà việc sử dụng nguồn vốn sau khi bán cũng là vấn đề mà chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành quan tâm.
Ông Thành đặt câu hỏi, bán Sabeco hay các doanh nghiệp nhà khác được tiền rồi thì sử dụng những đồng tiền đó như thế nào? Theo ông Thành, cách tốt nhất là dùng cho chi thường xuyên, phải đưa vào những lĩnh vực tạo được sự lan toả tốt, ví dụ như đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đầu tư vào đào tạo nhân lực.
Ông Thành cũng cho rằng, vài tỷ USD đối với Việt Nam, nếu bán được và sử dụng hiệu quả thì rất tốt. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn rộng, đặt vấn đề lớn là qua hàng chục năm trời các doanh nghiệp con cưng được ưu đãi nhiều thứ, có thương hiệu, có thị phần rồi mà bây giờ chỉ có giá vài tỷ đô thì có hiệu quả không?/./
Tổng hợp từ:
1. Trần Linh (2017). Phiên đấu giá lịch sử Sabeco: Bài học để bán vốn nhà nước được giá nhất, truy cập từ https://vov.vn/kinh-te/phien-dau-gia-lich-su-sabeco-bai-hoc-de-ban-von-nha-nuoc-duoc-gia-nhat-709376.vov
2. Chí Hiếu - Hân Vũ – Anh Vũ (2017). Thoái vốn nhà nước tiền hay thương hiệu, truy cập từ https://thanhnien.vn/kinh-doanh/thoai-von-nha-nuoc-tien-hay-thuong-hieu-911339.html
3. Trung tâm tin tức VTV (2017). Bộ Công Thương vẫn giữ quyền phủ quyết sau thoái vốn Sabeco, truy cập từ http://vtv.vn/kinh-te/bo-cong-thuong-van-giu-quyen-phu-quyet-sau-thoai-von-sabeco-20171221091243439.htm
Bình luận