MBS: Cổ phiếu thép đang hút dòng tiền
Thị trường trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ lễ dài ngày với diễn biến giằng co trên nền thanh khoản thấp. Chỉ số Vn-Index để mất điểm khi chốt phiên một phần là do thanh khoản thấp, bên cạnh đó là việc khối ngoại bán ròng, ngoài ra cũng có thể do tác động từ thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh trong kỳ nghỉ lễ vừa qua. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp chỉ số VN-Index tiệm cận vùng cản 1.284 - 1.288 điểm nhưng không bứt phá thành công, phiên này nhóm cổ phiếu ngân hàng chính là lực cản khiến thị trường tiếp tục duy trì xu hướng đi ngang. Nhìn chung, với nền thanh khoản thấp, xu hướng đi ngang của thị trường cũng đã sang tuần thứ 4 liên tiếp thì những nhóm cổ phiếu có câu chuyện sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền đầu cơ, lúc này nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản đang có lợi thế hơn.
Theo MBS, những nhóm cổ phiếu có câu chuyện sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền đầu cơ, lúc này nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản đang có lợi thế hơn |
Phiên đầu tháng 9/2022 (ngày 5/9/2022), thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE đạt 11.626 tỷ đồng so với mức bình quân 14.200 tỷ đồng của tuần trước. Tổng cộng có 466 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 555 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó. Khối ngoại bán ròng 434,55 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán tập trung ở các cổ phiếu như: NVL, VCB, SSI, FUEVFVND, BVH… Ở chiều ngược lại, VNM, PVD, PVS, CMG, PVT,… là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên này.
Trên trường quốc tế, tờ Wall Street Journal cho biết, các nhà phân tích và điều hành doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng nói rằng, giá khí đốt và giá điện vốn đang cao ngất ngưởng ở châu Âu có khả năng sẽ nhảy lên mức cao hơn trong những ngày tới. Châu Âu lo ngại rằng việc đường ống khổng lồ đi qua biển Baltic này tiếp tục đóng cửa sẽ đẩy giá khí đốt và giá điện ở châu Âu lên những đỉnh cao mới. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, các công ty năng lượng cung cấp các dịch vụ tiện ích gồm điện, khí đốt và nhiệt sưởi đến các hộ gia đình ở châu Âu có thể sụp đổ vì không thể xoay sở đủ tiền để trả cho việc mua khí đốt từ các công ty giao dịch năng lượng. Một làn sóng chậm trả nợ sẽ xói mòn bất ổn tài chính.
Thị trường chứng khoán toàn cầu vừa khép lại tháng 8 với tuần giảm thứ 3 liên tiếp sau khi lạm phát ở châu Âu lập kỷ lục mới, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã đưa ra một giọng điệu diều hâu về việc chống lạm phát thông qua chính sách tiền tệ khiến các nhà phân tích lo ngại vẫn có nhiều mối đe dọa tiềm tàng từ chiến lược thắt chặt liên tục của Fed.
Ở chiều ngược lại, chứng khoán ASEAN trở thành nơi trú ẩn trong cơn biến động thị trường tài chính toàn cầu. Chỉ số MSCI Asean có hiệu suất tốt hơn nhiều so với chỉ số MSCI - châu Á Thái Bình Dương rộng hơn và dự kiến tăng điểm tốt hơn chỉ số chứng khoán tòan cầu MSCI ACWI trong quí thứ ba liên tiếp. Các đánh giá lạc quan về thị trường chứng khoán ASEAN chỉ ra những điểm sáng của khu vực bao gồm việc tái mở cửa biên giới thu hút một lượng lớn khách quốc tế quay trở lại khu vực, cũng như nhu cầu nội địa bùng nổ đang giúp khu vực tránh được xu hướng tăng trưởng chậm lại trên toàn cầu. Và với làn gió thuận lợi từ xuất khẩu hàng hóa, triển vọng thu nhập của khu vực có vẻ hứa hẹn hơn so với hầu hết các thị trường khác vốn đang chịu sức ép do tiêu dùng chậm lại và chi phí tăng.
Bộ trưởng bộ năng lượng các nước EU dự kiến sẽ họp khẩn vào ngày thứ Sáu tuần này để bàn về các lựa chọn ứng phó với giá điện tăng “bốc đầu”, chẳng hạn áp trần giá đối với điện từ các nguồn không dùng khí đốt làm đầu vào.
Nhiều nhà giao dịch và chuyên gia nhận định, có một số yếu tố có thể kéo giá khí đốt xuống sau một cú tăng vọt ban đầu. Các yếu tố như vậy bao gồm động thái hỗ trợ của các chính phủ ở Bắc Âu. Ngoài ra, dự báo thời tiết cho thấy sản lượng điện của các trang trại điện gió có thể tăng, theo đó giảm bớt nhu cầu khí đốt./.
Bình luận