Mới chỉ có 21% DNNVV Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Tại Hội thảo “Nâng cao khả năng tiếp cận các thị trường khu vực và toàn cầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” ngày 17/09/2015,Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, trải qua nhiều năm phát triển, doanh nghiệp nhỏ và vừa được đánh giá là một trong những công cụ quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống của dân cư và là xương sống của nền kinh tế.
Với xu hướng toàn cầu hóa theo khuynh hướng sâu rộng hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều tiềm năng trong việc đóng góp vào quá trình toàn cầu hóa và hợp tác kinh tế bằng cách tham gia nhiều hơn vào các chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đông cũng nhấn mạnh, kể từ cuối năm 2015, việc tham gia vào cộng đồng kinh tế Asean với thị trường 600 triệu dân, cùng hàng loạt các FTA đã và đang được ký kết sẽ gây ra nhiều sức ép cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.
Cũng lo ngại về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, các doanh nghiệp Việt
Ông Phòng lấy dẫn chứng, theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hiện nay mới chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất định hướng xuất khẩu, trong khi con số này ở Malaysia và Thái Lan là gần 60%.
Bên cạnh đó, chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thấp hơn so với 30% của Thái Lan, 46% của Malaysia. Đặc biệt, phần lớn các doanh nghiệp này chỉ mới tham gia ở khâu thấp nhất trong chuỗi cung ứng là lắp ráp và gia công, cung cấp các phụ tùng thay thế, chứ chưa tham gia sản xuất các sản phẩm chính.
Theo đó, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, để các doanh nghiệp có thể khai thác được những cơ hội trên, cần sự chung tay từ Chính phủ, cũng như các doanh nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp rất cần những nỗ lực của Chính phủ trong quá trình xây dựng và ban hành luật, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tập trung đầu tư về nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và tài chính trong chuỗi giá trị các sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Phòng nhấn mạnh, bản thân doanh nghiệp cũng cần tự nâng cao sức cạnh tranh thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, quản trị doanh nghiệp hiệu quả để cắt giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm. Cùng với đó là xây dựng năng lực và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ từ việc đào tạo giám đốc, các cấp quản lý, tăng cường đội ngũ chuyên gia hỗ trợ, nâng cao kỹ năng lao động để tăng số lượng và chất lượng công nhân có tay nghề.
Cũng nhận định về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Chủ tịch Mạng Doanh nhân nữ ASEAN cho biết, đã đến lúc các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải định vị được mình đang đứng ở đâu trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Có như vậy họ mới xác định được hướng đi đúng để hội nhập thành công.
Thứ trưởng Đông cũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp, đó là cần nắm bắt đầy đủ các thông tin về hội nhập, trong đó các thông tin về ưu đãi thuế, hàng rào kỹ thuật và các cơ hội thị trường cần đặc biệt quan tâm, để có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh, cũng như khả năng cạnh tranh không chỉ tại các thị trường nước ngoài mà còn ngay tại thị trường nội địa./.
Bình luận