Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các bộ ngành, địa phương đã dần có ý thức hơn trong việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh cho người dân, doanh nghiệp. Kết quả là thứ hạng môi trường kinh doanh của nước ta năm 2015 (theo Doing Business) tăng 3 bậc, từ vị trí 93 lên vị trí 90/189 nền kinh tế.

So với các nước Đông Nam Á, năm 2015, Việt Nam được ghi nhận nhiều cải cách hơn, nhờ đó môi trường kinh doanh tăng điểm và thứ hạng tốt hơn (cải thiện ở 5/10 lĩnh vực); trong khi 3 nước gồm Malaysia, Philippines và Thái Lan xuống hạng; Singapore vẫn giữ vị trí dẫn đầu thế giới (Hà Chính, 2016).

Việt Nam đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế và hải quan góp phần quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Số giờ nộp thuế đã giảm được khoảng 420 giờ, hiện chỉ còn 117 giờ, tương đương với các nước ASEAN-6; đã có 98,5% doanh nghiệp kê khai nộp thuế điện tử và 90,8% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử, vượt mục tiêu theo Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2015 của Chính phủ.

Như vậy, với khoảng gần 410.000 doanh nghiệp nộp thuế thì cải cách hành chính thuế có thể tiết kiệm được khoảng 21,5 triệu ngày công lao động cho nền kinh tế. Năm 2015, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới và tăng thêm của Việt Nam đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014. Quý I/2016, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4,026 tỷ USD, tăng 119,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Mặc dù vậy, môi trường đầu tư của Việt Nam còn những hạn chế cần khắc phục.

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 5 năm (2011-2016) ở Quốc hội sáng 01/04/2016, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, trong khi Việt Nam đang tha thiết mời gọi các nhà đầu tư để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho phát triển kinh tế xã hội. Thế nhưng, những chủ trương chính sách, tốt đẹp, thông thoáng lại bị khâu thực hiện được ví như những rào cản, barie làm vô hiệu hóa. Nhiều nơi làm khó các nhà đầu tư như cắt điện, cắt nước, dựng rào chắn cổng, một số người thi hành công vụ vòi vĩnh nhũng nhiễu trắng trợn đòi tiền lót tay, tiền bôi trơn, làm doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng. Đến nỗi trong thảo luận về kinh tế - xã hội có đại biểu phải thốt lên, đất lành chim đậu nhưng chim chưa kịp đậu đã nhậu hết chim. Thế là mời gọi các nhà đầu tư nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh, các nhà đầu tư tuy đi trên thảm nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới.

Mới đây, câu chuyện Công ty Tân Đức (Long An) đem vật cản chắn cổng, đổ đất đá và cắt nước của Công ty TNHH Tango Candy (Nhật Bản) gây xôn xao dư luận. Và thực ra, Tango không phải là “nạn nhân” duy nhất, mà còn có các công ty KSA Polymer, YSG Apparel cũng bị “chặn cổng”. Tất nhiên, sau sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cũng như sức ép của dư luận, Công ty Tân Đức đã phải tháo dỡ vật cản, cấp nước để Công ty TNHH Tango Candy hoạt động bình thường.

Nhưng vấn đề không chỉ là Công ty Tân Đức, mà còn là môi trường đầu tư của Long An nói riêng và môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung. Liệu cách hành xử này có khiến các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, nản lòng hay không?

Tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các nhà đầu tư nước ngoài năm 2016 với chủ đề “Lắng nghe và đổi mới” diễn ra sáng 16/3/2016, bà Huỳnh Thị Lan Phương - Phó Tổng Giám đốc Công ty VWS, nhà đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tại TP. Hồ Chí Minh kể câu chuyện mất đúng một năm cho thủ tục hành chính, cấp phép... “Đến nay, doanh nghiệp đã hoạt động tại TP.Hồ Chí Minh 11 năm, nhưng vẫn mang tâm trạng lo lắng khi một ngày mới, cứ mở mắt ra là lo đối phó” (Vũ Quỳnh, 2016).

Đó chỉ là những “góc khuất nhỏ” trong môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, nhưng nếu không xử lý kịp thời, để những mảng tối đó lan rộng, thì hệ lụy sẽ vô cùng lớn, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư mà bao năm qua Chính phủ đã nỗ lực cải thiện để thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước.

Để cạnh tranh thu hút đầu tư với nước ngoài và các quốc gia khác trong khu vực, theo các chuyên gia, Việt Nam cần có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế, cần minh bạch hơn nữa trong môi trường đầu tư, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành tạo môi trường đầu tư thuận lợi và niềm tin cho các doanh nghiệp.

Cũng tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội 5 năm (2011-2016) ở Quốc hội sáng 01/04/2016, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, để nền kinh tế có bước tăng trưởng bền vững, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chỉ nên đầu tư thu hút nguồn vốn này vào những ngành, lĩnh vực ta còn thiếu và yếu thay thế thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài một cách tràn lan, thiếu định hướng, nội lực yếu kém của nền kinh tế.

Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cần tiếp tục rà soát cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch và công bằng. Hiện nay, do tính chất hội nhập sâu rộng, nên cạnh tranh giữa các quốc gia hết sức khốc liệt. Các nước cũng đang tích cực cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tốt nhất nên việc thăng hạng ở nước ta là hết sức khó khăn. Chính phủ cần chú ý giải pháp góp phần tăng năng suất lao động. Bên cạnh yếu tố môi trường đầu tư kinh doanh, tổ chức sản xuất quản trị nhân lực thì yếu tố đổi mới, máy móc thiết bị công nghệ hiện đại là rất quan trọng. Nhưng doanh nghiệp nước ta đầu tư cho khoa học - công nghệ còn hạn chế. Vì vậy, Chính phủ trong thời gian tới cần có gói hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn này./.

Tài liệu tham khảo

Hà Chính (2016). Bộ KHĐT báo cáo thẳng thắn với Chính phủ, truy cập từ http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Bao-cao-thang-than-voi-Chinh-phu-ve-moi-truong-kinh-doanh/250635.vgp

Lương Bằng (2016). Cải thiện môi trường kinh doanh: không dừng lại, truy cập từ http://www.baohaiquan.vn/Pages/Cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-Khong-dung-lai.aspx

Vũ Quỳnh (2016). Doanh nghiệp FDI “kêu khó, kể khổ” với Bí thư Đinh La Thăng, truy cập từ http://vneconomy.vn/thoi-su/doanh-nghiep-fdi-keu-kho-ke-kho-voi-bi-thu-dinh-la-thang-20160316093049177.htm