Năm 2016: 59 địa phương hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách
Thông tin này được công bố tại Hội nghị Tổng kết công tác thuế năm 2016 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2017. Cụ thể, tình hình thu ngân sách nhà nước năm 2016 do ngành Thuế thực hiện đạt 884.399 tỷ đồng, vượt 9,3% so dự toán pháp lệnh (tương ứng vượt 74.899 tỷ đồng), bằng 109,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong năm 2016, có 59/63 địa phương hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách
Về số thu không kể tiền sử dụng đất, có 50/63 địa phương hoàn thành dự toán, còn 13/63 địa phương không hoàn thành dự toán bao gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Kon Tum, Hà Tĩnh, Cà Mau, Vĩnh Long, Hà Nội, Lâm Đồng, Quảng Bình, Bình Dương, Cần Thơ, Điện Biên, Bắc Giang.
Trong số các địa phương thu đạt dự toán, có khá nhiều địa phương hoàn thành vượt mức, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Nghệ An.
Tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2016, tổng thu tính cân đối trên địa bàn đạt 103,64% so với dự toán và tăng 11,46% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa tính cân đối (trừ dầu thô) đạt 106,35% dự toán và tăng 18,72% so với cùng kỳ. Còn tại Hà Nội, tổng thu ngân sách do Cục thuế quản lý thu (không bao gồm cổ tức, lợi nhuận của trung ương) là 157.909 tỷ đồng, đạt 102,3% dự toán, tăng 14% so với thực hiện năm 2015 có loại trừ.
Bên cạnh đó, Đồng Nai là một trong số 13 tỉnh có nguồn thu tự cân đối và góp phần điều tiết về ngân sách Trung ương. Tổng thu ngân sách năm 2016 của tỉnh này ước thực hiện 27.360 tỷ, đạt 102% dự toán giao và tăng 12,2% so với thực hiện năm 2015. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2016 cũng đạt 11.005 tỷ đồng, bằng 107% so với kế hoạch…
Theo Tổng cục Thuế, cả nước chỉ có 4/63 địa phương không hoàn thành dự toán là Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Cà Mau, Kon Tum do những tỉnh này chịu ảnh hưởng lớn từ giảm giá dầu khí và tình hình thiên tai, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường.
Để hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2016, Tổng cục Thuế cũng như Cục Thuế các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp để tăng thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ và công bằng minh bạch cho người nộp thuế.
Cùng với đó, nhiều biện pháp được Cục Thuế địa phương đề ra, như: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; tăng ứng dụng thông tin để quản lý dự liệu người nộp thuế; đối thoại và lắng nghe người nộp thuế để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện nuôi dưỡng nguồn thu./.
Bình luận