Năm 2017: Doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục đạt kỷ lục mới!
Hơn 153 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động
Theo thống kê của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 153.307 doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp thành lập mới, trong năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.295.911 tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2017 đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.
So sánh số lượng doanh nghiệp giữa các khu vực cho thấy, khu vực Đông Nam Bộ có số doanh nghiệp gia nhập thị trường cao nhất, với 680.639 doanh nghiệp, chiếm 42,3%; tiếp đó là khu vực Đồng bằng sông Hồng có 38.075 doanh nghiệp, chiếm 30,0%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 17.556 doanh nghiệp, chiếm 13,8%; Đồng bằng sông Cửu Long có 8.994 doanh nghiệp, chiếm 7,1%; Trung du và miền núi phía Bắc có 5.300 doanh nghiệp, chiếm 4,2% và Tây Nguyên có lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp nhất so với các khu vực khác với 3.236 doanh nghiệp, chiếm 2,6%.
Trong năm nay, các ngành nghề thu hút số lượng doanh nghiệp mới đông đảo là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa, ô tô, xe máy có 45.411 doanh nghiệp, chiếm 35,8%; Công nghiệp chế biến, chế tạo có 16.191 doanh nghiệp, chiếm 12,8%; Xây dựng có 16.035 doanh nghiệp, chiếm 12,6%; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác có 9.392 doanh nghiệp, chiếm 7,4%...
Tuy nhiên, xét về số vốn đăng ký, thì ngành Kinh doanh bất động sản có số vốn đăng ký mới nhiều nhất, với 388.376 tỷ đồng, chiếm 30,0%; tiếp đến là Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy 198.042 tỷ đồng, chiếm 15,3%; Xây dựng 190.823 tỷ đồng, chiếm 14,7%; Công nghiệp chế biến, chế tạo 144.726 tỷ đồng, chiếm 11,2%; Sản xuất phân phối điện, nước, ga 67.391 tỷ đồng, chiếm 5,2%... (Bảng 1).
Đối với doanh nghiệp quay lại hoạt động, trong năm có 26.448 doanh nghiệp, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ghi nhận tăng ở 03 vùng so với cùng kỳ năm ngoái, gồm: Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Trung du và miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Còn lại, số doanh nghiệp quay trở lại ở tất cả các vùng khác đều giảm, như: Đồng bằng sông Cửu Long giảm 19,4%; Đông Nam Bộ giảm 7,5% và Tây Nguyên giảm 2,3%...
Trong năm 2017, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động chủ yếu tập trung ở các ngành, như: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; Xây dựng; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Vận tải kho bãi; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác; Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác. Các ngành còn lại có quy mô doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ít hơn 1.000 doanh nghiệp (Bảng 2).
Song, cũng có hơn 72 nghìn doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động
Bên cạnh mặt sáng của bức tranh doanh nghiệp, thì cũng có mặt tối đáng chú ý, đó là có tới hơn 72 nghìn doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động.
Trong đó có 21.684 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2016; 38.869 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 4,6%; 12.113 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 2,9%.
Trong năm qua, chỉ có quy mô vốn doanh nghiệp đăng ký dưới 10 tỷ đồng là có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể giảm so với cùng kỳ năm 2016. Các quy mô vốn còn lại đều có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm: quy mô vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng có 154 doanh nghiệp, tăng 40,0%; từ 10-20 tỷ đồng có 448 doanh nghiệp, tăng 18,2%; từ 20-50 tỷ đồng có 301 doanh nghiệp, tăng 16,2% và từ 50-100 tỷ đồng có 123 doanh nghiệp, tăng 3,4%.
Có thể thấy, số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,5% trên tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước.
Các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu là ở những vùng, như: Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Còn so với cùng kỳ năm 2016, thì 02 khu vực có số doanh nghiệp giải thể tăng là Trung du và miền núi phía Bắc có 763 doanh nghiệp, tăng 34,6% và Đồng bằng sông Cửu Long có 1.953 doanh nghiệp, tăng 14,6%.
Theo lĩnh vực hoạt động, thì doanh nghiệp giải thể tập trung chủ yếu ở những ngành kinh tế, như: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Xây dựng; Dịch vụ lưu trú và ăn uống...
Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể trong năm 2017 giảm ở một số ngành so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Khai khoáng; Thông tin và truyền thông; Hoạt động dịch vụ khác; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy... Duy nhất, ngành Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội là có số doanh nghiệp giải thể không tăng cũng không giảm so với cùng kỳ năm trước. Các ngành, nghề còn lại đều có số doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2016 (Bảng 3). /.
Bình luận