Ngân sách trung ương vẫn chiếm tỷ trọng lớn tại các chương trình MTQG
Báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đánh giá, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia những năm qua đã có ý nghĩa quan trọng, tác động tích cực đến đời sống của người dân.
Nhiều tác động tích cực
Các chương trình đã đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2011-2015 và công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 dự kiến xuống còn dưới 5% năm 2015 (bình quân giảm 2%/năm); tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 80% năm 2010 lên khoảng 86% năm 2015; tỷ lệ số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh ước đạt 65% năm 2015.
Cùng với đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm từ 17,5% năm 2010 xuống còn 14,5% năm 2015; tỷ suất tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm từ 23,3‰ và 15,5‰ vào năm 2011 dự kiến xuống còn 22,5‰ và 14,8‰ vào năm 2015.
Đến nay, đã có 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức 1 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; số lao động được tạo việc làm thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm ước đạt 552.300 người.
Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia những năm qua đã tác động tích cực đến đời sống của người dân
Song, vẫn còn nhiều hạn chế
Tại báo cáo, Chính phủ cũng đã thừa nhận số lượng chương trình nhiều, trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế. Vì vậy, bên cạnh một số mục tiêu đạt kế hoạch dự kiến (như số xã đạt tiêu chí nông thôn mới dự kiến đạt 20%; tỷ lệ hộ nghèo cả nước dự kiến giảm bình quân 2%/năm), thì có một số mục tiêu đạt thấp so với mục tiêu dự kiến
Chính phủ còn chỉ rõ, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương cũng như giữa các ban, ngành tại địa phương vẫn còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ.
Ngay từ ngày 04/11/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg, quy định về công tác phối hợp giữa cơ quan tổng hợp, cơ quan quản lý và cơ quan thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác phối hợp giữa các cơ quan này trong thời gian qua chưa rõ ràng trong phân công trách nhiệm và chưa đạt được sự thống nhất trong đầu mối quản lý chung các chương trình mục tiêu quốc gia.
Điều đáng nói là công tác báo cáo kết quả phân bổ mục tiêu, nguồn vốn và kết quả thực hiện các chương trình chưa được đầy đủ, thông tin thiếu chính xác, nên việc giám sát thực hiện mục tiêu của cơ quan quản lý chương trình và cơ quan tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính) rất khó khăn.
Ở nhiều địa phương còn thiếu sự phân công trách nhiệm cụ thể cho cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá và tổng hợp báo cáo việc thực hiện các chương trình.
Bên cạnh đó, một cơ cấu giám sát có sự tham gia của nhiều cơ quan và sự phân công trách nhiệm không rõ ràng dẫn đến các sai sót (nếu được phát hiện) cũng khó được quy về trách nhiệm của một cá nhân hay cơ quan cụ thể. Vì vậy, trách nhiệm giải trình của cán bộ và cơ quan tham gia giám sát không cao.
Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ về tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.
Đồng thời, Ủy ban cũng nhấn mạnh thêm rằng, một số văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm được ban hành, chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ.
Một số cơ chế, chính sách đối với vùng đặc thù chưa được quy định cụ thể, chậm được sửa đổi, bổ sung; văn bản hướng dẫn thanh, quyết toán kinh phí hàng năm chưa đồng bộ.
Công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện đối với một số chương trình còn hạn chế; công tác tuyên truyền tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
Điều đáng lưu ý, theo cơ quan này, thì việc huy động vốn cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thấp và chưa hợp lý khi ngân sách trung ương vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các nguồn vốn khác đạt tỷ lệ thấp so với mức vốn đã được phê duyệt.
Việc phân bổ và giao vốn chương trình còn chậm, giao không hết kinh phí; phân bổ còn phân tán, dàn trải, hiệu quả đầu tư chưa cao. Một số chương trình phân bổ vốn vượt định mức so với nguyên tắc, tiêu chí đề ra; không đúng đối tượng thụ hưởng chương trình; hỗ trợ đầu tư cho một số trường hợp không đúng mục tiêu; chưa tuân thủ quy định về quản lý, thanh toán vốn.
“Có 16 chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng một số địa phương chủ yếu tập trung cho chương trình xây dựng nông thôn mới”, Ủy ban Tài chính ngân sách chỉ rõ.
Đã vậy, việc lập kế hoạch, xây dựng đề án của nhiều địa phương đặt ra các mục tiêu vượt quá khả năng thực hiện và nguồn lực có thể bố trí nên thiếu khả thi, dẫn đến tình trạng một số địa phương không thực hiện nghiêm túc, triệt để Chỉ thị 1792/CT-TTg và Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phê duyệt dự án vượt khả năng cân đối dẫn đến nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới lớn.
Không đồng tình với đề xuất áp dụng cơ chế rút gọn
Ủy ban Tài chính ngân sách cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về danh mục chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tán thành việc tổ chức lại chương trình quốc gia theo hướng thu gọn đầu mối, chỉ để lại 2 chương trình là Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững.
Song, Ủy ban này cũng thể hiện rõ sự không đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế rút gọn do Thủ tướng Chính phủ quy định đối với một số dự án đầu tư thuộc Chương trình có quy mô nhỏ, có sự tham gia đóng góp của người dân.
Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn vừa qua, cũng như giai đoạn 2016-2020 vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực đầu tư từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2011-2015, tổng kinh phí được phê duyệt theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ (chưa bao gồm Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới) là 168.009 tỷ đồng.
Theo báo cáo của các bộ quản lý Chương trình Mục tiêu quốc gia và 42/63 tỉnh, thành phố; chưa bao gồm 450 tỷ đồng vốn trái phiêu chính phủ chưa phân bổ năm 2015 của Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, tổng kinh phí huy động thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 là khoảng 323.982 tỷ đồng.
Trong đó: Ngân sách trung ương khoảng 80.599 tỷ đồng, chiếm 25% tổng kinh phí huy động thực hiện các chương trình; chiếm khoảng 1,7% tổng chi ngân sách nhà nước, trong đó vốn đầu tư là 32.253 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 48.347 tỷ đồng. Ngân sách địa phương khoảng 52.021 tỷ đồng, chiếm 16% tổng kinh phí. Nguồn vốn nước ngoài khoảng 12.432 tỷ đồng, chiếm 4% tổng kinh phí. Vốn trái phiếu chính phủ: 9.815 tỷ đồng, chiếm 3% tổng kinh phí thực hiện các chương trình. Nguồn vốn vay tín dụng khoảng 88.141 tỷ đồng, chiếm 27% tổng kinh phí. Nguồn vốn khác khoảng 80.974 tỷ đồng, chiếm 25% tổng kinh phí thực hiện các chương trình.
“Do đó, việc triển khai thực hiện các chương trình phải tuân thủ nghiêm túc quy định về quản lý ngân sách được quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công và một số văn bản pháp quy liên quan, không áp dụng cơ chế rút gọn đối với một số dự án như đề xuất của Chính phủ”, Ủy ban Tài chính ngân sách khẳng định./.
Bình luận