Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký DN: Những vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung
Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp do Chính phủ ban hành ngày 04/01/2021 đã có những sửa đổi, tiếp thu nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thích ứng tốt hơn nữa với sự thay đổi kinh tế - xã hội trong bối cảnh đẩy mạnh áp dụng đăng ký liên thông thủ tục hành chính trên nền tảng công nghệ thông tin đang là xu hướng ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh mới của thực tiễn đời sống, với những thay đổi của chính sách, Nghị định này cũng đang cho thấy nhu cầu tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn nữa. Cụ thể những vướng mắc và đề xuất sửa đổi như sau:
Thứ nhất, về việc chuyển đổi công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên trở lên
Khoản 2, Điều 26 - Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp chuyển đổi công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên trở lên trong các trường hợp: chuyển nhượng phần vốn góp, tặng cho phần vốn góp, thừa kế, huy động vốn góp của thành viên mới mà chưa có quy định về hồ sơ đăng ký chuyển đổi trong trường hợp sáp nhập doanh nghiệp. Trên thực tế đã xảy ra trường hợp một hoặc một số công ty sáp nhập vào một công ty TNHH một thành viên khác dẫn đến công ty nhận sáp nhập phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, nhưng chưa có quy phạm điều chỉnh. Do vậy, cần bổ sung quy định đối với trường hợp này tại Nghị định để đảm bảo việc thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp được thuận lợi, thống nhất và phục vụ nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp.
Thứ hai, về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp chuyển đổi công ty TNHH một thành viên thành công ty cổ phần
Theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 26 - Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, một trong các thành phần hồ sơ đăng ký chuyển đổi công ty TNHH một thành viên thành công ty cổ phần là nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH một thành viên về việc chuyển đổi công ty. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong trường hợp chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho cá nhân, tổ chức khác, thì cá nhân, tổ chức đó mới là đối tượng có quyền quyết định về việc chuyển đổi loại hình công ty, chứ không phải là chủ sở hữu cũ. Do vậy, cần quy định cụ thể, phù hợp về đối tượng và thẩm quyền ban hành nghị quyết, quyết định về việc chuyển đổi công ty trong trường hợp này.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 26 - Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên (hoặc cổ đông mới) cũng là một trong những thành phần của hồ sơ đăng ký chuyển đổi công ty. Tuy nhiên, cần xem xét, quy định rõ thành phần hồ sơ này chỉ yêu cầu đối với trường hợp công ty TNHH (hoặc công ty cổ phần) huy động thêm phần vốn góp từ cá nhân, tổ chức khác dẫn đến thay đổi thành viên (hoặc cổ đông) và tỷ lệ sở hữu phần vốn góp của họ trong công ty.
Thứ ba, về hồ sơ đăng ký chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Khoản 2, Điều 27 - Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, gồm bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số các doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Việc yêu cầu doanh nghiệp nộp lại bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp này được đánh giá là gây khó khăn, làm gia tăng chi phí và thời gian thực hiện thủ tục, do vậy, cần được xem xét, nghiên cứu bãi bỏ tại quy định này.
Thứ tư, về đăng ký doanh nghiệp và quy định chuyển tiếp đối với công ty, chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Namđược đăng ký thành lập và hoạt động theo Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán
Điều 30 - Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài và chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 98 - Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày 01/01/2021, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài và chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động trước ngày 01/01/2021, mà đáp ứng quy định tại khoản 1, Điều 135 - Luật Chứng khoán, thì thực hiện đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở của công ty, chi nhánh.
Tuy nhiên, để bao quát toàn bộ các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và có cơ sở thực hiện thống nhất về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chứng khoán, đảm bảo tính pháp lý của Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đề nghị bổ sung tại Điều 30 và Điều 98 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP các đối tượng là chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty chứng khoán nước ngoài, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.
Thứ năm, về thời hạn gửi thông báo thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp
Khoản 1, Điều 31 - Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định về việc đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện nhưng không quy định về thời hạn nộp hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, như: đối với thông báo lập địa điểm kinh doanh quy định tại điểm b, khoản 2 Điều này. Do đó, đề nghị bổ sung quy định về thời hạn nộp hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện tại Nghị định để thống nhất thực hiện.
Thứ sáu, về thời hạn thực hiện chấm dứt tồn tại của công ty bị chia, công ty bị hợp nhất, công ty bị sáp nhập
Điều 73 - Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định về việc chấm dứt tồn tại của công ty bị chia, công ty bị hợp nhất, công ty bị sáp nhập. Theo đó, khoản 1 và khoản 5 Điều này quy định sau khi công ty được chia, công ty hợp nhất, công ty nhận sáp nhập được cấp đăng ký doanh nghiệp, công ty bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập chuyển sang tình trạng pháp lý đã bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập; Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty bị chia, bị hợp nhất, bị sáp nhập đặt trụ sở chính gửi thông tin cho Cơ quan thuế. Trường hợp công ty bị chia, công ty bị hợp nhất, công ty bị sáp nhập có địa chỉ trụ sở chính ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở chính của công ty được chia, công ty hợp nhất, công ty nhận sáp nhập, Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty được chia, công ty hợp nhất, công ty nhận sáp nhập gửi thông tin cho Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính của công ty bị chia, công ty bị hợp nhất, công ty bị sáp nhập để thực hiện chấm dứt tồn tại đối với các công ty này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy trình trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Các quy trình nghiệp vụ thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nêu trên hiện không được quy định về thời hạn thực hiện. Điều này dẫn đến việc trên thực tế, thông tin về việc chấm dứt tồn tại của công ty bị chia, công ty bị hợp nhất, công ty bị sáp nhập không được cập nhật kịp thời, do đó, có thể gây phát sinh chi phí về thuế, bảo hiểm… cho doanh nghiệp. Do vậy, cần xem xét, bổ sung quy định về thời hạn để Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện chấm dứt tồn tại của công ty bị chia, công ty bị hợp nhất, công ty bị sáp nhập trong các trường hợp này.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thúc đẩy, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, nhằm hỗ trợ thực hiện xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cần xem xét bổ sung một số quy định, như: các văn bản điện tử trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải được quét (scan) màu để thuận tiện trong việc theo dõi, đánh giá tính xác thực của hồ sơ; yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cung cấp số điện thoại liên hệ khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, nhằm kịp thời liên hệ xử lý vướng mắc trong một số trường hợp cần thiết./.
Bình luận