5 nhóm giải pháp phát triển thị trường chứng khoán trong năm 2024

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 diễn ra sáng nay (ngày 28/2) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, trong năm 2023, TTCK tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi nhiều thách thức, khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động huy động vốn qua TTCK trong năm 2023 có sự khởi sắc, với tổng giá trị huy động vốn qua thị trường đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.

Nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung hỗ trợ công tác quản lý, giám sát thị trường chứng khoán
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024. Ảnh: VGP

Năm 2024, môi trường kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục đối diện với các khó khăn, diễn biến phức tạp, khi tăng trưởng của kinh tế thế giới được dự báo vẫn còn yếu trong ngắn hạn. Trong nước, ngay từ những ngày đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, xác định năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung hỗ trợ công tác quản lý, giám sát thị trường chứng khoán
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương, ngành chứng khoán đề ra 5 nhóm giải pháp phát triển TTCK trong năm 2024. Ảnh: VGP

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đối với TTCK, năm 2024 sẽ là năm tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển TTCK trong trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế năm 2024. Do vậy, ngành chứng khoán dự kiến triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để làm tốt các công tác sau:

Thứ nhất, quyết liệt triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 và Công điện số 1360/CĐ-TTg, ngày 13/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy TTCK phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Xây dựng và tổ chức triển khai các Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

Thứ hai, quản lý điều hành TTCK đảm bảo an toàn, thông suốt, tạo thuận lợi cho huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế; triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng TTCK; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp thông qua triển khai công bố thông tin một đầu mối, cải cách thủ tục hành chính.

Thứ ba, đẩy mạnh giám sát, thực thi pháp luật để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và hoạt động lành mạnh của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, làm sạch dữ liệu nhà đầu tư và nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung hỗ trợ công tác quản lý, giám sát.

Thứ tư, tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa trên thị trường, khuyến khích các hoạt động chào bán, phát hành ra công chúng và gắn chào bán ra công chúng lần đầu với niêm yết, đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán; nâng cao năng lực và an toàn tài chính của hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán thông qua tiếp tục tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, đồng thời đẩy mạnh quản lý, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Thứ năm, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền tới công chúng đầu tư, để nâng cao hiểu biết pháp luật, hoạt động của TTCK, góp phần giúp công chúng đầu tư có kiến thức, thông tin phòng ngừa các hoạt động gian lận trên TTCK và trên không gian mạng.

Nhiều kiến nghị, đề xuất từ các bên liên quan

Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý, cũng như các tổ chức tham gia thị trường đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất đáng chú ý, nhằm góp phần thúc đẩy TTCK phát triển tích cực, lành mạnh hơn.

“Trong thực tiễn điều hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính thường xuyên trao đổi các thông tin về thị trường tiền tệ, TTCK, trái phiếu…, để thống nhất các thông điệp truyền thông, tạo lòng tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, duy trì ổn định các thị trường; hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến TTCK nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng.”, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho hay.

Cũng theo lãnh đạo NHNN, TTCK Việt Nam đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - Thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đang đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường mới nổi. Sự phát triển của TTCK có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế và của các doanh nghiệp. Đối với hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), TTCK phát triển hỗ trợ các TCTD phát hành cổ phiếu, trái phiếu để tăng vốn, nhằm tạo thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN.

“NHNN luôn quan tâm, tích cực phối hợp với Bộ Tài chính trong việc tìm giải pháp phục vụ công tác nâng hạng TTCK. NHNN đã phối hợp làm việc với 2 tổ chức xếp hạng trên để giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, từng bước phát triển thị trường ngoại tệ, hỗ trợ thanh khoản ngoại tệ khi cần thiết, để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.”, ông Hà chia sẻ.

Để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính; phát triển TTCK ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối, bổ trợ tích cực giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, ông Hà cho biết, NHNN kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các nội dung sau: (1) Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về TTCK nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp cho TTCK phát triển; (2) Tiếp tục đa dạng hóa các nhà đầu tư tham gia thị trường, khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm, nhà đầu tư nước ngoài... tham gia sâu và rộng hơn vào thị trường; (3) Bộ Tài chính tiếp tục thông tin chặt chẽ với NHNN để tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung hỗ trợ công tác quản lý, giám sát thị trường chứng khoán
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội kiến nghị tiến tới nâng hạng TTCK. Ảnh: VGP

Dưới góc nhìn của một ngân hàng đang niêm yết trên TTCK, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), khuyến nghị một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tốt trên thị trường bằng cách phân loại và xếp hạng độc lập các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động, để tăng sức mạnh thương hiệu, thị phần trong ngành, minh bạch thông tin, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp tiềm năng tham gia TTCK. Áp dụng các chuẩn mực quốc tế và thông lệ quốc tế như các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của OECD cho các doanh nghiệp niêm yết, để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thông qua thị trường tốt hơn.

Thứ hai, chúng tôi kiến nghị tiến tới nâng hạng thị trường. Một số vấn đề chính như sau: Chất lượng hàng hóa trên thị trường là quan trọng. Khi chất lượng thị trường tốt, giá trị cao, thì nhà đầu tư nước ngoài đến đây để tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Do đó, chất lượng thị trường và quan trọng hơn là kiện toàn Trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) - điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường. Hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến sở hữu nước ngoài.

Thứ ba là tăng cường ứng dụng về công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý và giám sát. Nghiên cứu các hệ thống triển khai giám sát tự động, kết nối với hệ thống dữ liệu và các cơ quan như: thuế, cơ quan giám sát của ngân hàng và giám sát tài chính quốc gia, tăng khả năng giám sát và chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường.

Cuối cùng là cung cấp hệ thống công nghệ và dữ liệu để tăng khả năng số hóa, tiếp cận để nhà đầu tư và công chúng xử lý việc phát hành, đầu tư tiết kiệm thời gian hơn.

Cũng dưới độ của một doanh nghiệp đang niêm yết trên TTCK, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup cho hay, trong năm 2024, Vingroup tiếp tục có kế hoạch huy động vốn thông qua cả kênh tín dụng trong và ngoài nước cùng với phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu trong và ngoài nước, để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh thông thường và mở rộng thị trường quốc tế của Vingroup. Trong quá trình phát triển của Vingroup gần 20 năm qua trên TTCK, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (tiền thân là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán). Để đây tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và hoàn thiện hơn nữa, Vingroup xin có một số kiến nghị, đề xuất tới Chính phủ và các cơ quan quản lý: (i) Tiếp tục nghiên cứu và có các giải pháp để TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng; (ii) Tiếp tục rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật hiện tại, nghiên cứu và ban hành những quy định về các sản phẩm tài chính mới để thu hút nhà đầu tư, phát triển thị trường…/.