Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 1,72 tỷ USD trong 11 tháng năm 2015
Các nhà đầu tư của Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam theo các hình thức: Hình thức 100% vốn nước ngoài với 233 dự án cấp mới và 115 dự án tăng vốn với tổng số vốn là 1,3 tỷ USD chiếm 75,6% tổng vốn đầu tư, đứng vị trí thứ hai là hình thức hợp đồng BOT với 1 dự án nhưng số vốn là 343,65 triệu USD chiếm gần 20% tổng vốn đầu tư, hình thức liên doanh với 46 dự án cấp mới và 13 dự án tăng vốn với số vốn là 74,84 triệu USD chiếm 4,3% tổng vốn đầu tư, hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh chiếm số vốn ít nhất là 1,8 triệu USD chiếm 0,1% tổng vốn đầu tư trong 11 tháng năm 2015.
Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là lĩnh vực được các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều nhất
Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo được các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều nhất với 99 dự án cấp mới và 77 dự án tăng vốn với tổng số vốn đăng ký là 922,9 triệu USD (chiếm 53,5% tổng vốn đầu tư), đứng thứ 2 là lĩnh vực xây dựng có 8 dự án cấp mới và 1 dự án tăng vốn với tổng số vốn là 355,9 triệu USD (chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng số vốn đầu tư là 146,84 triệu USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư). Còn lại thuộc về các ngành lĩnh vực khác.
Trong 11 tháng năm 2015 Nhật Bản đã đầu tư vào 32/63 tỉnh thành phố trong cả nước. Trong đó, Quảng Ninh thu hút nhiều vốn đầu tư từ Nhật Bản trong 11 tháng nhất với tổng vốn đăng là 343,65 triệu USD (chiếm 20% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ hai là Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng số vốn đầu tư là 169,8 triệu USD (chiếm 9,8% tổng vốn đầu tư). Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với tổng số vốn là 146,4 triệu USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư). Còn lại là các địa phương khác.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản được tổ chức ngày 14/10/2015 vừa qua, ông Tsutomu Sakagami, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, hiện có hơn 1.500 doanh nghiệp nước này đang đang đầu tư tại Việt Nam, trong đó 50% hoạt động trong lĩnh vực chế tạo, điện tử, ôtô và phụ kiện.
Bên cạnh đó, ông Tsutomu Sakagami cũng tỏ ra lạc quan khi hầu hết các công ty Nhật Bản đang hoạt động lâu năm tại Việt Nam đều khẳng định có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất. Theo ông, ngoài lý do tình hình chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế vững chắc thì việc Việt Nam tích cực tham gia nhiều hiệp định kinh tế lớn, mới nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cùng chiến lược bán sản phẩm vào thị trường nội địa của các công ty Nhật Bản được xem là 2 yếu tố khiến họ quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Trong những năm qua, kim ngạch ngoại thương hai nước cũng tăng dần. Năm 2014 là 27,6 tỷ USD và 8 tháng 2015 là 19 tỷ USD. Chính phủ hai nước cũng đã ban hành chiến lược công nghiệp hoá trên khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng tới 2020 và tầm nhìn 2030 với 6 ngành công nghiệp điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thuỷ sản, đóng tàu, môi trường, tiết kiệm năng lượng và sản xuất ô tô - phụ tùng.../.
Bình luận