Không nhãn mác, không nguồn gốc rõ ràng, không mắc tiền và không quá khó để mua

Thử gõ một cụm từ mỹ phẩm giá rẻ trên Google chúng ta sẽ nhận được hàng trăm nghìn kết quả với đủ loại mỹ phẩm làm đẹp mà giá cực hấp dẫn. Điều đáng chú ý là hầu hết các sản phẩm này có nhãn mác rất mập mờ, với những cái tên rất lạ thậm chí chỉ toàn là chữ tượng hình. Chỉ cần đóng mác “hàng xách tay” với giá cực kỳ rẻ, chỉ vài chục nghìn hay thậm chí vài nghìn đồng là đã có thể đánh lừa được người tiêu dùng. Ngay cả khi bạn ra các khu chợ, hỏi mua mỹ phẩm cũng sẽ được tư vấn ngay những dòng sản phẩm phong phú với cùng chức năng, xuất xứ ở khắp các nơi với những tên gọi “vừa lạ vừa quen”, mà không cần phải lo về giá cả.



(Ảnh minh họa: Internet)

Không chất lượng, không an toàn

Không ít những người tiêu dùng chấp nhận bỏ tiền túi ra để mua những mặt hàng mỹ phẩm này vì họ bị thuyết phục bởi giá rất mềm và quảng cáo rất ấn tượng. Nhưng rồi lại phải ngậm ngùi bỏ tiền túi ra để đến gặp bác sĩ da liễu trong tình trạng hoảng sợ vì dị ứng, da phồng rộp không rõ nguyên nhân… Chỉ đến khi bác sĩ cho biết bạn bị dị ứng với chất nào đó mới ngỡ ngàng về loại mỹ phẩm mình đang dùng.

Người tiêu dùng luôn mang tâm lý cứ dùng mỹ phẩm là phải trắng ngay, đẹp ngay mà không biết rằng không có công thức của mỹ phẩm nào làm được điều đó. Những mặt hàng mỹ phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc ấy phần lớn được làm theo kiểu thủ công không vệ sinh, đều chứa nhiều chất tẩy, có hại cho da, dễ gây phản ứng phụ. Chưa kể, với những dụng cụ sản xuất không phù hợp, sản phẩm rất dễ bị nhiễm chì, thủy ngân cùng nguyên liệu không rõ ràng sẽ nguy hiểm cho người sử dụng.

Không chịu trách nhiệm

Sẽ không quá ngạc nhiên khi bạn dạo một vòng các hội chợ dành cho tuổi teen đều có thể gặp các gian hàng bày bán mỹ phẩm. Có những loại có thương hiệu nổi tiếng nhưng gia lại rẻ đến bất ngờ, có những cây son môi được bán với giá chỉ từ 5000 đồng đến hai ba chục nghìn với lời giới thiệu là sản phẩm handmade an toàn. Nhưng có một điều hiển nhiên là khi bạn mua mỹ phẩm sẽ được gửi gắm rất nhiều điều hứa hẹn hay cam kết. Còn khi có vấn đề thì bạn sẽ chẳng nhận được bất cứ thứ gì cả. Tiền- không, câu trả lời- không, trách nhiệm lại càng “không” hoặc có thể sẽ còn phải nghe nói những lời nặng nhẹ thậm chí là hù dọa nữa. Kết cục cuối cùng chính bản thân chúng ta chịu.

Không kiểm soát nổi

Mỹ phẩm đểu, giả tràn lan trên thị trường hiện nay đang là một vấn đề “không kiểm soát nổi”. Các mặt hàng tự chế, hàng nhái, hàng giả, không nguồn gốc thường được mua bán theo kiểu, qua mạng, trao tay hoặc tại quầy sạp tạm bợ, lén lút, khi thấy cơ quan chức năng thì giấu hàng hoặc bỏ chạy. Cấm nơi này, bán nơi khác, dẹp chỗ này, bày chỗ khác. Điều quan trọng là người tiêu dùng phải tự bảo vệ lấy chính mình trước thị trường hỗn loạn ấy.

Và cái “không” cuối cùng dành cho người tiêu dùng đó là “Không tiếp tay tiêu thụ, không tin tưởng mù quáng” để bản thân mình “không là những con chuột bạch sập bẫy” của những người buôn bán mỹ phẩm đểu, giả.