Chúng tôi đã có dịp về thăm xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận lại sự thay đổi của các ngôi trường tại đây, nơi mà có sự đóng góp rất lớn của một người luôn hết lòng với sự nghiệp giáo dục địa phương.

Đó là ông Nguyễn Văn An, một người sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo của huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ông đã có cống hiến hơn 40 năm cho sự nghiệp trồng người và cho phong trào khuyến học của địa phương.

Từ nhỏ, ông An đã mồ côi cha mẹ, sống bằng tình yêu thương của anh, chị và xóm làng. Vì điều kiện gia đình nghèo khó, ông đã dang dở việc học hành từ khi học hết lớp 5. Thấy những tấm gương say sưa giảng dạy và hết lòng thương yêu học sinh của các thầy cô giáo dạy mình, cảm thông và chia sẻ với những học sinh có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, ông đã nuôi ước mơ cháy bỏng: Sau này có điều kiện sẽ đóng góp cho công tác giáo dục địa phương.

Từ năm 1982, ông vừa làm tập đoàn trưởng vừa làm công tác xã hội hóa giáo dục cho địa phương, từ trường mẫu giáo, tiểu học cho đến trường THCS trên địa bàn xã Tân Khánh Trung, nơi đâu cũng có đôi bàn tay của ông đóng góp gầy dựng. Thấy trường lớp sơ sài, phòng học không đủ cơ sở vật chất là ông không ngại khó khăn lặn lội đến từng nhà vận động phụ huynh học sinh đóng góp để sửa chữa.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa người cùng làm công tác xã hội hóa với ông An chia sẻ: “Tôi đã sống và gắn bó tại địa phương này gần hết cả cuộc đời, nên hơn ai hết tôi là người chứng kiến sự tận tâm đóng góp của ông An cho địa phương. Mỗi lúc thấy các cháu học sinh không đủ phòng học, không đủ bàn ghế thì ông luôn trăn trở và tâm sự với các bạn bè, những người cùng chí hướng để làm sao cho các thầy cô, các cháu học sinh có được ngôi trường, lớp học đàng hoàng để an tâm dạy và học. Vậy là ông không ngại thời gian, bỏ công sức lặn lội đi vận động các mạnh thường quân, phụ huynh học sinh… Có lẽ hồi còn nhỏ ông không có điều kiện đến trường nên đã cảm thông và chia sẽ được với những khó khăn thiếu thốn của các cháu học sinh. Ngoài công tác xã hội hóa cho giáo dục thì ông đã có nhiều đóng góp công sức cho những chiếc cầu tại địa phương. Ông góp công sức của mình vào việc tu sửa, xây dựng với mong muốn giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của bà con trên địa bàn xã”.

Thầy Lê Hoàng Nhẩn, Tổng phụ trách của trường THCS Tân Khánh Trung - ngôi trường mà ông Nguyễn Văn An đã có công đóng góp rất lớn chia sẻ: “Từ khi ngôi trường mới được thành lập cho đến nay, những hạng mục công trình của nhà trường đâu đâu cũng ghi lại dấu ấn của bác An. Thấy các em không đủ phòng học là bác đi vận động không biết mệt mỏi góp công sức của mình cho nhà trường. Các em học sinh nơi đây thường gọi bác với cái tên kính trọng và trìu mến là “Ông Tám”. Do đó, trong các buổi sinh hoạt Đội, tôi thường nêu cao tấm gương của bác An để các em hiểu rõ hơn về đạo lý Uống nước, nhớ nguồn”.

Với những đóng góp đó, ông Nguyễn Văn An đã vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”. Bên cạnh đó, ông còn nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của địa phương, Ủy ban huyện Lấp Vò…


Trường THCS Tân Khánh Trung (Ảnh: Internet)

Được biết ông An có 04 người con và tất cả đều thành đạt trong cuộc sống và công việc. Trong đó có thầy Nguyễn Văn Quận, trước kia là chủ một doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo tại Đồng tháp, nhưng để thực hiện ý nguyện của cha đã trở lại với ngành giáo dục và hiện nay là hiệu trưởng của trường THCS Tân Khánh Trung. Ông Quận cho biết: “ Ngay từ khi anh em tôi còn nhỏ, cha tôi đã thường xuyên dạy chúng tôi là muốn thoát nghèo khổ các con phải học. Hồi nhỏ cha đã không có điều kiện đến trường nên chỉ mong muốn các con học hành đến nơi đến chốn để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Hiện nay, tôi đang là hiệu trưởng của trường THCS Tân khánh Trung nơi mà cha tôi đã đặt rất nhiều tâm huyết cho công tác xã hội hóa giáo dục, nên tôi sẽ cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà ngành giáo dục địa phương giao phó và tạo được một dấu ấn riêng của nhà trường trong thời gian đương nhiệm”./.