Những dự báo khá lạc quan về thị trường chứng khoán trong năm 2024
Nhiều yếu tố nâng đỡ cho thị trường chứng khoán
Về các yếu tố cơ bản có thể ảnh hưởng tới thị trường, do năm 2023 là một năm có nhiều biện pháp giúp “trì hoãn thời gian” chờ thị trường bất động sản (BĐS) và tài chính trở lại trạng thái bình thường, một sự hồi phục đang được kỳ vọng để giúp hệ thống tài chính có thể tránh được những thách thức lớn trong năm 2024. Nhiều khả năng phục hồi kinh tế sẽ diễn ra rõ nét hơn vào nửa cuối năm 2024, với xuất khẩu tăng nhờ lãi suất toàn cầu giảm và niềm tin người tiêu dùng dần quay lại. Trong nước, tâm điểm chính vẫn sẽ là sự phục hồi của ngành BĐS trong bối cảnh các doanh nghiệp BĐS đang cần phải nhanh chóng giải quyết các vấn đề pháp lý của dự án và tỷ lệ cho vay BĐS hiện vẫn ở mức cao. Nếu như thanh khoản tại thị trường BĐS và trái phiếu doanh nghiệp không phục hồi nhanh, niềm tin người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng. Những điểm nhấn chính của ngành BĐS trong năm 2023 có thể kể tới: (1) Việc giải quyết các vấn đề pháp lý của các dự án BĐS hiện hữu còn tương đối chậm; (2) Một số quy định mới quan trọng (Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Tài sản) vừa được Quốc hội thông qua, nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người mua nhà và lành mạnh hóa thị trường. Năm 2024, nếu như vấn đề pháp lý của các dự án hiện hữu không được giải quyết sớm, dự báo hoạt động M&A sẽ tăng mạnh và tập trung vào các dự án đã đủ tính pháp lý. Nguồn cung ước tính do vậy sẽ có thể cải thiện tích cực từ mức nền thấp trong năm 2023. Thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện đối với phân khúc tầm trung tại các thành phố lớn, nơi đang gặp tình trạng thiếu cung lớn mặc dù tốc độ cải thiện có thể chậm do giá bán vẫn ở mức cao. Mặt khác, dòng BĐS nghỉ dưỡng có thể tiếp tục gặp nhiều thách thức. Về cơ bản, nguồn vốn huy động từ bán dự án đủ tính pháp lý có thể giúp các công ty BĐS có thêm thời gian cho đến khi giải quyết xong vấn đề pháp lý cho các dự án còn vướng mắc. Dự báo sự phục hồi của thị trường BĐS sẽ phân hóa giữa các phân khúc và cần thêm thời gian để có thể tiến đến phục hồi hoàn toàn. Các công ty BĐS có sức khỏe tài chính tốt mới có thể vượt qua thách thức trong năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể đạt mức cao nhất trong quý III/2024, sau đó giảm trở lại theo kịch bản cơ sở… (SSI Research, 2024).
Dự báo các chỉ số kinh tế vĩ mô chính của Việt Nam năm 2024. Nguồn: SSI Research |
Triển vọng ngành BĐS và ngân hàng như vậy, nên SSI Research cho rằng, có thể chưa thuận lợi ngay trong năm 2024. Quá trình phục hồi kỳ vọng diễn ra từ từ, chưa kể một số yếu tố cần theo dõi chặt chẽ bao gồm dự thảo thuế đất đang được Bộ Tài chính xây dựng sẽ có tác động lớn đến nhu cầu BĐS. Những yếu tố cần theo dõi chặt chẽ khác bao gồm: tình hình địa chính trị trên thế giới, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế trong nước.
Về mặt dòng tiền, lãi suất thấp kỷ lục sẽ là động lực tăng trưởng chính, đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân. Tiền gửi tại ngân hàng vẫn đang tăng do các kênh đầu tư khác khá hạn chế (giá vàng đã tăng đáng kể, trong khi ngành BĐS và trái phiếu doanh nghiệp cần nhiều thời gian để hồi phục). Dòng vốn này có thể quay lại thị trường chứng khoán trong các giai đoạn của năm 2024. Do nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 92,2% khối lượng giao dịch trung bình ngày toàn thị trường trong năm 2023, nên SSI Research dự báo, VNIndex sẽ có một số bước nhảy vọt trong năm 2024 nhờ dòng vốn này. Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài đã có một năm rút vốn ròng trong năm 2023, nhưng xu hướng này sẽ đảo chiều trong năm 2024 theo sau động thái hạ dần lãi suất của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) và cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng trong 2024-2025. Việc nâng hạng lên Thị trường mới nổi là sự kiện nhà đầu tư đã mong chờ từ lâu. Mặc dù dòng vốn vào của nhà đầu tư nước ngoài có thể chưa hồi phục ngay lập tức, nhưng ít nhất chúng tôi kỳ vọng áp lực bán của khối ngoại sẽ không còn mạnh mẽ như năm trước. Mặc dù tăng trưởng 2024 không phải quá mạnh mẽ, nhưng kỳ vọng một số ngành sẽ phục hồi đáng kể (tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức lớn hơn 30% so với năm trước), bao gồm: Thép, Bán lẻ và Chứng khoán nổi bật so với các ngành khác... Tóm lại, cả dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân và nước ngoài đều thuận lợi cho thị trường chứng khoán trong năm nay, trong khi nền tảng cơ bản vẫn còn quan ngại về một số yếu tố cần theo dõi như nói trên...
Trong khi đó, nghiên cứu của BSC Research cho rằng, bước sang năm 2024, môi trường kinh doanh quốc tế thuận lợi hơn nhờ lạm phát toàn cầu nhìn chung đã hạ nhiệt, mở đường cho các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ. Các tổ chức quốc tế dự báo sẽ có 152 đợt giảm lãi suất trong năm 2024, cao nhất kể từ năm 2009. Động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 kỳ vọng đến từ: khối xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, đầu tư công, du lịch... Năm 2024 cũng là năm cần có sự bứt phá mạnh mẽ để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2025. Câu chuyện nâng hạng thị trường và KRX sẽ là yếu tố kỳ vọng và động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong năm 2024. Dự báo tăng trưởng GDP năm nay theo 2 kịch bản: 5,8% và 6,3%; cung tiền M2 và tăng trưởng tín dụng ước lần lượt 10%, 13% và 13% và 15%.
Dự báo về diễn biến của VN-Index
Từ những yếu tố vĩ mô khá tích cực như trên hỗ trợ, BSC Research dự báo, VN-Index duy trì xu hướng hồi phục trong năm 2024 nhờ: (1) Kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp qua đáy và bước vào chu kỳ tăng trưởng tích cực; (2) Môi trường lãi suất thấp duy trì; (3) Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là động chính và hệ thống KRX triển khai sẽ hỗ trợ giao dịch, cải thiện thanh khoản thị trường; và (4) Tín hiệu lạc quan về khả năng nâng hạng từ FTSE. Sử dụng phương pháp dự báo EPS, P/E và xem xét tính phù hợp theo phương pháp cổ phiếu trọng số lớn, dự báo VN-Index tăng 6% lên mức 1.200 điểm theo Kịch bản 1 và tăng 20,3% lên mức 1.425 điểm theo Kịch bản 2, trong khi Kịch bản cơ sở là 1.298 điểm. Dự báo này dựa trên đánh giá các cổ phiếu hiện hữu, mức độ thay đổi sẽ tùy thuộc vào mức giá lên sàn và trọng số của các cổ phiếu niêm yết mới ảnh hưởng lên chỉ số.
Dự báo thị trường chứng khoán trong năm 2024. Nguồn: BSC Research |
Trong khi đó, SSI Research dự báo, VN-Index: Kịch bản 1 (dưới 1.200 điểm) với giả định EPS tăng trưởng 13% và P/E ở mức 13,4 lần; Kịch bản 2 (trên 1.425 điểm) với giả định EPS tăng trưởng 20% và P/E ở mức 15 lần. Kịch bản cơ sở là 1.298 điểm với giả định EPS và P/E tăng trưởng lần lượt 17% và 14,3 lần, lãi suất thấp tiếp tục duy trì; (2) Nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục là động lực chính trên thị trường; (3) Hệ thống giao dịch KRX chính thức đi vào hoạt động – đặc biệt là kỳ vọng vào giao dịch T+0; (4) Các tín hiệu lạc quan trong việc nâng hạng thị trường từ tổ chức xếp hạng FTSE sẽ giúp cải thiện đáng kể thanh khoản…/.
Bình luận