Phân tích hoạt động cho vay ngắn hạn tại Ngân hàng TMCP Quân Đội – Chi nhánh Quang Trung
Từ khóa: cho vay ngắn hạn, doanh số cho vay, doanh số thu nợ, dư nợ, nợ xấu, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội - Chi nhánh Quang Trung
Summary
The article focuses on researching and evaluating short-term lending activities at Military Commercial Joint Stock Bank (MB Bank) -– Quang Trung Branch, including a number of indicators such as: Short-term loan sales; Short-term debt revenue; Short-term debt balance and short-term bad debt, at the same time, analyze the indicators affecting short-term lending activities at the Branch. On that basis, the authors propose a number of solutions to improve the efficiency of short-term lending activities at the Branch, contributing to overcoming difficulties and promote the sustainable development of the Branch.
Keywords: short-term loans, loan sales, debt revenue, outstanding balance, bad debt, Military Commercial Joint Stock Bank - Quang Trung Branch
GIỚI THIỆU
Cho vay ngắn hạn là hoạt động hết sức cần thiết đối với mỗi ngân hàng. Ngân hàng phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình nguồn vốn và tỷ trọng cho vay ngắn hạn của mình, tìm ra những mặt mạnh để phát huy, những mặt yếu kém để khắc phục và đề ra những biện pháp để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay ngắn hạn. Làm thế nào để đồng vốn cho vay ra được đảm bảo an toàn và thu về được lợi nhuận tối ưu là vấn đề mà các ngân hàng đặc biệt quan tâm hiện nay. Do đó, việc nghiên cứu đối với trường hợp cụ thể của MB Bank - Chi nhánh Quang Trung (Chi nhánh) nhằm góp phần tăng hiệu quả hoạt động cho vay ngắn hạn của Chi nhánh là cần thiết.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Cho vay ngắn hạn: Là hình thức tổ chức tín dụng cho khách hàng vay ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh dịch vụ và đời sống (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 1998).
Doanh số cho vay: Là chỉ tiêu phản ánh tất cả các khoản tín dụng mà ngân hàng cho khách hàng vay, không nói đến việc món vay đó thu được hay chưa trong một thời gian nhất định.
Doanh số thu nợ: Là chỉ tiêu phản ánh tất cả các khoản tín dụng mà ngân hàng thu về được khi đáo hạn vào một thời điểm nhất định nào đó.
Dư nợ: Là chỉ tiêu phản ánh số nợ, mà ngân hàng đã cho vay và chưa thu được vào một thời điểm nhất định. Giữa dư nợ, doanh số cho vay và doanh số thu nợ có mối quan hệ thể hiện ở các khái niệm sau:
Nợ xấu: Là những khoản nợ được tính từ nợ nhóm 3 trở lên. Đây là những khoản nợ có thể gây rủi ro cho ngân hàng. Nợ xấu càng cao, thì đó chính là biểu hiện của rủi ro tín dụng.
Tỷ lệ dư nợ ngắn hạn trên tổng vốn huy động: Chỉ tiêu này phản ánh hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng, cho biết ngân hàng cho vay được bao nhiêu trong tổng vốn huy động. Tỷ lệ này càng cao cho thấy, vốn huy động ít, trong khi đó, nhu cầu vay vốn càng tăng.
Hệ số thu nợ ngắn hạn: Hệ số thu nợ đánh giá hiệu quả tín dụng trong việc thu hồi nợ của ngân hàng, nó phản ánh trong một thời kỳ nào đó với doanh số cho vay nhất định. Hệ số này càng cao được đánh giá càng tốt.
Vòng quay vốn ngắn hạn: Chỉ tiêu vòng quay vốn ngắn hạn có ý nghĩa đo lường tốc độ luân chuyển vốn tín dụng của ngân hàng, phản ảnh số vốn đầu tư được quay vòng nhanh hay chậm. Nếu số vòng quay vốn tín dụng càng cao, thì đồng vốn của ngân hàng quay càng nhanh, đạt hiệu quả cao.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ: Tỷ lệ này phản ánh tình hình kinh doanh, mức độ rủi ro cho vay, cũng như hiệu quả tín dụng của ngân hàng. Tỷ lệ này càng cao thể hiện chất lượng tín dụng càng kém và ngược lại.
Phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu kết hợp bao gồm: Phương pháp thu thập số liệu, phương pháp phân tích số liệu để phân tích và đánh giá các chỉ tiêu.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
MB Bank – Chi nhánh Quang Trung được thành lập vào ngày 01/03/2006 với tiền thân là phòng giao dịch Quang Trung, là một trong những địa điểm giao dịch được thành lập sớm nhất của MB Bank tại TP. Hồ Chí Minh (cụ thể là điểm giao dịch thứ 6 được thành lập tại TP. Hồ Chí Minh kể từ khi MB Bank thành lập). Bảng 1 thể hiện một số chỉ tiêu chính trong hoạt động tín dụng của Chi nhánh trong các năm từ năm 2020-2022.
Hoạt động tín dụng
Bảng 1: Hoạt động tín dụng tại MB Bank – Chi nhánh Quang Trung từ năm 2020-2022
Đơn vị: Triệu đồng
Chỉ tiêu |
Năm 2020 |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
Doanh số cho vay (DSCV) |
13.290.686 |
15.446.186 |
16.896.307 |
Doanh số thu nợ (DSTN) |
12.484.980 |
14.829.936 |
16.222.942 |
Dư nợ |
3.313.176 |
3.929.426 |
4.602.791 |
Nợ xấu |
17.281 |
18.595 |
19.224 |
Nguồn: MB Bank – Chi nhánh Quang Trung
Doanh số cho vay
Bảng 1 cho thấy, doanh số cho vay của Chi nhánh tăng trưởng liên tục qua các năm. Cụ thể, năm 2020, doanh số đạt 13.290.686 triệu đồng; đến năm 2021, con số này tăng lên, đạt 15.446.187 triệu đồng. Năm 2022, doanh số cho vay tiếp tục tăng so với năm trước, đạt 16.896.307 triệu đồng.
Doanh số thu nợ
Doanh số thu nợ cho thấy, khả năng thu hồi vốn đối với các khoản vay của Chi nhánh, cũng là nguồn vốn để Chi nhánh cho vay những khoản vay khác. Nhìn vào Bảng 1 có thể thấy, doanh số thu nợ tăng đều tương ứng với doanh số cho vay qua các năm từ năm 2020-2022.
Dư nợ
Bảng 1 cũng thể hiện dư nợ của Chi nhánh tăng trưởng liên tục qua 3 năm. Cụ thể, năm 2020 dư nợ đạt 3.313.176 triệu đồng, năm 2021 tăng lên đạt 3.929.427 triệu đồng, đến năm 2022, thì dư nợ của Chi nhánh tiếp tục tăng đạt 4.602.792 triệu đồng.
Nợ xấu
Nợ xấu vẫn luôn là vấn đề được quan tâm nhiều nhất ở các ngân hàng, bởi đó là chỉ tiêu gây ra nhiều rủi ro tín dụng, gây tác động xấu đến chất lượng tín dụng và hiệu quả sử dụng vốn của khách hàng. Từ Bảng 1 có thể thấy, nợ xấu của Chi nhánh liên tục tăng qua 3 năm, nguyên nhân là do Chi nhánh mở rộng quy mô tín dụng, khiến nợ xấu tăng cao hơn.
Hoạt động cho vay ngắn hạn
Bảng 2: Cho vay ngắn hạn tại MB Bank - Chi nhánh Quang Trung trong các năm từ năm 2020-2022
Đơn vị: Triệu đồng
Chỉ tiêu |
Năm 2020 |
Năm 2021 |
Năm 2022 |
Doanh số cho vay (DSCV) |
58.800 |
66.100 |
68.500 |
Doanh số thu nợ (DSTN) |
55.300 |
28.100 |
43.500 |
Dư nợ |
64.000 |
102.000 |
127.000 |
Nợ xấu |
800 |
2.000 |
1.300 |
Nguồn: MB Bank – Chi nhánh Quang Trung
Hoạt động cho vay ngắn hạn tại Chi nhánh giai đoạn 2020-2022 có chiều hướng tăng. Trong khi đó, doanh số thu nợ cao đạt mức cao nhất là năm 2020, sau đó, giảm mạnh năm 2021 và tăng trở lại vào năm 2022. Doanh số dư nợ tại Chi nhánh cũng có xu hướng tăng trong giai đoạn 2020-2022. Nợ xấu của Chi nhánh tăng năm 2021, nhưng lại giảm vào năm 2022 (Bảng 2).
Bảng 3: Chỉ tiêu đánh giá chất lượng cho vay ngắn hạn của MB Bank – Chi nhánh Quang Trung giai đoạn 2020-2022
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
2020 |
2021 |
2022 |
1. Vốn huy động |
Triệu đồng |
123.000 |
140.000 |
167.500 |
2. Doanh số cho vay |
Triệu đồng |
58.800 |
66.100 |
68.500 |
3. Doanh số thu nợ |
Triệu đồng |
55.300 |
28.100 |
43.500 |
4. Dư nợ |
Triệu đồng |
64.000 |
102.000 |
127.000 |
5. Tổng dư nợ |
Triệu đồng |
64.000 |
102.000 |
127.200 |
6. Dư nợ bình quân |
Triệu đồng |
62.250 |
83.000 |
114.500 |
7. Nợ xấu |
Triệu đồng |
800 |
2.000 |
1.300 |
8. Dư nợ/Vốn huy động |
Lần |
0,52 |
0,73 |
0,76 |
9. Hệ số thu nợ |
% |
94,05 |
42,51 |
63,50 |
10. Dư nợ/Tổng dư nợ |
% |
1 |
1 |
1 |
11. Vòng quay vốn |
Vòng |
0,89 |
0,34 |
0,38 |
12. Tỷ trọng dư nợ cho vay ngắn hạn/Tổng dư nợ |
% |
0,003 |
0,004 |
0,003 |
13. Tỷ lệ nợ xấu (%) |
% |
1,25 |
1,96 |
1,02 |
14. Tỷ trọng nợ xấu cho vay ngắn hạn/ Tổng Dư nợ |
% |
4,5 |
5,1 |
(1,6) |
Nguồn: MB Bank - Chi nhánh Quang Trung
Dư nợ/Vốn huy động
Chỉ tiêu này phản ánh chất lượng sử dụng vốn huy động của ngân hàng, nếu chỉ tiêu này > 1, thì ngân hàng thực hiện tốt việc huy động vốn, vốn huy động tham gia vào cho vay nhiều; còn nếu chỉ tiêu này < 1, thì ngân hàng chưa sử dụng hiệu quả toàn bộ nguồn vốn huy động, gây lãng phí. Từ số liệu trong Bảng 3 có thể thấy, vốn huy động từ cá nhân có xu hướng tăng dần trong giai đoạn 2020-2022, thể hiện năng lực và tính hiệu quả trong công tác huy động vốn của Chi nhánh.
Nhìn chung từ năm 2020-2022, chỉ số dư nợ/vốn huy động có sự biến động theo chiều hướng tăng dần. Cụ thể, chỉ số này đạt 0,52 lần vào năm 2020, sang năm 2021, chỉ số này tăng lên, đạt 0,73 lần và năm 2022, tiếp tục tăng nhẹ lên 0,76 lần. Tuy nhiên, có thể thấy, chỉ số này trong cả 3 năm đều < 1, điều này chứng tỏ Chi nhánh chưa sử dụng chất lượng nguồn vốn huy động của bản thân Chi nhánh. Nguyên nhân một phần là do, Chi nhánh tập trung đẩy mạnh hơn về công tác huy động vốn, làm cho nguồn vốn huy động từ cá nhân tăng nhanh chóng. Hoạt động cho vay ngắn hạn tuy có sự tăng trưởng, nhưng vẫn còn thua kém, chưa bắt kịp tốc độ huy động. Bên cạnh đó, khi nền kinh tế chuyển biến theo chiều hướng tốt, Chi nhánh bắt đầu đẩy mạnh nghiệp vụ huy động từ cá nhân nhằm chiếm thị phần và nâng cao hình ảnh thương hiệu. Trong khi đó, những năm gần đây, nợ xấu không hề có biểu hiện suy giảm, vì vậy, Chi nhánh cũng đã thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ quy trình cho vay và đối tượng cho vay khiến hoạt động tín dụng tăng trưởng ở mức vừa phải. Trong bối cảnh này, trong tương lai, Chi nhánh cần phải thực hiện các biện pháp đốc thúc, nhắc nhở và quan tâm khách hàng nhiều hơn, đưa ra các chính sách mới nhằm vào việc tăng trưởng cho vay, nếu không muốn bị lãng phí nguồn vốn huy động.
Hệ số thu nợ
Bảng 3 cho thấy, hệ số thu nợ ngắn hạn của Chi nhánh có sự biến động theo xu hướng giảm vào năm 2021 và tăng trở lại vào năm 2022. Cụ thể, năm 2020, hệ số thu nợ là 94,05%, đến năm 2021, chỉ số này giảm xuống còn 42,51%, nguyên nhân là do trong năm 2021, các khoản vay chưa đến thời hạn thanh toán dẫn đến hệ số thu nợ bị giảm xuống. Đến năm 2022, hệ số thu nợ ngắn hạn tăng lên so với năm 2021, đạt 63,50%. Nguyên nhân là do sự gia tăng của cả doanh số cho vay và doanh số thu nợ, đây là thành quả của quá trình giám sát, đôn đốc, nhắc nhở khách hàng trả nợ đúng thời hạn của đội ngũ cán bộ tín dụng Chi nhánh.
Dư nợ ngắn hạn/Tổng dư nợ
Chỉ số Dư nợ/Tổng dư nợ tại Chi nhánh giai đoạn 2020-2022 đều bằng 1%, do hoạt động cho vay ngắn hạn có khả năng thu hồi vốn nhanh hơn so với cho vay dài hạn, nên dư nợ cho vay ngắn hạn chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng dư nợ cho vay. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy, Chi nhánh vẫn chưa chú trọng vào việc cho vay ngắn hạn, nên tỷ lệ này còn chiếm rất thấp trong tổng dư nợ.
Vòng quay vốn
Chỉ tiêu này đo lường tốc độ luân chuyển vốn tín dụng của ngân hàng, phản ánh thời gian thu hồi nợ là nhanh hay chậm. Vòng quay vốn càng nhanh, thì được coi là tốt và việc đầu tư càng được an toàn, chỉ số này càng lớn càng có lợi, càng chứng tỏ khả năng thu hồi nợ ngân hàng là tốt. Bảng 3 cho thấy, vòng quay vốn của Chi nhánh trong giai đoạn 2020-2022 có biến động theo xu hướng giảm dần. Lý do là vì, cơ cấu nợ của Chi nhánh giai đoạn này có nhiều thay đổi, các khoản nợ ngắn hạn chiếm khá thấp, nhường chỗ cho các khoản nợ trung và dài hạn. Điều này làm cho doanh số thu nợ của Chi nhánh tăng không cao ảnh hưởng đến vòng quay tín dụng. Đến năm 2022, chỉ số này tăng nhẹ trở lại do các khoản nợ ngắn hạn trong cơ cấu nợ của Chi nhánh gia tăng, nên giúp vòng quay tín dụng có xu hướng tăng trở lại.
Tỷ trọng dư nợ cho vay ngắn hạn/Tổng dư nợ
Bảng 3 cũng chi ra, Tỷ trọng dư nợ cho vay ngắn hạn/Tổng dư nợ qua 3 năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 0,0003%; 0,0004%; 0,0003%. Điều này cho thấy, tỷ trọng này giảm và khá thấp chứng tỏ, chuyên viên làm việc chưa đạt hiệu quả cao.
Tỷ lệ nợ xấu
Cũng theo Bảng 3, tình hình nợ xấu tại MB Bank - Chi nhánh Quang Trung qua các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 1,25%; 1,96%; 1,02%. Chi nhánh cần tiếp tục kiểm soát giảm thiểu tỷ lệ nợ xấu để tránh tình trạng tỷ lệ này tăng dần qua từng năm, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực cạnh tranh, làm giảm khả năng sinh lời của vốn và tài sản, giảm tỷ lệ an toàn vốn, kìm chế quy mô tín dụng, hạn chế mở rộng kênh phân phối, suy giảm năng lực nhân sự… Vì thế, trong thời gian tới, Chi nhánh cần phải có những chính sách nhằm thẩm định chặt chẽ hơn, giảm thiểu nợ xấu, nâng cao năng lực cạnh tranh về lĩnh vực tài chính.
Tỷ trọng nợ xấu cho vay ngắn hạn/Tổng dư nợ
Tỷ trọng nợ xấu cho vay ngắn hạn/Tổng dư nợ qua 3 năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 4,5%; 5,1%; -1,6%. Chỉ số này giảm, chứng tỏ chuyên viên đang quản lý nợ rất tốt (Bảng 3). Đội ngũ nhân viên của Chi nhánh có trình độ chuyên môn cao, thân thiện, tận tâm trong công việc, thường xuyên được gửi đi đào tạo bài bản ở Hội sở. Bên cạnh đó, nền tảng công nghệ hiện đại, tính bảo mật cao cũng là những yếu tố đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khách hàng, để cung cấp các nghiệp vụ ngân hàng hiện đại.
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ
Kết quả nghiên cứu cho thấy, MB Bank - Chi nhánh Quang Trung đã nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, chất lượng cho vay tín dụng, tăng dư nợ; nợ quá hạn, cũng như nợ xấu vẫn nằm ở trong hạn mức cho phép. Chi nhánh đã từng bước điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo đúng định hướng của ngành, như: thực hiện rà soát, phân tích đánh giá và phân loại khách hàng, phân loại nợ vay để có chính sách khách hàng cụ thể và xác định hạn mức tín dụng đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hoạt động cho vay ngắn hạn cần được chú trọng hơn để tăng hiệu quả cho vay và tối ưu hóa chất lượng sử dụng vốn huy động, đồng thời cần được tái cơ cấu theo hướng giảm tỷ lệ nợ xấu, tăng nhanh vòng quay vốn để giảm rủi ro, nâng cao khả năng cạnh tranh và sức khỏe tài chính của ngân hàng. Từ nghiên cứu trên, nhóm tác giả đưa ra một số phương án để nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay ngắn hạn tại Chi nhánh như sau:
Cơ cấu lại danh mục sản phẩm cho vay một cách hợp lý: Đẩy mạnh nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, lựa chọn thị trường mục tiêu, khách hàng mục tiêu, các đối thủ cạnh tranh để xác định các sản phẩm cho vay ngắn hạn phù hợp với Chi nhánh.
Triển khai chính sách thu hút khách hàng: Thu hút khách hàng mới và giữ chân những khách hàng cũ với những chính sách ưu đãi, khuyến mãi và chăm sóc khách hàng, như: gửi lời chúc nhân những ngày lễ, tri ân những khách hàng đặc biệt với những món quà nhỏ… nhằm tăng cường mối quan hệ với khách hàng, tạo sự gắn bó lâu hơn với ngân hàng.
Tăng huy động vốn: Cần đẩy mạnh huy động vốn và tăng trưởng nguồn vốn trên địa bàn, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn là điều kiện hàng đầu nhằm mở rộng quy mô tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để vừa tăng nguồn tiền gửi, vừa đảm bảo chất lượng huy động vốn cao nhất, Chi nhánh cần đẩy mạnh phát triển dịch vụ thanh toán và các dịch vụ hỗ trợ đối với khách hàng có tài khoản tiền gửi thanh toán. Cụ thể là các dịch vụ thanh toán tự động, dịch vụ quản lý tài khoản…
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tín dụng: Chi nhánh cần đào tạo, tuyển chọn thêm cán bộ tín dụng có trình độ để bổ sung vào nguồn nhân lực, giúp tăng hiệu quả công việc. Cán bộ tín dụng thẩm định cần thực hiện nhanh nhẹn, đúng quy trình làm việc để tạo mối liên hệ thân thiết và tin cậy ở khách hàng.
Nâng cao chất lượng cho vay ngắn hạn: Chi nhánh cần áp dụng nhiều biện pháp thu nợ khác nhau đối với những khoản nợ quá hạn hoặc khó đòi và xem xét cho khách hàng vay thêm, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng có đủ khả năng sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nhưng số tiền khách hàng được vay phải không được vượt quá chu kỳ sản xuất./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. MB Bank – Chi nhánh Quang Trung (2021, 2022, 2023), Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tại Ngân hàng TMCP Quân Đội – Chi nhánh Quang Trung các năm 2020, 2021, 2022.
2. Nguyễn Văn Dờn (2009), Nghiệp vụ ngân hàng thương mại, Nxb Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Minh Kiều (2010), Nghiệp vụ ngân hàng thương mại, Nxb Tài chính, Hà Nội.
4. Phạm Văn Dược và Đặng Kim Cương (1999), Phân tích hoạt động kinh doanh, Nxb Thống kê.
5. Thái Văn Đại và Nguyễn Văn Thép (2017), Nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng thương mại, Nxb Đại học Cần Thơ.
6. Thái Văn Đại và Nguyễn Thanh Nguyệt (2008), Giáo trình Quản trị ngân
hàng thương mại, Trường Đại học Cần Thơ.
7. Trần Ái Kết (2008), Tài chính - Tiền tệ, Nxb Đại học Cần Thơ.
8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (1998), Quyết định số 324/1998/QĐ - NHNN, ngày 30/09/1998 về việc ban hành Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
ThS. Nguyễn Ngọc Tú Vân, Dương Thị Thảo Linh
Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Văn Lang
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 02, tháng 01/2024)
Bình luận