Phó Thủ tướng chỉ đạo “gỡ” khó cho dự án sân bay Phan Thiết
Vì sao phải “gỡ”?
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, cảng hàng không Phan Thiết gồm 2 dự án thành phần độc lập, gồm: Dự án đầu tư xây dựng hạng mục hàng không dân dụng cảng hàng không Phan Thiết đầu tư theo hình thức Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao và Dự án đầu tư khu sân bay quân sự tại Phan Thiết bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Để đảm bảo sự phát triển lâu dài, khai thác các đường bay quốc tế, nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác của sân bay, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E, kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400m lên 3.050m.
Căn cứ kết luận Thủ tướng, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sân bay Phan Thiết là cảng hàng không quốc nội cấp 4E. Với vai trò là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, công suất thiết kế hành khách hai triệu hành khách/năm.
Do điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Phan Thiết từ cấp 4C lên cấp 4E dẫn đến quy mô, tổng mức đầu tư của dự án tăng lên nhiều và cần phải thực hiện lại một số thủ tục về đầu tư theo quy định hiện hành.
Tổng vốn đầu tư dự án giai đoạn 2020-2021 khoảng 10.272,9 tỉ đồng, và giai đoạn định hướng đến năm 2030 khoảng 332,5 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án là 69 năm, đảm bảo phù hợp Luật Đất đai năm 2013.
Đây được xem là một trong ba sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng. Đồng thời, đây là một trong 15 cảng hàng không quốc nội trên cả nước.
Là dự án trọng điểm, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đến nay đã thu hồi tổng diện tích 543 ha và bàn giao toàn bộ mặt bằng sân bay Phan Thiết giai đoạn đến năm 2030.
Trong đó, xúc tiến bàn giao 145,6ha khu hàng không dân dụng cho nhà đầu tư, riêng 397,4 ha là đất quốc phòng thì bàn giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý. Đối với Đài dẫn đường xa phục vụ hoạt động của sân bay (2,56 ha), Khu gia đình quân nhân và nhà công vụ (10 ha) cũng đã triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, một khó khăn là hiện nay nhà đầu tư hạng mục hàng không dân dụng đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công công trình, phấn đấu hoàn thành dự án đưa vào khai thác cuối năm 2021.
Trong khi đó, Cảng hàng không dân dụng chỉ có thể đưa vào khai thác khi đường cất hạ cánh (do Bộ Quốc phòng tổ chức triển khai) phục vụ hoạt động của toàn sân bay được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai thủ tục đầu tư xây dựng hạng mục khu bay quân sự còn rất chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cam kết của Bộ Quốc phòng.
Cũng theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất đai được bồi thường của nhân dân đã được tỉnh Bình Thuận thực hiện hoàn thành hơn 5 năm nay, nhưng công trình vẫn chưa được triển khai xây dựng; gây bức xúc trong nhân dân, đã có một số trường hợp người dân đề nghị trả lại tiền bồi thường cho nhà nước để lấy lại đất vì hiện nay giá đất nông nghiệp tăng cao nhiều lần so với thời điểm nhà nước thu hồi đất; tạo nguy cơ tiềm ẩn gây mất an ninh, trật tự xã hội tại địa phương; ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và thu hút đầu tư của tỉnh.
Phối cảnh Cảng hàng không Phan Thiết
"Gỡ" thế nào?
Để “gỡ” khó cho Dự án cảng hàng không Phan Thiết, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Thông báo nêu rõ, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050; Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với quy mô đạt cấp 4E (là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự).
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và các cơ quan, đơn vị liên quan, rà soát lại Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (phải dự trữ quỹ đất để có thể xây dựng đường cất, hạ cánh thứ 2 khi cần thiết); cập nhật và bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh theo đúng quy định pháp luật.
UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ Dự án Cảng hàng không Phan Thiết đạt 4E và Dự án e.920 tại Bình Thuận, theo đúng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện các Dự án nêu trên theo đúng quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1204/VPCP-CN, ngày 18/2/2020 của Văn phòng Chính phủ, bảo đảm tiến độ triển khai Dự án.
Cũng tại Thông báo này, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc đầu tư, xây dựng sân bay phục vụ huấn luyện của e.KQ 920 tại Bình Thuận và hạ tầng, doanh trại tạm thời của e.KQ 920 tại sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa (dự án e.920), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo,UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành và cơ quan liên quan thành lập Tổ công tác do lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh làm Tổ trưởng để thực hiện việc đấu giá đất, theo đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 226/TB-VPCP, ngày 26/6/2018 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận, các bộ, ngành và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện việc đầu tư và xây dựng sân bay phục vụ huấn luyện của đơn vị e.KQ 920 tại Bình Thuận và hạ tầng, doanh trại tạm thời của đơn vị e.KQ 920 tại sân bay Cam Ranh theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1204/VPCP-CN, ngày 18/2/2020 của Văn phòng Chính phủ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiến độ triển khai Dự án./.
Bình luận