Các khu công nghiệp, khu kinh tế tạo bứt phá trong thu hút đầu tư vào thành phố Hải Phòng
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo TP. Hải Phòng chúc mừng và chụp ảnh lưu niệm cùng 12 nhà đầu tư

Hải Phòng thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, tập trung chủ yếu trong các KCN, KKT

Thời gian vừa qua, TP. Hải Phòng được đánh giá là địa phương cả nước dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, khủng hoảng kinh tế, chính trị đã bao trùm lên nền kinh tế toàn cầu đã gây nên tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư, làn sóng đầu tư ra nước ngoài nói chung và đầu tư tại Việt Nam nói riêng cũng có phần chững lại. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt trong thu hút đầu tư giữa các địa phương trên cả nước cũng là một bài toán khó cho việc tìm lời giải đáp của lãnh đạo các tỉnh/thành Việt Nam. Song trước những khó khăn, thách thức trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư, TP. Hải Phòng tiếp tục trở thành một điểm sáng được nhiều nhà đầu tư FDI quan tâm tìm đến và lập dự án đầu tư.

Hải Phòng hiện đứng trong tốp 6 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước. Đến nay, Thành phố đã thu hút được 1.000 dự án đầu tư FDI đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với số vốn là 32,2 tỷ USD, 228 dự án đầu tư trong nước (DDI) với số vốn là 13,7 tỷ USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến tại các KCN và KKT Đình Vũ - Cát Hải.

Trong đó, đầu tư FDI vào KKT Đình Vũ Cát Hải là 26,2 tỷ USD, chiếm hơn 80% tổng thu hút đầu tư nước ngoài của toàn TP. Hải Phòng. Tỷ lệ lấp đầy của các KCN hiện nay đã lên đến 70%, suất đầu tư bình quân trên 1 ha của Hải Phòng vào khoảng 13 triệu USD/ha, gấp hơn 3 lần suất đầu tư 4 triệu USD/ha bình quân của cả nước.

Có hơn 40 quốc gia đầu tư vào TP. Hải Phòng, trong đó Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu về đầu tư FDI vào Thành phố với 11 tỷ USD (chiếm 44%), Trung Quốc đứng thứ 2 với 6 tỷ USD (chiếm 23%), Nhật Bản đứng thứ 3 với 3,5 tỷ USD (14%)…

Hải Phòng đã và đang trở thành cứ điểm của nhiều nhà đầu tư lớn, hàng đầu thế giới, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, cụ thể như: Tập đoàn LG-Hàn Quốc có tổng vốn đầu tư trên 7,24 tỷ USD; Tập đoàn Bridgestone, Nhật Bản với tổng vốn là 1,22 tỷ USD; Tập đoàn Regina Miracle, Hồng Kông (Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD; Tập đoàn Pegatron, Đài Loan (Trung Quốc) với tổng vốn trên 800 triệu USD; Tập đoàn SK, Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD. Ngoài ra, còn các tập đoàn lớn khác đầu tư các dự án quy mô lớn như: Nipro Pharma và Aeon của Nhật Bản, Tongwei của Trung Quốc, các Tập đoàn lớn từ châu Âu như: Tesa, Polarium, ZL Automotive, Assa Abloy…, dự án Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast của nhà đầu tư Việt Nam…

Trong các dự án FDI đầu tư tại Hải Phòng, Liên minh châu Âu (EU) đầu tư với hơn 50 dự án, tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỷ USD (chiếm 3,7%) và Thụy Điển đầu tư với 3 dự án, tổng vốn đầu tư 40,37 triệu USD.

Trong những năm gần đây, thu hút đầu tư nước ngoài tại Hải Phòng có sự tăng trưởng vượt bậc. Tính từ tháng 1/2021 đến nay, thu hút đầu tư của TP. Hải Phòng đã đạt 14,5 tỷ USD (đạt 97% kế hoạch thu hút đầu tư nhiệm kỳ 2021-2025), bằng 74% giai đoạn 1993 – 2020 (19,6 tỷ USD), bình quân thu hút được 3,6 tỷ USD/năm.

Tính từ đầu năm nay đến hết tháng 10/2024, tổng vốn thu hút đầu tư FDI của TP. Hải Phòng đạt khoảng 3,5 tỷ USD, bằng 140% kế hoạch năm. Dự kiến hết năm 2024, Thành phố sẽ thu hút đạt trên 4,5 tỷ USD (bằng 180% kế hoạch năm).

Các khu công nghiệp, khu kinh tế tạo bứt phá trong thu hút đầu tư vào thành phố Hải Phòng
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phát biểu tại Lễ khánh thành Nhà máy sản xuất tay co cửa tại KCN DEEP C 2B Hải Phòng, ngày 10/10/2024

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chia sẻ, trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế xã hội Thành phố luôn duy trì sự phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao, tốc tăng trưởng GRDP bình quân luôn đạt trên 11%/năm. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2024, Hải Phòng tiếp tục đạt mức tăng trưởng GRDP là 9,77%. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước có vai trò không nhỏ, tác động rất lớn đến phát triển kinh tế- xã hội của Thành phố.

Riêng tại các KCN, KKT trên địa bàn Hải Phòng, từ đầu năm 2024 đến nay đã thu hút 2,9 tỷ USD vốn FDI. Dự kiến hết năm 2024, các KCN, KKT Hải Phòng sẽ đạt tổng vốn thu hút FDI là 4,5 tỷ USD. Lũy kế đến nay, các KCN, KKT Hải Phòng thu hút 581 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 28,85 tỷ USD.

Trong các dự án đầu tư FDI vào Hải Phòng, lĩnh vực cơ khí, hóa chất, dược chiếm 36%; điện tử (30%); logistics, cơ sở hạ tầng (15%); hóa chất, nhựa, bao bì, dược phẩm (17%). Tỷ lệ lấp đầy của các KCN hiện nay đã lên đến 70%, suất đầu tư bình quân trên 1 ha của TP. Hải Phòng vào khoảng 13 triệu USD/ha gấp hơn 3 lần suất đầu tư 4 triệu USD/ha bình quân của cả nước.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế tạo bứt phá trong thu hút đầu tư vào thành phố Hải Phòng
Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy sản xuất tay co cửa tại KCN DEEP C 2B Hải Phòng, ngày 10/10/2024

Các KCN, KKT Hải Phòng tăng tốc thu hút đầu tư

Những con số trên đã minh chứng tốc độ thu hút đầu tư vào các KCN, KKT Hải Phòng từ đầu năm đến nay lớn cả về quy mô và tổng số dự án thu hút đầu tư. Điển hình trong tháng 11 này, vào ngày 14/11 vừa qua, UBND TP. Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án đầu tư trong KKT, KCN trên địa bàn Thành phố.

Tại Hội nghị, UBND TP. Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án đầu tư mới và mở rộng tiêu biểu trong tháng 11/2024 đầu tư trong KKT Đình Vũ- Cát Hải và các KCN trên địa bàn Thành phố với tổng số vốn đầu tư thu hút được tăng thêm 1,8 tỷ USD, dự kiến sẽ thu hút lực lượng lao động trong các năm tới vào khoảng 17.000 người.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế tạo bứt phá trong thu hút đầu tư vào thành phố Hải Phòng
Lãnh đạp TP. Hải Phòng trao giấy chứng nhận cho nhà đầu tư KCN DEEP C

Các dự án đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn lần lượt cụ thể là:

  1. Dự án đầu tư mở rộng của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) tại KCN Tràng Duệ, điều chỉnh tăng thêm 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư lên thành 5,65 tỷ USD. Là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Tập đoàn LG tại Việt Nam, chuyên sản xuất màn hình OLED công nghệ cao với quy mô 14 triệu sản phẩm/tháng. Dự án bắt đầu đầu tư từ năm 2016 với số vốn 1,5 tỷ USD, đến nay sau 8 năm hoạt động đã liên tục mở rộng quy mô, tăng vốn, tạo việc làm cho hơn 22.000 lao động. Xuất khẩu bình quân đạt 5,8 tỷ USD/năm, nộp ngân sách bình quân 1.000 tỷ đồng/năm.
  2. Dự án của nhà đầu tư Heesung, Hàn Quốc tại KCN Tràng Duệ tăng vốn đầu tư thêm 125 triệu USD, nâng tổng vốn lên thành thành 279 triệu USD. Dự án sản xuất lắp ráp linh kiện mô đun tinh thể lỏng định vị tự động với quy mô 10,5 triệu sản phẩm/năm, tạo việc làm cho gần 400 lao động, xuất khẩu bình quân đạt 100 triệu USD/năm.
  3. Dự án kinh doanh hạ tầng cơ sở KCN của Tổ hợp KCN DEEP C Hải Phòng, tăng vốn đầu tư thêm 169 triệu USD, nâng lên thành 286 triệu USD. Đây là Tổ hợp KCN đã thu hút các dự án lớn như: Pegatron, Việt Nam Advance Film Material, Core5, Posco, Pyeonghwa Automotive… với tổng vốn thu hút 5 tỷ USD.
  4. Dự án của Tập đoàn USI, Đài Loan (Trung Quốc) tại Tổ hợp KCN DEEP C, tăng vốn đầu tư thêm 75 triệu USD, từ 215 triệu USD lên 290 triệu USD. Dự án sản xuất gia công, lắp ráp bảng mạch điện tử, thiết bị đeo được, thiết bị cầm tay thông minh, thiết bị dân dụng với quy mô 260 triệu bộ sản phẩm/năm, tạo việc làm cho 1.000 người lao động, xuất khẩu sẽ đạt 500 triệu USD/năm.
  5. Dự án của nhà đầu tư Trung Quốc Moons’ Industries tại KCN VSIP, tăng vốn đầu tư thêm 69 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư lên thành 87 triệu USD. Đây là dự án sản xuất mô tơ chính xác, mô tơ truyền chuyển động, nguồn LED và các bộ phận tương tự khác với quy mô công suất là 990.000 bộ sản phẩm/năm, tạo việc làm cho 100 lao động, xuất khẩu dự kiến khoảng 50 triệu USD/năm.
  6. Dự án Vietnam Advance Film Material (Trung Quốc) tại KCN DEEP C 2A, tăng vốn đầu tư thêm 60 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư lên thành 158 triệu USD. Dự án này sản xuất màng bọc trong tâm pin quang điện (PV film), lớp đỡ lót của tấm pin quang điện với quy mô 155.000 tấn/năm, tạo việc làm cho 231 lao động, xuất khẩu dự kiến đạt 60 triệu USD/năm.
  7. Dự án Jeil Logistics 1 (Hàn Quốc) tại KCN Nam Đình Vũ, tăng vốn đầu tư thêm 21 triệu USD, từ 23,67 triệu USD lên thành 44,67 triệu USD. Dự án cung cấp dịch vụ logistics và hậu cần sau cảng với diện tích 45.341 m2.
  8. Các dự án được cấp mới là Dự án giữa của liên danh Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng và nhà đầu tư Công ty Terminal Investment Limited (TIL) và Tập đoàn MSC của Thụy Sỹ với tổng số vốn đầu tư là 156 triệu USD. Các công ty thành lập liên doanh để khai thác hai bến container quốc tế số 3, 4 thuộc dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, sản lượng hàng hóa khai thác đạt 1,1 triệu TEU/năm.
  9. Dự án của nhà đầu tư Sembcorp Integrated Hub Hai Phong IV (Singapore) tại KCN DEEP C có tổng vốn đầu tư 56 triệu USD, quy mô diện tích 8,4 ha; mục tiêu là kinh doanh bất động sản.
  10. Dự án của Công ty TNHH Smart Logistics Service có tổng vốn đầu tư 20 triệu USD, với quy mô diện tích diện tích 10.000 m2 tại KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; mục tiêu kinh doanh dịch vụ logistics và hậu cần sau cảng, doanh thu dự kiến đạt 100 triệu USD/năm.
  11. Dự án của nhà đầu tư Hoda Strategic Holdings Private (Trung Quốc) với tổng vốn đầu tư là 10 triệu USD tại KCN DEEP C; mục tiêu của dự án là sản xuất phụ kiện đường ống PVC tiêu chuẩn quốc tế với quy mô 10.000 tấn/năm, tạo việc làm cho 50 lao động.
  12. Dự án của Công ty cổ phần DAP – Vinachem tại KCN DEEP C có tổng vốn đầu tư 626 tỷ đồng; mục tiêu là đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng axit phosphoric và sản xuất phân bón MAP với quy mô 60.000 tấn/năm.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế tạo bứt phá trong thu hút đầu tư vào thành phố Hải Phòng
Cổng ngoài KCN DEEP C Hải Phòng

Hải Phòng tiếp tục phát triển các KCN, KKT theo hướng sinh thái, bền vững

Hải Phòng xác định định hướng phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững, nền kinh tế phát triển dựa trên 3 trụ cột công nghiệp – công nghệ cao, cảng biển – logisitcs, du lịch – thương mại; chú trọng lựa chọn thu hút các dự án lớn, công nghệ cao có vai trò dẫn dắt, đóng góp lớn cho Thành phố. Trong đó, phát triển KCN, KKT được lãnh đạo TP. Hải Phòng xác định là một trong ba trụ cột kinh tế quan trọng của Thành phố. Cùng với các KCN hiện hữu, năm 2024, Hải Phòng đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư 5 KCN với tổng diện tích 1.660 ha. Đồng thời, thành lập thêm 4 cụm công nghiệp, đưa tổng số cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập lên thành 17 cụm với tổng diện tích quy hoạch 683,75 ha. TP. Hải Phòng cũng khuyến khích các nhà đầu tư tập trung cho việc phát triển mô hình KCN sinh thái, phát triển KCN bền vững.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế tạo bứt phá trong thu hút đầu tư vào thành phố Hải Phòng
Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNIDO thăm quan Nhà máy xử lý nước thải trong KCN DEEP C- KCN sinh thái tại Hải Phòng

Với việc chủ động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc, chất lượng, phù hợp với định hướng cơ cấu nền kinh tế Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ; cùng với đó là phát triển các KCN chuyên ngành, có tính liên kết theo chuỗi sản xuất, chuỗi hỗ trợ cung ứng. Các dự án FDI đầu tư vào TP. Hải Phòng trong những năm gần đây được chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung vào các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, sản phẩm tạo ra có giá trị gia tăng cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn.

Trưởng ban Ban Quản lý KKT Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết thêm: Trong năm 2025, TP. Hải Phòng sẽ phát triển một KKT mới phía Nam Thành phố với định hướng là KKT, xanh, sinh thái, bám sát xu hướng quốc tế về ESG là Môi trường - Xã hội - Quản trị với các chính sách ưu đãi đặc thù. Trong đó, có khu thương mại tự do để tạo môi trường đầu tư và các cơ chế ưu đãi vượt trội để đón các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ châu Âu.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế tạo bứt phá trong thu hút đầu tư vào thành phố Hải Phòng

Ban Quản lý KKT Hải Phòng chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà khoa học và các đại biểu tại Hội thảo khoa học “Khu kinh tế ven biển phía Nam - Động lực mới cho phát triển kinh tế thành phố Hải Phòng

Được biết, Ban Quản lý KKT Hải Phòng đã hoàn thiện văn bản giải trình và Đề án phát triển KKT ven biển phía Nam Hải Phòng kèm theo trình UBND Thành phố và UBND Thành phố đã có Văn bản số 2283/BKHĐT-XD ngày 17/10/2024 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, trình Thủ tướng chính phủ theo quy định.

Hải Phòng định hướng phát triển KKT ven biển phía Nam Hải Phòng trên nguyên tắc bền vững; lấy con người làm trung tâm, là KKT sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, logistics hiện đại, là đầu mối của Hải Phòng tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới; quan tâm giữ gìn giá trị văn hóa và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Đến năm 2030, KKT ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế TP. Hải Phòng, tương đương với 80% năng lực của KKT Đình Vũ – Cát Hải năm 2023.

KKT ven biển phía Nam Hải Phòng có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối với các KKT lân cận, tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế của TP. Hải Phòng và của vùng./.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế tạo bứt phá trong thu hút đầu tư vào thành phố Hải Phòng
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Khu kinh tế ven biển phía Nam - Động lực mới cho phát triển kinh tế thành phố Hải Phòng” diễn ra ngày 17/3/2024 tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, TP. Hải Phòng