Quá trình lập quy hoạch đối mặt với phát sinh các khó khăn, vướng mắc
Tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, Chính phủ đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; 13/38 quy hoạch ngành quốc gia; 1/6 quy hoạch vùng và 10/63 quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ các quy hoạch cần hoàn thành còn thấp…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Quốc hội đã tiến hành giám sát công tác xây dựng pháp luật về quy hoạch và ban hành Nghị quyết số 61/2022/QH15, ngày 16/6/2022 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để tháo gỡ một số các vướng mắc về kinh phí, lựa chọn tư vấn, quy trình lập, phê duyệt quy hoạch. Do đó, tiến độ lập các quy hoạch vừa qua đã được đẩy nhanh rất tích cực. Tuy nhiên, số lượng các quy hoạch đến giờ được phê duyệt vẫn còn hạn chế… Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu với Chính phủ đẩy nhanh quá trình thẩm định, phê duyệt.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, đến nay đã có 84/111 quy hoạch được phê duyệt và thẩm định |
Phát biểu làm rõ nội dung này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trước khi có Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội, chỉ có 7/111 quy hoạch được phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết này được ban hành đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc và tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục đẩy nhanh công tác về quy hoạch.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, Luật Quy hoạch được triển khai từ năm 2017, tuy nhiên lập quy hoạch là cách thức mới và trong quá trình triển khai phát sinh các khó khăn, vướng mắc cần phải ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Do trong quá trình thực hiện, cách hiểu khi xây dựng quy hoạch cũng khác nhau… Vì vậy, thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Chính phủ để sửa, ban hành các văn bản hướng dẫn. Bộ cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành đang tiếp tục được hoàn thiện… |
"Kết quả, cho đến nay đã có 84/111 quy hoạch được phê duyệt và thẩm định. Hiện nay, có 7 quy hoạch đã được lấy ý kiến các bộ, ngành và sẽ được thẩm định trong thời gian sắp tới; 16 quy hoạch ngành quốc gia, các bộ, ngành đang khẩn trương chỉ đạo để sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch…", Thứ trưởng cho biết.
Lý giải khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện Quyết định số 326/QĐ-TTg, ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy hoạch sử dụng đất quốc gia lập được căn cứ trên quy định của Luật Quy hoạch và đã được Quốc hội phê duyệt. Tuy nhiên, việc phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia nằm trong quy hoạch đó đang được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, tức là phân bổ trên 6 nhóm chỉ tiêu đất đai rất cụ thể, chi tiết...
Do đó, trong Luật Đất đai (sửa đổi) sắp tới kiến nghị theo hướng khi phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia sẽ tập trung phân bổ vào những chỉ tiêu mang tính chất quan trọng, ví dụ: đất lúa, đất rừng, những chỉ tiêu bắt buộc phải thực hiện hoặc đất liên quan đến quốc phòng, an ninh, còn các chỉ tiêu đất khác sẽ để cho địa phương thực hiện.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, vấn đề này trong thời gian quá độ và để xử lý vướng mắc trong việc thực hiện Quyết định số 326/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện để yêu cầu các địa phương báo cáo và giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục khẩn trương để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.../.
Bình luận