Quan trọng là rút ra bài học gì về cách thức hỗ trợ doanh nghiệp?
Chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại hầu như chưa đi vào cuộc sống
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 7, khi Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, Đại biểu Quốc hội Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) cho rằng, việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là giải pháp rất quan trọng để giảm giá thành, hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kết quả thực hiện từ đầu chương trình đến hết năm 2023 mới đạt được khoảng 3,05% quy mô chính sách. Có thể thấy chính sách này hầu như không đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) cho rằng, việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại hầu như không đi vào cuộc sống |
“Bên cạnh các nguyên nhân dẫn đến chính sách này không đi vào cuộc sống như Đoàn giám sát đã nêu, dư nợ tín dụng đến tháng 12/2021 ở mức 10,4 triệu tỷ đồng, với mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 và năm 2023 khoảng 14%/năm. Cùng với đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn tới các khoản tín dụng phát sinh thuộc đối tượng của chính sách không lớn. Qua thực tiễn cho thấy, hướng dẫn của các cơ quan chức năng chưa đầy đủ, rõ ràng, nhiều nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên dư nợ tín dụng đang ở mức cao, trong khi điều kiện vay vốn được hỗ trợ lãi suất rất chặt chẽ, để đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh không đảm bảo điều kiện để vay hỗ trợ lãi suất.”, ông Vũ Tuấn Anh phân tích.
Ông cũng cho rằng, không ít doanh nghiệp có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, kiểm toán như Đoàn giám sát đã nêu, nên khi được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, mặc dù đủ điều kiện cũng không đề nghị được hỗ trợ lãi suất. Doanh nghiệp rất mong muốn được hỗ trợ lãi suất tín dụng theo chính sách của nhà nước, song vì một số lý do trên nên việc triển khai không đạt kỳ vọng. Đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm khi đưa ra chính sách tương tự trong giai đoạn tiếp.
“Đối với chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã 5 lần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao danh mục mức vốn, với mức tối đa theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, việc giao vốn của chương trình còn chậm, kết quả giải ngân vốn các dự án mới đạt 61% (đến hết tháng 1/2024) so với tổng vốn ngân sách trung ương được bố trí.”, ông Vũ Tuấn Anh nêu thực trạng.
Chưa có một chương trình nào mà NHNN dành nhiều công sức để tổ chức triển khai như vậy
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 là kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước, khó khăn của thị trường bất động sản, xung đột địa chính trị… Sau khi có Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã giao NHNN chủ trì phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng và tham mưu trình Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, không phải vì được hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp mới đi vay, mà quyết định của doanh nghiệp vay để làm gì và có khả năng trả nợ hay không…? |
“Chưa có một chương trình nào mà NHNN dành nhiều thời gian và công sức để tổ chức triển khai như vậy. Nhiều hội nghị được tổ chức, yêu cầu đến từng chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai tại các địa phương.”, bà Hồng cho hay.
Giải trình thêm về nhận định công tác thông tin truyền thông chưa sâu rộng đến từng khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất, Thống đốc NHNN cho biết, để triển khai Chương trình, ngoài việc tổ chức các hội nghị, NHNN còn yêu cầu chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành ở các tỉnh, thành địa phương tổ chức các hội nghị kết nối với các doanh nghiệp và ngân hàng, có sự tham gia của hiệp hội doanh nghiệp. Cùng với đó, các cơ quan báo chí cũng đã rất tích cực đăng tải các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN; các tổ chức tín dụng đăng tải thông tin trên website để khách hàng nắm được.
“Trong bối cảnh phức tạp, chưa từng có tiền lệ, thì các chính sách có thể chưa sát với thực tiễn, nhưng điều quan trọng là qua đây chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì về cách thức hỗ trợ doanh nghiệp và người dân...”, bà Hồng nêu vấn đề./.
Bình luận