Ngày 31/10/2023, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã thông qua Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch tỉnh thứ 59 được thẩm định. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị.

Quảng Nam là tỉnh thứ 59 hoàn thành thẩm định Hồ sơ quy hoạch giai đoạn 2021-2030
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Đức Trung

Giai đoạn 2011-2020, kinh tế tỉnh Quảng Nam phát triển không ổn định

Quảng Nam là tỉnh có quy mô về diện tích và dân số lớn trong vùng Duyên hải Nam trung Bộ, có vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, là cửa ngõ kết nối với vùng Tây Nguyên, giáp với nước bạn Lào; có đường bờ biển dài gần 125 km với nhiều tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, nhiều di sản văn hóa quốc gia và thế giới, như: Hội An, Mỹ Sơn, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm..., tiềm năng đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, đây là các nguồn tài nguyên quý giá cho phát triển kinh tế - xã hội.

Quảng Nam là tỉnh có nhiều thuận lợi trong kết nối giao thông với đầy đủ các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Cảng hàng không Chu Lai có vị trí chiến lược và có nhiều tiềm năng để nâng cấp trở thành một trong những cảng hàng không quốc tế lớn, hiện đại; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối của Quảng Nam đã được đầu tư tương đối đồng bộ. Đây là nền tảng để tỉnh Quảng Nam bứt phá phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Trong hơn 10 năm qua, quy mô kinh tế tỉnh Quảng Nam hiện nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố lớn nhất Việt Nam và đứng thứ 4 ở vùng Bắc trung Bộ và Duyên hải miền Trung, thu hút vốn FDI đứng thứ 3 trong Vùng, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh từ nhóm có mức thu nhập thấp lên đạt mức bình quân của cả nước.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2020, kinh tế tỉnh Quảng Nam phát triển không ổn định, tăng trưởng cao trong giai đoạn 2011-2015 và giảm dần trong giai đoạn 2016-2020, đặc biệt có năm tăng trưởng âm như năm 2020 và dự kiến năm 2023. Điều đó cho thấy, nền kinh tế Quảng Nam phát triển thiếu bền vững, phụ thuộc quá nhiều vào ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp chế biến chế tạo.

Quy hoạch tỉnh: Cơ hội quý để Quảng Nam rà soát, đánh giá rõ thực trạng phát triển

Chỉ rõ rằng, sau một thời gian phát triển đột phá, kinh tế Quảng Nam đã bộc lộ các điểm yếu, dễ bị tổn thương, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, quy hoạch tỉnh lần này là cơ hội quý để Quảng Nam rà soát, đánh giá rõ thực trạng phát triển, xác định cụ thể các điểm nghẽn, để từ đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giúp Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Lý giải về việc chậm trễ trình hồ sơ quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, trong quá trình lập, Quảng Nam đã nghiên cứu và tích hợp nhiều quy hoạch của các địa phương lân cận vào Quy hoạch Tỉnh và đang mong chờ các quy hoạch ngành, vùng được phê duyệt để tiếp tục cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch với kỳ vọng có được bản quy hoạch có tính khả thi cao, đồng bộ với các quy hoạch khác với mục tiêu đóng góp tích cực vào sự phát triển của khu vực và đặc biệt là khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, hạn chế tối đa việc phải điều chỉnh sau này.

Quy hoạch Tỉnh cũng được xây dựng với định hướng cân bằng giữa khát vọng phát triển của tỉnh Quảng Nam với tính khả thi thực tế trong quá trình tổ chức thực hiện; đặc biệt là có tính lường trước với những biến động về an ninh, dịch bệnh, thiên tai bất ngờ trong thời gian gần đây, biến đổi khí hậu tác động khó lường tới mục tiêu, định hướng của các địa phương nói chung và Quảng Nam nói riêng,

Quy hoạch đưa mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; hình thành cụm hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch; trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, silica quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị gắn kết với nông thôn.

Tầm nhìn đến 2050, Quảng Nam có kinh tế, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiên tiến; các khu công nghiệp, khu du lịch biển, cảng biển, sân bay, trung tâm giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ hiện đại; di sản văn hóa thế giới bản sắc, ấn tượng; chất lượng môi trường tốt; xã hội phát triển hài hòa, chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao, đời sống hạnh phúc.

Kinh tế biển, dịch vụ, công nghiệp sạch, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao là các ngành kinh tế chủ đạo

Dự thảo Quy hoạch Tỉnh đưa ra phương án tổ chức không gian phát triển với “2 vùng, 2 cụm động lực, 6 hành lang phát triển”, phát huy tiềm năng và lợi thế địa kinh tế - văn hoá - chính trị, tạo dựng các trung tâm, các trục hành lang, vùng chức năng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam.

2 vùng phát triển gồm: vùng Đông (các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng và ven biển) là vùng động lực của Tỉnh, với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, dịch vụ, công nghiệp sạch, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của Tỉnh. Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị di sản, du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo.

Vùng Tây (các huyện miền núi) là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thủy điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới. Đô thị Khâm Đức - Phước Sơn và Thạnh Mỹ - Nam Giang là các đô thị chuyển tiếp, kết nối, giao lưu phát triển giữa khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng với Tây Nguyên và các nước trên Hành lang Đông Tây 2. Tập trung đầu tư các trục quốc lộ liên kết vùng Đông với vùng Tây để tạo động lực phát triển vùng Tây.

2 cụm động lực của Tỉnh gồm: Cụm động lực Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc với định hướng trở thành cực tăng trưởng phía Bắc của Tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của thành phố Đà Nẵng. Cụm đô thị động lực Phú Ninh - Tam Kỳ - Núi Thành kết nối các không gian kinh tế của 3 đơn vị hành chính Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh. Chu Lai là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với hạt nhân là THACO Trường Hải, tiếp tục tái cấu trúc đồng thời với tổ chức sản xuất các sản phẩm mới phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bảo vệ và khai thác hiệu quả, bền vững hồ Phú Ninh thành khu du lịch sinh thái. Liên kết với tỉnh Quảng Ngãi trở thành cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của Tỉnh.

6 hành lang phát triển được đưa ra trong dự thảo Quy hoạch, trong đó 3 hành lang Bắc - Nam gồm: Hành lang kinh tế ven biển nằm giữa Quốc lộ 1A và không gian ven biển, phát triển dọc tuyến đường Võ Chí Công và đường hành lang ven biển, tập trung các khu vực kinh tế biển, các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và đô thị sông, biển gắn với cửa ngõ quan trọng là cảng biển và sân bay Chu Lai; Hành lang kinh tế giữa Quốc lộ 1A và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, là hành lang kinh tế tổng hợp với công nghiệp theo hướng sinh thái, các đô thị trung tâm cấp huyện, kết nối với các không gian công nghiệp và đô thị Đà Nẵng, Quảng Ngãi, thúc đẩy mối liên kết vùng và các chuỗi giá trị; Hành lang đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của Tỉnh, tập trung công nghiệp thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông, lâm nghiệp, bảo tồn, phát huy văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và Thừa Thiên Huế.

Phát triển hành lang Đông - Tây, gồm: Hành lang Quốc lộ 40B kết nối phát triển du lịch biển với miền núi, vùng căn cứ cách mạng, vùng trung du đặc trưng Xứ Quảng, vùng dược liệu quý. Kết nối hiệu quả không gian du lịch sinh thái - văn hóa thành phố Tam Kỳ với hồ Phú Ninh và Tiên Phước làm động lực phát triển lên Bắc Trà My và Nam Trà My.

Hành lang dọc Quốc lộ 14E và tuyến đường Hồ Chí Minh qua Khâm Đức nối với cửa khẩu quốc tế Bờ Y, là trục giao lưu với vùng kinh tế Tây Nguyên và Nam Lào - Bắc Campuchia.

Hành lang Quốc lộ 14D nối với cửa khẩu quốc tế Nam Giang, thúc đẩy giao lưu kinh tế, hàng hóa với các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây 2.

Quảng Nam là tỉnh thứ 59 hoàn thành thẩm định Hồ sơ quy hoạch giai đoạn 2021-2030
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, đây là quy hoạch mang tính chiến lược cho một giai đoạn lâu dài; các nội dung về quy hoạch tỉnh cũng đã trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến góp ý thông qua tại nhiều cuộc họp, hội thảo, hội nghị. Ảnh: Đức Trung

Cùng với đó, quy hoạch cũng đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực về kinh tế; văn hóa – xã hội; môi trường; kết cấu hạ tầng và quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam đưa ra các khâu đột phá phát triển về hoàn thiện hệ thống hạ tầng; Nâng cao năng lực cạnh tranh; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phúc lợi xã hội; Nâng cao năng lực khoa học công nghệ.

Quy hoạch đã thể hiện khá rõ nét về khát vọng phát triển của tỉnh

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, đánh giá cao các ý kiến phát biểu và nhấn mạnh, qua các ý kiến cho thấy, quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Cơ quan lập quy hoạch chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai lập theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch. Lãnh đạo tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo sát sao cơ quan lập quy hoạch trong quá trình hoàn thiện quy hoạch trình Hội đồng thẩm định.

Nội dung quy hoạch đã thể hiện khá rõ nét về khát vọng phát triển của tỉnh; thể hiện được sự liên kết và đồng bộ trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng; việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội; về cơ bản, nội dung quy hoạch tỉnh đã đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ; đồng thời, Báo cáo kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh Quảng Nam cũng đã được hoàn thiện theo ý kiến của chuyên gia tại Hội thảo tham vấn ý kiến, cơ bản đảm bảo yêu cầu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Để sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch lập báo cáo tiếp thu, giải trình toàn bộ ý kiến tham gia thẩm định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, ý kiến của các chuyên gia phản biện, ý kiến của các cơ quan tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo kết quả đánh giá môi trường chiến lược và kết luận của Hội đồng thẩm định tại Báo cáo thẩm định.

Theo đó, tập trung làm rõ và giải trình một số nội dung để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch như: làm rõ hơn tiềm năng, thế mạnh và vai trò của Quảng Nam đối với vùng/quốc gia trong một số nội dung về vị trí địa lý, tài nguyên, di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, tài nguyên biển nhất là những dạng tài nguyên đặc sắc, nổi trội, riêng biệt của Quảng Nam. Về quan điểm về phát triển, bổ sung quan điểm phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế cacbon thấp vào quy hoạch tỉnh; phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phát triển bền vững, gắn liền với bảo tồn, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về các đột phá phát triển, xem xét, cân nhắc lựa chọn một số đột phá phát triển hạ tầng các khu kinh tế và hạ tầng kết nối với sân bay, cảng biển, trung tâm logichtics, phát triển vùng động lực từ đường cao tốc ra đến biển, tập trung vào chuyển đổi số và cải thiện môi trường kinh doanh.

Đồng thời, làm rõ định hướng tổ chức, sắp xếp không gian phát triển một số phân ngành trong ngành công nghiệp, như: cơ khí chế tạo và sản xuất ô tô, công nghiệp năng lượng, công nghiệp hỗ trợ sản xuất cơ khí. Đối với phương án phát triển du lịch: đề nghị bổ sung mục tiêu phát triển Quảng Nam trở thành điểm đến du lịch xanh và thông minh; phát triển du lịch gắn với bảo tồn, đặc biệt ở di sản thế giới Hội An, Mỹ Sơn và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Đối với phương án phát triển ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn có chất lượng và giá trị gia tăng cao, bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, chuyên gia, nhà khoa học, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Quảng Nam khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch tỉnh và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch./.

Mở tuyến đường ven biển, động lực phát triển kinh tế tỉnh Quảng Nam Phó Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Nam