Quốc hội chính thức phê chuẩn EVFTA
Có 457 đại biểu (đạt 94,62% tổng số đại biểu Quốc hội) tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết
Sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo, dự kiến 30 ngày kể từ ngày thông báo, hiệp định này sẽ có hiệu lực.
Theo Nghị quyết, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực hiện có hiệu quả và theo đúng lộ trình các cam kết của Hiệp định.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Hiệp định; phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định; chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi thế mà Hiệp định đem lại; xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định; tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả và hiệu quả thực thi các cam kết đã ký trong Hiệp định, định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Hiệp định.
Nghị quyết cũng giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn Hiệp định và thông báo thời điểm Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam.
Là hiệp định toàn diện, chất lượng cao, khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế (70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU). Sau 7 năm, 99,2% số dòng thuế (99,7% kim ngạch xuất khẩu) sẽ được xóa bỏ thuế. Với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu 0%.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu.
Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18%-3,25% vào năm 2023 và 7,07%-7,72% vào năm 2033. Tác động này lớn hơn nhiều so với tất cả các hiệp định thương mại tự do trước đây mà Việt Nam đã tham gia, kể cả so với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ngoài ra, EVFTA cũng giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng…
Đặc biệt, theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo “Việt Nam: Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi EVFTA” do Ngân hàng Thế giới thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua, EVFTA sẽ giúp Việt Nam giảm nghèo nhanh hơn.
Cụ thể, Hiệp định sẽ giúp làm tăng thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương với mức giảm tỷ lệ nghèo 0,7%. Hiệp định này cũng có khả năng giúp thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa các giới thêm 0,15%, đặc biệt cho các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất./.
Bình luận