Quốc hội cho phép triển khai 3 dự án đường cao tốc
Với đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, ngày 16/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư giai đoạn 1 đối với 3 dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Theo nội dung Nghị quyết, với Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, sẽ đầu tư khoảng 53,7 km, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 519,64 ha. Về chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án vào năm 2026.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (ảnh: Quốc hội) |
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 dài khoảng 188,2 km, chia thành 4 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công…
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đầu tư khoảng 117,5 km, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026 và hoàn thành khai thác đồng bộ toàn Dự án vào năm 2027.
Theo Nghị quyết, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đều được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt như: được thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.../.
Bình luận