Cuốn Sổ tay do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với IFC và Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ thực hiện. Theo đó, trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững đã và đang được coi là phương tiện hữu hiệu huy động vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội nhằm hỗ trợ các Mục tiêu Phát triển Bền vững và Hiệp định khí hậu Paris 2015. Một báo cáo của Moody’s đầu năm 2021 cho biết, tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững đến cuối năm 2020 đạt 491 tỷ USD và có thể đạt 650 tỷ USD năm 2021.

(Nguồn: Sổ tay hướng dẫn trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững"

Xu thế phát hành trái phiếu xanh

Theo cuốn Sổ tay, với các quốc gia, phát hành trái phiếu xanh nên bổ sung cho các hành động khác của chính phủ về biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng, chứ không phải là một giải pháp thay thế. Với doanh nghiệp, phát hành trái phiếu xanh có thể tài trợ cho nhiều dự án không liên quan đến dịch vụ công cộng hoặc cơ sở hạ tầng. Các chính sách đáng tin cậy hỗ trợ quá trình chuyển đổi các-bon thấp là nền tảng quan trọng cho tài chính xanh vì chúng tạo ra một nguồn tài sản xanh sẽ được tài trợ thông qua thị trường tài chính xanh. Chính phủ Ba Lan đã sửa đổi Đạo luật Tài chính công của Ba Lan ngày 27/8/2009 để hỗ trợ Khung trái phiếu xanh của họ, trong đó có tính minh bạch và truy xuất nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu.

Trái phiếu chính phủ xanh đầu tiên ở châu Mỹ được Cộng hòa Chi-lê phát hành vào năm 2019 và có giá trị là 1,418 triệu USD. Các dự án được tài trợ bằng trái phiếu dành riêng cho cơ sở hạ tầng giao thông công cộng chạy bằng điện (xe lửa, xe buýt); các dự án năng lượng mặt trời; hiệu quả năng lượng; năng lượng tái tạo; quản lý nước và tòa nhà xanh. Danh mục dự án được chứng nhận theo Tiêu chuẩn trái phiếu khí hậu trong khi hoạt động xác minh được cung cấp bởi Vigeo-Eiris. Quá trình phát hành được hỗ trợ bởi Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ.

Một ví dụ khác ở cấp khu vực được đại diện bởi trái phiếu Sukuk Indonesia. Việc Standard & Poor nâng hạng Indonesia lên hạng đầu tư vào năm 2017 là một trong những yếu tố thúc đẩy nhu cầu phát hành mạnh mẽ lên 1,25 tỷ USD cũng như đẩy lãi suất trái phiếu giảm từ mức 4,05% được chào trước đó. Cộng hòa Indonesia đã được tư vấn về các khía cạnh luật của Hoa Kỳ và Anh về chương trình và các đợt phát hành. Trái phiếu chính quyền địa phương thể hiện nợ của các đơn vị chính quyền cấp bang, tỉnh, lãnh thổ, thành phố hoặc các đơn vị chính quyền khác không phải là chính phủ trung ương. Các thành phố đối mặt với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu với lượng khí thải các-bon thấp. Đây là cơ hội để đáp ứng các mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) theo Thỏa thuận Khí hậu Paris. Việc lồng ghép các tiêu chí về giảm thiểu và thích ứng khí hậu vào quy hoạch cơ sở hạ tầng của thành phố mang lại cho các quốc gia cơ hội tiếp cận các dòng vốn mới đang tìm kiếm yếu tố xanh, đặc biệt là trên thị trường quốc tế.

Các tổ chức chính quyền địa phương ở cấp bang và thành phố đã và đang tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh trong lĩnh vực công cộng. Một số bang, chẳng hạn như California, đã triển khai xây dựng chiến lược trái phiếu xanh, trong khi những bang khác đã nâng cao nhận thức thông qua phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn cho cơ sở hạ tầng xanh của địa phương.

Chính quyền địa phương ở Australia, Canada và Hoa Kỳ đã phát hành trái phiếu xanh tài trợ cho năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, giao thông công cộng các-bon thấp và sử dụng đất bền vững. Tại Hoa Kỳ, các bang và thành phố đã phát hành hơn 33,75 tỷ USD trị giá trái phiếu xanh tính đến ngày 3/7/2020, chiếm 18% tổng lượng phát hành của cả nước và 65% tổng lượng phát hành của các tổ chức được chính phủ bảo lãnh. Các đợt phát hành cấp địa phương, bao gồm chính quyền địa phương, các cơ quan nhà nước và các công ty và doanh nghiệp đầu tư thuộc sở hữu nhà nước đã đạt trên 119,5 tỷ USD ở Hoa Kỳ, chiếm 47% tổng lượng phát hành toàn cầu.

Phát hành của chính quyền địa phương ở châu Âu chiếm 37% thị trường phát hành của chính quyền địa phương toàn cầu (94 tỷ USD được phát hành tính đến ngày 3/7/2020), tiếp theo là thị trường phát hành của chính quyền địa phương khối ASEAN với 11% (27 tỷ USD tính đến thời điểm tương tự). Việt Nam hiện chiếm 0,01% lượng phát hành của chính quyền địa phương toàn cầu (27 triệu USD), với khoản 23,4 triệu USD phát hành được chính phủ bảo lãnh và khoản 3,58 triệu USD do chính quyền địa phương phát hành, cả hai đợt phát hành đều trong năm 2016. Tính đến ngày 11/11/2020, đã có 940 trái phiếu xanh được phát hành bởi các cơ quan cấp địa phương.

Các ngân hàng, tổ chức tài chính có thể gọi vốn bằng trái phiếu xanh

Trong nhiều trường hợp, theo cuốn Sổ tay, tổ chức phát hành trái phiếu xanh cũng có thể thuê các “tổ chức bảo lãnh phát hành” định giá và phân phối trái phiếu xanh. Nói cách khác, tổ chức bảo lãnh phát hành hợp tác chặt chẽ với tổ chức phát hành để xác định giá chào bán trái phiếu xanh, mua trái phiếu từ tổ chức phát hành và bán cho nhà đầu tư thông qua mạng lưới phân phối của mình. Trong khu vực ASEAN, các ngân hàng trong và ngoài nước đều tích cực trong việc bảo lãnh phát hành trái phiếu xanh. HSBC dẫn đầu bảng xếp hạng bảo lãnh phát hành cả về số lượng giao dịch và số vốn phát hành.

Trong những năm gần đây, các ngân hàng trong khu vực (đặc biệt là từ Malaysia và Singapore) tham gia ngày càng mạnh mẽ. Một ngân hàng từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (Dubai Islamic Bank) đã lọt vào TOP 5, phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư Hồi giáo. Tổ chức tài chính với vai trò là tổ chức phát hành tương tự các công ty, các tổ chức siêu quốc gia và các chính quyền trung ương và địa phương, các tổ chức tài chính cũng có thể phát hành trái phiếu xanh.

Các ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư và ngân hàng phát triển đều có thể phát hành trái phiếu xanh để đa dạng hóa danh mục chào bán và tiếp cận gần hơn các nhà đầu tư tiềm năng. Ngoài ra, phát hành trái phiếu xanh có thể giúp ra tín hiệu cho thị trường về cam kết của họ đối với phát triển bền vững Trên phạm vi toàn cầu, năm 2018 đã tạo tiền lệ cho các tổ chức tài chính và vai trò của họ trong thị trường trái phiếu xanh. Khối lượng phát hành trong năm 2018 của họ đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2017. Trong đó, các ngân hàng thương mại hoạt động tích cực nhất. Lượng phát hành của họ tăng gần gấp đôi so với năm 2017, với sự đóng góp của nhiều tổ chức, từ tổ chức phát hành lớn thứ hai toàn cầu là Ngân hàng công nghiệp (Trung Quốc) đến một trong những ngân hàng mới gia nhập thị trường, Bank Windhoek (Namibia). Các ngân hàng bất động sản và quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT), chủ yếu từ các thị trường phát triển, cũng tham gia mạnh mẽ. Bốn ngân hàng bất động sản tham gia thị trường trái phiếu xanh vào năm 2018, thúc đẩy tăng trưởng trái phiếu xanh có bảo đảm, trong khi phạm vi địa lý phát hành của các quỹ tín thác đầu tư bất động sản tăng lên đáng kể cùng với khối lượng phát hành.

Theo Báo cáo Tình hình thị trường tài chính xanh ASEAN 2019 của Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu, các công ty tài chính trở là tổ chức phát hành lớn nhất năm 2018 trong khu vực ASEAN. Khối lượng phát hành tăng trưởng đáng kể khiến họ trở thành tổ chức phát hành lớn nhất ASEAN, chiếm 29% tổng số, vượt qua các công ty phi tài chính với 27% và chính phủ với 15%.

(Nguồn: Sổ tay hướng dẫn trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững"

Các khoản vay xanh cũng nổi bật ở thị trường ASEAN, với 2,9 tỷ USD được phát hành, chiếm 22% tổng số, phần lớn liên quan đến lĩnh vực bất động sản của Singapore.

Tại Việt Nam, vào tháng 1/2020, VP Bank Việt Nam nhận được khoản vay 71 triệu USD từ IFC, thời hạn 5 năm. Nguồn vốn này được sử dụng cho ngành năng lượng và xây dựng. Khoản vay giúp VP Bank mở rộng hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mang lại lựa chọn mới cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn tài chính xanh với lãi suất ưu đãi. Khoản vay của IFC là một ví dụ tuyệt vời về chuyển vốn đầu tư của tổ chức vào thị trường mới nổi. Sự tham gia của các tổ chức cho vay trong khu vực và quốc tế cho thấy sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư tổ chức và tư nhân đối với tài chính khí hậu tại Việt Nam, tạo điều kiện cho nguồn vốn mới, giúp Việt Nam đối phó với biến đổi khí hậu. VPBank cũng đã áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về cho vay xanh, gửi đi một tín hiệu tích cực cho thị trường cũng như các nhà đầu tư quốc tế.

Được biết, cùng với cuốn Sổ tay hướng dẫn mới ra mắt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tổ chức một chương trình đào tạo tại Hà Nội và TP. HCM để cung cấp những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích cho các thành viên thị trường, đặc biệt là các tổ chức phát hành./.