Chiều ngày 15/9/2023, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tiến hành tổ chức Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây là quy hoạch tỉnh thứ 53 được Hội đồng tổ chức phiên họp để thẩm định.

Quy hoạch Phú Yên thời kỳ 2021-2030 được Hội đồng thẩm định thông qua với điều kiện sửa đổi, bổ sung
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

2011-2020, tỉnh Phú Yên đạt mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng và tiềm năng

Phú Yên là tỉnh có nằm ở trung tâm của vùng Duyên hải miền Trung, là cửa ngõ kết nối với vùng Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Phú Yên có đường bờ biển dài gần 190 km với nhiều tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, nhiều tiềm năng phát triển, nhưng gần như chưa được khai thác, phát huy hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: Vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, Gành Đá Đĩa; cao nguyên Vân Hòa ...; có nguồn tài nguyên nước dồi dào, tài nguyên đất còn nhiều dư địa thuận lợi để phát triển nông nghiệp chất lượng cao

Phú Yên là tỉnh có nhiều thuận lợi trong kết nối giao thông với đầy đủ các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Cảng hang không Tuy Hòa có vị trí rất thuận tiện và có nhiều tiềm năng để nâng cấp trở thành một trong những cảng hàng không lớn, hiện đại; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối của Phú Yên đã được đầu tư tương đối đồng bộ. Đây là nền tảng để tỉnh Phú Yên bứt phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Phú Yên đạt mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng và tiềm năng của tỉnh (6,9%/năm), năm 2020 quy mô GRDP và GRDP bình quân đầu người đều đứng thứ 11/14 tỉnh trong vùng Miền Trung, chỉ bằng 61% mức trung bình của cả nước, chỉ số PCI đứng thứ 42/63 trong cả nước.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh: Nông nghiệp chiếm xấp xỉ 26%, công nghiệp - xây dựng 27% và dịch vụ 42%, cho thấy dư địa để phát triển ngành công nghiệp còn lớn; vốn đầu tư vốn toàn xã hội thấp, thu hút vốn đầu tư FDI còn hạn chế, quy mô doanh nghiệp nhỏ, thiếu các doanh nghiệp lớn, đầu đàn.

Quy hoạch Phú Yên thời kỳ 2021-2030 được Hội đồng thẩm định thông qua với điều kiện sửa đổi, bổ sung
Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung

Quy hoạch là cơ hội quý giúp Phú Yên chủ động kiến tạo tương lai

"Như vậy, có thể thấy xuất phát điểm hiện tại của tỉnh Phú Yên là thấp", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhận định và chỉ rõ, quy hoạch tỉnh lần này là cơ hội quý để Phú Yên rà soát, đánh giá rõ thực trạng phát triển, xác định cụ thể các điểm nghẽn, để từ đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá giúp tỉnh Phú Yên chủ động kiến tạo tương lai, biến tiềm năng thành động năng, cao hơn là thành nguồn lực và động lực cho phát triển, giúp Phú Yên phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng khoa học, công nghệ trong thời gian tới.

Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn dài hạn. Quy hoạch là công cụ quan trọng trong quá trình định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, phát triển không gian địa giới hành chính và là tiền đề để địa phương phát triển nhanh, toàn diện, bền vững trong tương lai; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Trưởng ban chỉ đạo Lập quy hoạch tỉnh khẳng định, quán triệt với tinh thần lập quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch phải tổng thể, toàn diện, bao quát, có tính định hướng; quy hoạch phải bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, tạo tiền đề để phát triển bền vững và chuyển phát triển chiều rộng sang chiều sâu, bản Quy hoạch là sản phẩm của tinh thần đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể.

Quy hoạch được triển khai với khát vọng xây dựng tỉnh Phú Yên phát triển năng động, bền vững, nền văn hóa đặc sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, môi trường sống được cải thiện; mục tiêu phát triển được hình thành, bồi đắp trên cơ sở khoa học với lộ trình bước đi được dự liệu rõ ràng, có sự kế thừa từ những quan điểm định hướng phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn được phê duyệt.

Quy hoạch cũng phát triển những vấn đề mới trên cơ sở bám sát chủ trương của Trung ương, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Phú Yên, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng cân đối, huy động nguồn lực trong và ngoài tỉnh, bảo đảm phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, hướng đến mục tiêu năm 2050. "Phú Yên trở thành nơi đáng sống cho người dân, đáng ghé thăm cho du khách với nền kinh tế phát triển, con người thân thiện và môi trường sống xanh, sạch, hiện đại

Về nội dung chính của dự thảo Quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn cho biết, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa lợi thế biển với các trụ cột Công nghiệp (luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng,...), du lịch, đô thị hóa, nông nghiệp công nghệ cao, vận tải biển và logistics. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, môi trường sống được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng, an ninh được tăng cường.

Quy hoạch Phú Yên thời kỳ 2021-2030 được Hội đồng thẩm định thông qua với điều kiện sửa đổi, bổ sung
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn cho biết, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Ảnh: Đức Trung

Đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển đạt mức khá so với các địa phương trong cả nước, phấn đấu từ năm 2035 tỉnh Phú Yên tự cân đối được ngân sách nhà nước. Là một trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Nam Trung Bộ; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống của vùng và cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động kinh tế - xã hội và quản trị công được vận hành chủ yếu theo cơ chế của nền kinh tế số, xã hội số.

Các ngành kinh tế phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Mục tiêu cụ thể về kinh tế đến năm 2030 của tỉnh Phú Yên

+ Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 8,5 - 9%/năm;

+ GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 150-156 triệu đồng (6.500 - 6.800 USD);

+ Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 34%; dịch vụ chiếm 46%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm khoảng 5,0%;

+ Đóng góp của năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 35%;

+ Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7,0-7,5%/năm;

+ Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (không kể thu tiền sử dụng đất) bình quân 9-10%/năm;

+ Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt 7.000.000 lượt khách, trong đó có 600.000 lượt khách quốc tế, 6.400.000 lượt khách nội địa, đóng góp GRDP của ngành du lịch trong tổng GRDP của tỉnh đạt khoảng 15%;

+ Tỷ trọng kinh tế số chiếm 25-30% GRDP;

+ Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 50%, đô thị phát triển theo hướng thông minh.

Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh, bao gồm an ninh trên biển, và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được bảo đảm vững chắc.

Với kịch bản tăng trưởng lựa chọn, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong thời kỳ 2021-2030 khoảng gần 300 nghìn tỷ đồng, trong đó:

- Vốn cho giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 98 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 200 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành).

- Dự kiến vốn từ NSNN trong giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 24 nghìn tỷ và 2026 - 2030 là khoảng 40 nghìn tỷ.

- Dự kiến vốn từ ngoài nhà nước và FDI giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 74 nghìn tỷ và 2026 - 2030 là khoảng 160 nghìn tỷ.

- Dự kiến về nhu cầu về vốn được tính toán dựa trên giả định về tỷ suất hiệu quả vốn đầu tư (ICOR) thời kỳ 2021 - 2025 là khoảng 5,5 và thời kỳ 2026 - 2030 là khoảng 4,5.

Để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra các trụ cột phát triển đó là:

(1) Về công nghiệp - xây dựng đô thị: Tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp tỉnh có lợi thế và tạo cơ sở phát triển của tỉnh trong dài hạn. Thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp quan trọng như luyện kim; lọc, hóa dầu; sản xuất năng lượng... vào Khu công nghiệp Hòa Tâm và đầu tư xây dựng cảng Bãi Gốc. Cùng với đó thu hút phát triển một số ngành công nghiệp như chế biến nông, lâm, thủy sản chất lượng cao; Hóa chất (hóa dược, phân bón…); Cơ khí - chế tạo; Công nghiệp gắn với công nghệ số; Dệt may; Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng… Phát triển đô thị xanh, bền vững gắn với bản sắc của Phú Yên, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Xây dựng chuỗi đô thị ven biển xanh và thân thiện môi trường, trung tâm công nghiệp, du lịch, dịch vụ cảng biển và logistics. Phát triển thành phố Tuy Hòa trở thành đô thị biển với hệ thống công viên, cây xanh và có rừng trong trung tâm thành phố; phát triển mở rộng thành phố về phía Nam đảm bảo tiêu chí đô thị loại I; trở thành đô thị hạt nhân, trung tâm động lực tổng hợp toàn tỉnh. Phát triển đô thị Sông Cầu là trung tâm tiểu vùng phía Bắc của tỉnh, là thành phố du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng của vùng là đô thị du lịch vệ tinh cho thành phố Quy Nhơn. Phát triển đô thị Củng Sơn và đô thị Sơn Long - đô thị sinh thái của vùng cao nguyên Vân Hòa.

(2) Về dịch vụ - du lịch: Phát triển thương mại dịch vụ tỉnh Phú Yên gắn với hiện đại hóa hạ tầng thương mại nhằm kết nối mở rộng thị trường khu vực và cả nước. Tập trung thu hút đầu tư phát triển cảng nước sâu Bãi Gốc làm cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp và phát triển cảng biển Vũng Rô trở thành cảng du lịch. Hình thành một số trung tâm logistics; cải thiện các dịch vụ lưu kho nội địa, các dịch vụ giá trị gia tăng, cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Phát triển du lịch với hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, đa dạng sản phẩm du lịch; giàu bản sắc văn hóa; từng bước hình thành các trung tâm du lịch lớn, đáp ứng tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế; phấn 8 đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong năm 2030.

(3) Về nông - lâm - thủy sản: Phát triển nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững, hình thành các vùng nguyên chuyên canh quy mô lớn (như vùng cây ăn quả, cây dược liệu,..), có giá trị gia tăng cao gắn với hình thành chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương trong tỉnh.

3 khâu đột phá gồm: Cải cách thủ tục hành chính quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; nâng cao trình độ, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức; Huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, nhất là đất đai, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, năng động.

Quy hoạch Phú Yên thời kỳ 2021-2030 được Hội đồng thẩm định thông qua với điều kiện sửa đổi, bổ sung
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung

Thông qua dự thảo Quy hoạch Phú Yên thời kỳ 2021-2030 với điều kiện sửa đổi, bổ sung

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch, các thành viên Hội đồng, các chuyên gia đều chung đánh giá, Dự thảo Quy hoạch đã cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về bảo vệ mội trường.

Tập trung ở góc nhìn phát triển du lịch của tỉnh Phú Yên trong thời kỳ quy hoạch, PGS.TS. Phạm Trung Lương, Nguyên Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Thành viên Tổ chuyên gia tư vấn Quy hoạch quốc gia nhận định, về cơ bản quan điểm phát triển du lịch Phú Yên là phù hợp với quan điểm phát triển của du lịch Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới được thể hiện trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020.

Tuy nhiên đứng từ góc độ phát triển du lịch địa phương, một trong những quan điểm phát triển du lịch quan trọng cần được xem xét bổ sung đó là “Phải tạo được sự khác biệt dựa trên sản phẩm du lịch đặc thù” để tạo sức hấp dẫn và nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch.

Bên cạnh mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, cần thể xem xét đối với mục tiêu phát triển Phú Yên trở thành điểm đến du lịch xanh và thông minh dễ phù hợp với xu thế phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Định hướng về liên kết phát triển du lịch cần làm rõ nội dung liên kết với địa phương phụ cận trong vùng, liên kết liên vùng với Tây nguyên và với các trung tâm du lịch quốc gia…

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Hội đồng đã tiến hành biểu quyết bằng phiếu đánh giá với kết quả 100% đồng ý với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.

Để sớm hoàn thiện Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ quy hoạch theo ý kiến tham gia thẩm định của các bộ, cơ quan ngang bộ, ý kiến các chuyên gia phản biện, ý kiến của các cơ quan đối với Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và kết luận của Hội đồng thẩm định tại Báo cáo thẩm định; chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tỉnh.

Thứ trưởng cũng lưu ý, các thành viên hội đồng thẩm định có trách nhiệm rà soát các nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định trong hồ sơ quy hoạch tỉnh Phú Yên đã được hoàn thiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trình Thủ trưởng cơ quan ban hành văn bản rà soát theo quy định./.