Quyết liệt thực hiện các chế tài để thúc các DN đủ điều kiện đưa cổ phiếu lên sàn
Nhiều doanh nghiệp vi phạm bị nêu tên, xử phạt
Hiện nay, một trong các biện pháp thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn hiện vẫn chủ yếu trông đợi vào chế tài xử phạt.
Chình vì thế, ngay đầu năm 2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hàng loạt doanh nghiệp. Trong số các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý từ đầu năm đến nay, vi phạm về chậm đưa cổ phiếu lên sàn bị xử phạt chiếm tỷ lệ cao, với 7 công ty nhận án phạt. Điển hình như: Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh, Công ty cổ phần Bê tông Xây dựng Hà Nội, Công ty cổ phần Trung Ðô, Công ty cổ phần Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel… (Bảng 1).
Không chỉ phạt các công ty đến nay chưa đưa cổ phiếu lên sàn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn mạnh tay xử phạt nhiều công ty vì: lỗi đưa cổ phiếu lên sàn quá thời hạn theo quy định, sau cổ phần hóa do quy mô vốn nhỏ dưới 10 tỷ đồng (không đủ điều kiện là công ty đại chúng) nên không thể lên niêm yết; kinh doanh thua lỗ; chưa thực hiện xong quyết toán cổ phần hóa…
Thực tế cho thấy, sau khi bị UBCK xử phạt, có doanh nghiệp đã đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng vẫn có những doanh nghiệp tiếp tục chây ì đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu (Bảng 2).
Cần quyết liệt hơn nữa
Ðể tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp nghiêm túc tuân thủ quy định về đưa cổ phiếu lên sàn, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành chủ quan rà soát, nêu rõ lý do các doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết, đồng thời gửi danh sách tới Bộ Tài chính để có giải pháp thúc đẩy thực hiện.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét kỷ luật người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nếu cố tình trì hoãn, không chấp hành đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán theo quy định...
Do nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp hậu cổ phần hóa về việc phải đưa cổ phiếu lên sàn chưa đầy đủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đề xuất Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lồng ghép các nội dung về thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu tại các hội nghị, cuộc họp với các doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng chủ trì để chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện.
Trong đó, ngay cả các công ty tuy đã đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng chậm thời hạn so với quy định vẫn bị xử phạt.
Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là, rất nhiều doanh nghiệp hậu cổ phần hóa chưa đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng lại không đủ điều kiện là công ty đại chúng.
Điều này có nghĩa là, sau khi lên sàn, lượng doanh nghiệp này sẽ lại rời sàn sau 1 năm vì không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng, dẫn đến vừa gây tốn kém cho doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý, sở giao dịch chứng khoán về tiền bạc và cả thời gian, vừa tác động không tích cực đến số lượng và chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán.
Vì vậy, việc buộc các doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng (vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng, có dưới 100 cổ đông) lên sàn chứng khoán là chưa hợp lý.
Gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiến nghị trong quá trình sửa đổi Nghị định số 126/2017, ngày 16/11/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, cần bổ sung quy định chỉ bắt buộc các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đủ điều kiện là công ty đại chúng mới phải đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán...
Cùng với đó, để kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp đủ điều kiện là công ty đại chúng, nhưng cố tình chây ì lên sàn kéo dài, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2020 sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử phạt./.
Thông tư 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1//1/2016 quy định, các đối tượng phải lên UPCoM bao gồm công ty đại chúng không đủ điều kiện niêm yết, hoặc đủ điều kiện niêm yết nhưng chưa niêm yết, công ty hủy niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước đã chào bán chứng khoán ra công chúng mà chưa niêm yết. Trong vòng một 1 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, công ty đã là công ty đại chúng và công ty đại chúng đã hủy niêm yết trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trước Thông tư 180, có một số văn bản pháp luật khác yêu cầu các đối tượng trên phải đưa cổ phiếu lên niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM. |
Bình luận