Sai phạm trong quản lý ngân sách, đề xuất xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân
“Qua kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và tổng hợp kết quả kiểm toán chủ yếu của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2021 cho thấy, nổi lên một số vấn đề cần tiếp tục phải chấn chỉnh, khắc phục trong những năm tới…”, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, khi trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội đang diễn ra, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo đó, dự toán thu tiền sử dụng đất chưa sát với khả năng nguồn thu, các địa phương lập dự toán chỉ bằng 72% so với ước thực hiện năm 2019. Mặc dù Trung ương đã giao dự toán cao hơn số địa phương lập 18,3%, song thực hiện thu sử dụng đất năm 2020 vẫn vượt dự toán 80,4%, việc thu vượt dự toán lớn đã diễn ra nhiều năm. Kết quả kiểm toán cho thấy, còn trường hợp giao kế hoạch vốn chậm, điều chỉnh nhiều lần, điều chỉnh sau ngày 15/11/2020 chưa phù hợp với quy định; chưa bố trí đủ, thậm chí không bố trí kế hoạch vốn để thanh toán cho một số dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2020 trở về trước.
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh, 19/45 địa phương được kiểm toán bố trí dự phòng ngân sách tại cấp tỉnh hoặc cấp huyện chưa đảm bảo tỷ lệ quy định (ảnh: Quốc hội) |
Cũng theo ông Thanh, tại một số bộ, cơ quan trung ương giao và phân bổ chưa đầy đủ cơ sở, căn cứ; không phân bổ hết dự toán theo quy định; giao dự toán kinh phí thường xuyên, không thường xuyên chưa đảm bảo đúng quy định...
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh, một số bộ, cơ quan trung ương còn chuyển nguồn kinh phí không còn nhiệm vụ chi qua nhiều năm; 26/45 địa phương được kiểm toán chi chuyển nguồn cao hơn năm trước… Việc lập, gửi Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 của Bộ Tài chính còn chậm so với quy định của Luật Ngân sách nhà nước... |
Đối với chi ngân sách nhà nước, qua kiểm toán cho thấy, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân chi đầu tư từ nguồn vốn ngoài nước thấp, nên đã phần nào làm giảm hiệu quả đầu tư của nguồn vốn này. Còn trường hợp dư nợ đọng xây dựng cơ bản của những dự án thực hiện trước năm 2015, nhưng năm 2021 mới bố trí một phần để thanh toán; một số địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn và phát sinh nợ xây dựng cơ bản trong năm 2021.
Trên cơ sở kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2021.
Kiểm toán nhà nước còn đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tổ chức rà soát, kiểm tra, xác định nguyên nhân, trách nhiệm và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời theo quy định đối với một số địa phương giao dự toán từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho các dự án chưa đảm bảo quy định; số vốn ngoài nước đã giải ngân cho đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2019 trở về trước chưa hạch toán, quyết toán vào ngân sách nhà nước và số vốn viện trợ không hoàn lại đã thực nhận, nhưng chưa được bố trí dự toán qua các năm; tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh đối với những hạn chế trong việc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao dự toán từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 tại Quyết định số 118/QĐ-TTg chưa hoàn toàn phù hợp với quy định về thẩm quyền cơ quan chủ trì tham mưu…/.
Bình luận