Sáng tạo mở: Mô hình tạo nên sự thành công cho doanh nghiệp
Nội dung này được GS, TS. Wim Vanhaverbeke, Trường đào tạo quản trị hàng đầu châu Âu ESADE chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Mô hình quản trị sáng tạo thành công trên thế giới - Bài học cho lãnh đạo Việt Nam” diễn ra ngày 17/10 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Quản trị Kinh doanh FSB, Đại học FPT tổ chức.
Theo GS, TS. Wim Vanhaverbeke, các doanh nghiệp cần phải chuyển sang sáng tạo mở để giúp các doanh nhân Việt biết cách thu hút được những nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, những nguồn lực từ bên ngoài vào quá trình nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm dịch vụ mới cho doanh nghiệp mình.
Đồng thời, mô hình cũng chỉ ra cách tinh lọc ý tưởng, quy trình rút ngắn “đường đi” từ ý tưởng đến sản phẩm để có thể đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất. Đặc biệt, chúng có thể áp dụng được với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo nên những bước tăng trưởng đột phá.
Tuy nhiên, việc áp dụng chiến lược sáng tạo mở không hề dễ dàng. Trước hết, nội bộ công ty cần tổ chức tốt để đội ngũ nhân viên, quản lý có thể phối hợp một cách hiệu quả với các đối tác bên ngoài.
Nếu tiến hành sáng tạo mở trên một mạng lưới các đối tác, thì cần phải biết cách tổ chức và quản lý mạng lưới đó cho hiệu quả. Việc này rất khác so với việc quản lý doanh nghiệp thông thường, bởi vì không có sự kiểm soát, quản lý mang tính thứ bậc quyền lực như trong doanh nghiệp của mình, GS. Wim Vanhaverbeke nhấn mạnh.
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn quen kinh doanh dựa trên lợi thế về chi phí thấp. Nhưng trong 5 năm gần đây, chi phí nhân công của Việt Nam đã tăng lên, cao hơn các nước Thái Lan, Indonexia hay các nước mới ở Châu Phi.
Ông Wim Vanhaverbeke cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam càng cần phải tăng cường đổi mới, sáng tạo để có thể sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn, mang tính sáng tạo cao hơn, mang lại lợi nhuận lớn hơn.
Một số sản phẩm được áp dụng thành công trong chiến lược “sáng tạo mở” cũng được Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ tại Hội thảo. Theo ông Trương Gia Bình, sáng tạo đầu tiên cần được nhắc tới là sáng tạo về hướng kinh doanh mới khi đã lựa chọn xuất khẩu phần mềm.
Đây là lĩnh vực vẫn đang mang lại lợi nhuận lớn cho FPT khi duy trì được mức tăng trưởng 60% tại thị trường Mỹ, 100% ở thị trường châu Âu, 30% ở Nhật và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. FPT đã xuất khẩu phần mềm tới 19 quốc gia trên thế giới.
Là người luôn sáng tạo trong công tác quản trị cũng như luôn khuyến khích nhân viên sáng tạo, ông Bình đã xây dựng FPT trở thành một tổ chức sáng tạo, đổi mới hàng đầu ở Việt Nam.
Về dịch vụ, ông Trương Gia Bình nhắc tới sản phẩm bán vé đường sắt mà FPT mới thực hiện thời gian gần đây. Theo ông Bình, tháng 11 tới đây sẽ bắt đầu bán vé và trong tương lai vé đường sắt sẽ được bán dễ dàng với nhiều cách./.
Bình luận