Cụ thể, trong dự kiến phân bổ Kế hoạch đầu tư trung hạn vốn Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 -2020 và năm 2017 của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Chính phủ dự kiến sẽ bố trí hơn 20.800 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chính phủ dự kiến sẽ bố trí 20.800 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội

Khoản tiền này nhằm để cấp vốn điều lệ còn chưa bố trí được cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong các năm 2013, 2015 và 2016, tăng vốn điều lệ cho các năm tiếp theo và cấp bù các khoản chênh lệch lãi suất và chi phí quản lý để đảm bảo tiếp tục duy trì mức lãi suất cho vay ưu đãi dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong 5 năm tới.

Tính đến 31/12/2016, vốn điều lệ của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt gần 10.700 tỷ. Tổng nguồn vốn đạt 162.380 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn vốn huy động và vay lãi suất thị trường, vốn Ngân sách Trung ương cấp chỉ chiếm 17,1%.

Là một ngân hàng thực hiện chính sách đối với người nghèo và đối tượng chính sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, gần 15 năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Chất lượng tín dụng không ngừng được cải thiện, nợ quá hạn, nợ khoanh của Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ chiếm 0,75% tổng dư nợ. Trong đó nợ quá hạn là 0,34% và nợ khoanh là 0,41%. Nợ khoanh là nợ của khách hàng gặp rủi ro khách quan như thiên tai dịch bệnh được tạm thời xử lý chưa phải trả gốc và lãi hàng một khoảng thời gian nhất định để tập trung nguồn lực phục hồi sản xuất.

Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng khoảng 8%/năm để đảm bảo được nguồn vốn và chất lượng phục vụ hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai tập trung làm tốt công tác nguồn vốn; tập trung khai thác nguồn vốn tại kênh Điểm giao dịch xã, tạo ra kênh huy động vốn mới gắn với hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa bàn cấp xã; cùng cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ nhóm đoàn thể quay vòng tốt vốn tín dụng, thu hồi tốt nợ để tạo nguồn cho vay mới. Giúp cho người dân trả nợ được vốn Chính phủ; nâng cao chất lượng phục vụ, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Thực tế, kế hoạch cấp thêm vốn điều lệ cho Ngân hàng Chính sách xã hội từ ngân sách là việc làm cần thiết và là tin vui đối với các hộ nghèo, hộ chính sách trên cả nước. Trong những năm tới, nguồn vốn gia tăng sẽ được Ngân hàng Chính sách xã hội ưu tiên cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, khó khăn; vùng có thiệt hại về thiên tai.

Đáng chú ý, trong năm 2016, Ngân hàng Chính sách xã hội đã đạt tổng dư nợ trên 157 nghìn tỷ đồng với hơn 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Cụ thể, đã có trên 2.297 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 493 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 171 nghìn lao động, trong đó có trên 2,7 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 74 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 1,3 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn; gần 21 nghìn căn nhà cho hộ nghèo, trong đó có gần 5,5 nghìn căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung…

Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa ./.