Sớm ban hành Nghị quyết đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn 2050
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch ngày 19/8 |
Đó là một trong những nhiệm vụ được nêu tại Thông báo số 219/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch.
Có quy hoạch tốt mới có được đề án, dự án tốt
Thủ tướng Chính phủ kết luận, công tác quy hoạch rất quan trọng, đầu tư phát triển phải theo quy hoạch, vì vậy công tác quy hoạch phải đi trước một bước, phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, bám sát và cụ thể hóa một bước các nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, chiến lược kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021-2030, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các địa phương để phát triển bền vững. Có quy hoạch tốt mới có được đề án, dự án tốt, từ đó mới có nhà đầu tư tốt và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo, tài liệu phục vụ Hội nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; hoan nghênh các Bộ, ngành, địa phương đã nghiên cứu kỹ tài liệu, chuẩn bị ý kiến rất sâu sắc, trách nhiệm, tâm huyết và bám sát vào tình hình thực tế, nêu được những thuận lợi, khó khăn của cơ quan, đơn vị, địa phương và góp ý cho Báo cáo.
5 nhiệm vụ chủ yếu đối với công tác quy hoạch
Tại Thông báo, Thủ tướng nêu rõ 5 nhiệm vụ chủ yếu đối với công tác quy hoạch.
Một là, phải xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn trương thực hiện việc lập quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch và hoàn thành trong năm 2022.
“Các đồng chí Bí thư cấp ủy, các đồng chí đứng đầu chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác lập quy hoạch bảo đảm tiến độ, chất lượng, vừa phải đảm bảo kết nối đồng bộ quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia hiệu quả nhất; tùy tình hình cụ thể của mỗi địa phương, có thể thành lập Ban chỉ đạo các cấp để bảo đảm thuận lợi, linh hoạt và có hiệu quả nhất”, Thông báo nêu rõ chỉ đạo của Thủ tướng.
Hai là, khi lập đồng thời các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh cần phải phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai lập quy hoạch. Các bộ, ngành cần sớm công bố nội dung về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian trên địa bàn quốc gia, vùng, tỉnh theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2021, làm cơ sở để các địa phương triển khai lập quy hoạch nhằm khai thác tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh mà vẫn bảo đảm được tính thống nhất với các quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch dùng chung bảo đảm khoa học, đồng bộ, tránh lãnh phí, phục vụ hiệu quả cho công tác lập, thẩm định, quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch”, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế theo nguyên tắc phải phân cấp, phân quyền triệt để, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đi cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, tăng cường quản lý nhà nước của các bộ, ngành là xây dựng chiến lược, quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng công cụ để giám sát, kiểm tra.
“Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động tập trung rà soát lại, sửa đổi hoặc dừng thi hành ngay để tháo gỡ các vướng mắc; đề xuất, trình Chính phủ những vấn đề thuộc thẩm quyền để Chính phủ xem xét, sửa đổi ngay trong tháng 9/2021. Vướng mắc bởi thông tư thì các bộ, ngành phải chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện theo thẩm quyền trong tháng 9/2021”, Thông báo đưa các mốc thời gian.
Bốn là, yêu cầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch phải bảo đảm chất lượng; đồng thời cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền tổ chức thực hiện lập quy hoạch theo nghị quyết của Đảng, quy định của pháp luật và bám sát tình hình thực tiễn; phối hợp với tư vấn để vừa làm việc, vừa hỗ trợ và vừa học tập lẫn nhau, đồng thời quy hoạch phải do cơ quan quản lý nhà nước xem xét, quyết định.
Năm là, về nguồn kinh phí lập các quy hoạch, nguồn kinh phí cho lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, thống nhất nguồn vốn sử dụng và báo cáo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái xem xét, quyết định.
“Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn việc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện công tác lập quy hoạch bảo đảm tiến độ, chất lượng, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật”, Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương khẩn trương có ý kiến tham gia về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình chính phủ xem xét ban hành./.
Bình luận