Sáng ngày 02/8/2024, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Trần Lưu Quang chủ trì buổi làm việc của Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội làm việc tại vùng Tây Nguyên.

Sự bình yên, ổn định phải là tiêu chí hàng đầu để cho phát triển vùng Tây Nguyên
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Trần Lưu Quang chủ trì buổi làm việc

Cùng tham dự Buổi làm việc có: đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đồng chí Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; các đồng chí Bí thư tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Thứ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động, Thương binh và Xã hội; các đồng chí lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các cục, vụ, viện của một số bộ, ngành; các đồng chí chuyên gia cao cấp và thành viên trong Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế xã hội.

Nhiều nút thắt đang làm cản trở quá trình phát triển

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các địa phương; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học hay trong phát triển kinh tế-xã hội; nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển và đề xuất, kiến nghị với Trung ương.

Các địa phương cũng đánh giá cao cách tiếp cận của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội khi có các cuộc làm việc trực tiếp với các địa phương thay vì tổng hợp tình hình thực hiện các Nghị quyết của Trung ương bằng văn bản.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương vùng Tây Nguyên cũng phản ánh những nút thắt đang làm cản trở quá trình phát triển, nhất là kết nối hạ tầng nội vùng với các trung tâm kinh tế còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực còn bất cập dẫn đến khó thu hút đầu tư; tiềm năng lợi thế rừng chưa được khai thác hiệu quả để tạo sinh kế cho người dân sống và làm giàu từ rừng; chất lượng chăm sóc y tế còn nhiều bất cập, công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá Tây Nguyên chưa được quan tâm đúng mức.Vướng mắc về quy hoạch bauxite đang làm cản trở việc triển khai các dự án đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia, tại Lâm Đồng và Đắk Nông. Các tỉnh vùng Tây Nguyên đề xuất kiểm kê lại rừng khu vực Tây Nguyên để xác định rõ thực trạng của rừng, làm cơ sở cho việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Thường trực Trưởng Tiểu ban ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của các thành viên Tiểu ban và các đại biểu dự họp; yêu cầu Tổ Biên tập nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Tiểu ban, khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Kinh tế - Xã hội, trình các cấp có thẩm quyền.

Phó Thủ tướng Chính phủ biểu dương và khen ngợi sự nỗ lực vượt bậc của cấp đảng và chính quyền các địa phương vùng Tây Nguyên trong thời gian vừa qua, đã vượt khó, hoàn thành tương đối tốt các mục tiêu về kinh tế - xã hội. Đảng, Nhà nước và Chính phủ chưa bao giờ xem nhẹ vai trò, vị trí chiến lược của Vùng. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, môi trường, đặc biệt là rừng, nước, trật tự an ninh và ổn định cuộc sống của cộng đồng các dân tộc anh em.

Phó Thủ tướng lưu ý, Tây Nguyên hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, còn nghèo, nhưng khó thu hút các nhà đầu tư cho sản xuất kinh doanh (chủ yếu là đầu tư về khai thác khoáng sản, du lịch và nông nghiệp nhưng chưa đủ tầm). Mặc dù còn nhiều dư địa nhưng các cơ chế, chính sách và sự phát triển nội lực từ các địa phương còn chưa đủ mức, chưa đủ sức dẫn tới chưa vượt qua được các rào cản, các nhạy cảm hiện có.

Sự bình yên, ổn định phải là tiêu chí hàng đầu để cho phát triển vùng Tây Nguyên
Toàn cảnh buổi làm việc

Cần nghiên cứu cơ chế đặc thù cho sự phát triển bền vững của Vùng

Ghi nhận có những nhóm nội dung cần phải tập trung giải quyết vừa trước mắt, vừa lâu dài đối với Vùng, Phó Thủ tướng yêu cầu, cần nghiên cứu cơ chế đặc thù cho sự phát triển bền vững của Vùng. Sự bình yên, ổn định phải là tiêu chí hàng đầu để cho phát triển Vùng. Nếu địa phương trong thực tiễn thấy những nội dung gì cần phân cấp, phân quyền thì kiến nghị với Trung ương; đồng thời, khi đã được Trung ương phân cấp, phân quyền thì cần mạnh dạn, quyết liệt triển khai hơn nữa.

Cần phải đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc, trong đó có phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ làm công tác dân tộc.

Cần quản lý rừng hiệu lực, hiệu quả hơn, bảo đảm xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa để giữ được rừng, người làm rừng sống được từ rừng và giàu lên rừng; cần chú trọng đến phát triển dược liệu dưới tán rừng và xử lý tốt các xung đột, mâu thuẫn giữa các ngành, các cấp trong quản lý rừng.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần phải đồng bộ hóa “quy hoạch” trên địa bàn Vùng, trên địa bàn các tỉnh, bảo đảm tính thống nhất, bao gồm cả các chỉ tiêu quy hoạch. Mục tiêu của quy hoạch là thúc đẩy sự ổn định, sự phát triển, không phải là rào cản.

Cần quan tâm đến phát triển nhân lực cho Vùng, không chỉ là nhân lực ở khu vực tư nhân mà còn ở ngay khu vực công.

"Đặc biệt chú ý đến “câu chuyện di dân tự do”, vừa phải bảo đảm đúng luật, đúng quyền con người, vừa phải bảo đảm có sự quản lý hiệu lực, hiệu quả, hạn chế được tác hại tiêu cực của hoạt động này", Phó Thủ tướng lưu ý.

Đối với các kiến nghị của các địa phương trong Vùng tới Trung ương, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải rõ hơn, cụ thể hơn, có lý lẽ, luận cứ hơn. Đồng thời, nếu có các mô hình hay cần xem xét nhân rộng, đánh giá. Các địa phương cần “mạnh dạn” hơn, “sáng tạo” hơn, “trăn trở” hơn trong việc tìm ra dư địa của cơ chế, chính sách hiện tại.

"Đa số các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, nhưng vẫn có một số ít địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, hoàn toàn đúng luật, ví dụ như Lào Cai. Các tỉnh cần phải học tập kinh nghiệm để vận dụng phù hợp, đúng pháp luật", Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Nhấn mạnh việc xây dựng Báo cáo Kinh tế - Xã hội là một quá trình liên tục từ nay đến Đại hội XIV của Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các báo cáo; một mặt để xây dựng các văn kiện phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, thành phố vào năm 2025; mặt khác để phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Đồng thời Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đồng chí trong Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tổ Biên tập tiếp tục đào sâu suy nghĩ, tiến hành tổng kết, đánh giá một cách bài bản, khoa học từ cấp cơ sở để đóng góp nhiều hơn nữa vào việc xây dựng các Văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng thành công tốt đẹp./.