Tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ về đấu thầu

Dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường, hôm nay (ngày 16/9), Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đây là nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, theo Văn phòng Quốc hội.

Trình bày Tờ trình dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc sửa đổi Luật có mục tiêu tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật; khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả; đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu…

Sửa Luật Đấu thầu nhằm nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, việc sửa đổi Luật Đấu thầu có mục tiêu đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư (ảnh: QH)

Nội dung của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách.

Thứ nhất, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu.

Thứ hai, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định về công khai thông tin theo hướng yêu cầu tất cả các thông tin trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, bao gồm cả thông tin về quá trình và kết quả thực hiện hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu phải được công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và khuyến khích đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sửa đổi, bổ sung quy định yêu cầu công khai nội dung, kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu; về trường hợp, điều kiện áp dụng đấu thầu quốc tế, đấu thầu nội khối; các trường hợp chỉ định thầu; lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Thứ ba, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu. Cùng với việc đẩy mạnh lộ trình đấu thầu qua mạng trong thời gian tới, thì thời gian tổ chức đấu thầu sẽ tiếp tục được rút ngắn do nhiều công việc, tác nghiệp sẽ được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia…

Thứ tư, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi nhóm lao động yếu thế nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Thứ năm, nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.

Đồng tình với sự cần thiết phải sửa Luật

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Các đại biểu cho biết, sau 8 năm thi hành, Luật Đấu thầu cùng với hệ thống văn bản hướng dẫn là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước trên nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư, mua sắm công, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua đã bộc lộ hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Do đó, các đại biểu kỳ vọng việc sửa đổi Luật lần này sẽ kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.

Sửa Luật Đấu thầu nhằm nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ nghiên cứu để tiếp thu tối đa các ý kiến tại phiên họp với mục tiêu giải quyết tốt nhất những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn (ảnh: QH)

Cùng chung mối quan tâm về đấu thầu qua mạng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh đều đánh giá cao, ủng hộ cần đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, cho rằng đây là bước tiến trong cải cách, đổi mới. Thực tế cho thấy phương thức đấu thầu qua mạng đã mang lại hiệu quả nhiều mặt, vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí và tính minh bạch, công khai trong đấu thầu được tăng cường, hạn chế sự can thiệp của con người. Để hình thức đấu thầu này phát huy hiệu quả hơn nữa, các đại biểu đề nghị bổ sung đánh giá, làm rõ vấn đề hạ tầng kỹ thuật, nhân lực vận hành mạng đấu thầu quốc gia và quy định có tính bắt buộc thực hiện đấu thầu qua mạng; quy định về cơ sở dữ liệu, cũng như công khai năng lực, kinh nghiệm, các gói thầu mà các nhà thầu đang thực hiện.

Kết luận phiên họp, ông Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ tổng hợp đầy đủ và nghiên cứu để tiếp thu tối đa các ý kiến tại phiên họp với mục tiêu giải quyết tốt nhất những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cán bộ thực hiện công tác đấu thầu trong thực hiện nhiệm vụ.

“Các ý kiến cũng là cơ sở để Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ trình UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề tháng 9/2022…”, ông Cường cho hay./.