Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh
Đảm bảo ATTP trong lưu thông hàng hóa
Theo báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, trong nửa đầu năm 2021, các địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan đã chú trọng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) ngay trong quá trình xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; triển khai chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo.
Điều đó đã khẳng định vai trò của công tác bảo đảm ATTP của ngành Công Thương trong khâu lưu thông hàng hóa trên thị trường, góp phần cung cấp giải pháp đồng bộ trong phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả.
Bộ Công thương đã chỉ định 29 cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước |
Trong công tác chỉ đạo điều hành và hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, việc duy trì được mạng lưới triển khai hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ngành Công Thương từ cấp Bộ đến địa phương, thực hiện đầy đủ công tác báo cáo định kỳ tới Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm và phối hợp liên ngành chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan đã giúp Bộ Công Thương kịp thời phát hiện, xử lý các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc của các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương và các tổ chức/cá nhân có liên quan trong bối cảnh ứng phó với dịch bệnh Covid 19 và duy trì phát triển sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiếp tục được hoàn thiện để triển khai hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Việc Bộ chủ động, phối hợp thực hiện rà soát, hệ thống hóa thường xuyên cũng như theo chuyên đề, lĩnh vực các văn bản quy phạm pháp luật kịp thời, đúng tiến độ cũng góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Với mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu.
Lũy tích đến nay, Bộ Công Thương đã chỉ định 29 cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, trong đó có 13/29 cơ sở ngoài công lập; chỉ định/ủy quyền 11 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu, trong đó 6/11 cơ quan kiểm tra ngoài công lập; chỉ định 03 cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng. Hoạt động này đã phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm.
Kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm
Đặc biệt, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành 03 văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương/Ban Quản lý An toàn thực phẩm: Bắc Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý an toàn thực phẩm.
Kết quả, các Kế hoạch của Ban chỉ đạo cho thấy việc thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ được chính quyền các cấp của 08 tỉnh được kiểm tra (Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, Hưng Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nam Định và Thái Bình) tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm. Việc tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp được kiện toàn, đồng thời ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo theo đúng yêu cầu của Thủ tướng tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016. Việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn địa bàn được phân công quản lý, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm. Trong thời gian triển khai các dịp cao điểm về an toàn thực phẩm năm 2021, trên địa 08 tỉnh nêu trên không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Gắn kết quản lý nhà nước về ATTP với công tác quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid còn diễn biến phức tạp, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống tốt dịch bệnh Covid-19 vừa duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh, trong thời gian tới, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý nhà nước về ATTP với công tác quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường, bình ổn thị trường, cân đối cung cầu, nâng cao năng suất chất lượng ngành Công thương và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Đông thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm hài hòa với các chuẩn mực quốc tế; tiếp tục thống kê, cập nhật đầy đủ, chính xác dữ liệu và tính chi phí tuân thủ, rà soát, đánh giá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên hệ thống phần mềm Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ theo phạm vị chức năng được phân công.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh về tác hại của việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Thông qua các phương tiện truyền thông kịp thời đưa tin tình hình kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định của luật pháp cũng như phê phán nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, phối hợp các nước trong kiểm tra tại nguồn; phối hợp với các Bộ, ngành kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm trong bối cảnh Covid-19./.
Bình luận