Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức, ngày 8/10. Diễn đàn nhằm tìm ra những sáng kiến, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường liên kết, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Toàn cảnh diễn đàn.

Nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển ngành nông nghiệp

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua có bước phát triển tích cực với tốc độ phát triển nhanh, mở rộng được thị trường xuất khẩu... Khoảng 3 năm trở lại đây, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tăng nhanh.

Đến năm 2019, Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu nông sản. Cùng với doanh nghiệp nông nghiệp, nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Đây là những nhân tố tạo ra sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong phát triển doanh nghiệp, liên kết sản xuất, đến hết tháng 9/2019, cả nước có 1.478 mô hình chuỗi, tăng 660 mô hình so với cùng kỳ 2018; 1.462 sản phẩm và 3.267 địa điểm bán sản phẩm nông sản kiểm soát an toàn theo chuỗi tại 63/63 tỉnh, thành phố.

Đồng thời, cả nước có hơn 14.810 hợp tác xã nông nghiệp, phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ có 11.250 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; trên 7.000 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô công nghiệp; hơn 25.500 hộ tham gia liên kết sản xuất với các đơn vị sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP và hơn 619.000 hô tham gia liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn...

Ông Nguyễn Quốc Toản cũng cho hay, nông sản Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang 185 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới. Việt Nam cũng đã tham gia và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, qua đó tạo thêm nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông sản. Tính trong 9 tháng năm 2019, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 30,2 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ.

Thực tế cho thấy, nhu cầu về lương thực, thực phẩm của thế giới là rất lớn và ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hơn nữa sản phẩm của mình bằng cách tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bà Phạm Hoàng Vân, Chuyên gia Tổ chức Tài chính Quốc tế, Ngân hàng Thế giới cho biết, nhu cầu của thế giới về lương thực sẽ tăng từ 70%-100% cho đến năm 2050 do dân số tăng và do sự thay đổi trong lựa chọn ăn uống của người dân. Do đó, nông sản Việt cần nắm bắt cơ hội, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nông sản Việt vẫn chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, Việt Nam là quốc gia mạnh về lĩnh vực nông nghiệp do có nhiều lợi thế trong sản xuất các mặt hàng nông sản mà thế giới cần. Dù vậy, nông sản Việt Nam vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh. Thực tế, nông sản Việt chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu mà mới chỉ dừng lại ở mức cung sản phẩm đầu vào, phần giá trị gia tăng thấp do khâu chế biến, bao gói... chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, về tín dụng ngân hàng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản còn nhiều vướng mắc.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay, việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ được xem là động lực then chốt cho sự phát triển của nền nông nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu, số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều, hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ. Hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến. Điều này gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi.

Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp lại luôn tiềm ẩn rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp nông nghiệp còn khó khăn.

Đứng về phía doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, Trung An là một trong những doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo xuất khẩu các thị trường: Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Đức, Hàn Quốc, Philippine, Australia... Loại gạo Công ty xuất khẩu chủ yếu là loại gạo thơm, chất lượng cao. Mô hình liên kết chuỗi sản xuất lúa gạo đã chứng minh được hiệu quả kinh tế và rất cần thiết, thế nhưng lại không thể phát triển nhân rộng ra được, thậm chí những vụ lúa gần đây diện tích cánh đồng liên kết ở các địa phương lại có xu hướng giảm dần. Nguyên nhân là do các chuỗi liên kết thiếu vốn, thiếu nguồn lực chính để mở rộng. Đây là một trong những rào cản lớn của ngành sản xuất lúa gạo nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia

Chính vì vậy, để khuyến khích các chuỗi phát triển, trong đó có chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, ông Phạm Thái Bình cho rằng, Chính phủ cần có phương án vốn thực hiện cánh đồng liên kết trồng lúa. Có như vậy, ngành lúa gạo của Việt Nam mới phát triển theo hướng gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế. Với 6 triệu tấn gạo xuất khẩu hiện nay chỉ thu được 2,5-3 tỷ USD khi thực hiện liên kết, thì chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam có thể thu được khoảng 5 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Trung, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để đẩy mạnh việc tăng cường liên kết, nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị nông sản trên cả nước, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, làm thay đổi thói quen của các hợp tác xã, tổ hợp tác, người sản xuất trong việc sản xuất, gắn với nhu cầu của thị trường. Sản xuất các sản phẩm an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường để ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bền vững.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân thông qua các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, về các điều kiện để nông sản thực phẩm vào kênh phân phối hiện đại.

Đồng thời, tiến hành rà soát, bổ sung, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách, như: tiếp cận vốn tín dụng, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách khuyến khích liên kết, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn sản phẩm an toàn; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm.

Bổ sung ý kiến, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia; phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc đáp ứng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập. Song hành với đó là việc cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đứng về phía ngân hàng, theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, để thúc đẩy tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản, cần nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản đảm bảo, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nông nghiệp./.