10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ

Cơ quan thống kê quốc gia cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 10/2024 ước đạt 545,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,0% và nhóm phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 21,4%.

Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 12,5% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 14,2% (Hình 1).

Hình 1: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành

Tháng 10/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 2,4%
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.246,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,6% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,3%) (Hình 2).

Hình 2: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 10 tháng các năm 2020-2024

Tháng 10/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 2,4%
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Cụ thể, trong 10 tháng năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.048,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,2% tổng mức và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 8,0%; may mặc tăng 8,7%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 7,5%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 6,6%. Mức tăng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Quảng Ninh tăng 9,6%; Hải Phòng tăng 9,5%; Thừa Thiên - Huế tăng 8,1%; Cần Thơ tăng 7,6%; Đà Nẵng tăng 7,5%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 602,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có mức tăng khá như: Khánh Hòa tăng 17,1%; Hải Phòng tăng 13,1%; Cần Thơ tăng 11,6%; Bình Dương tăng 8,0%.

Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 50,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có mức tăng điển hình như: Cần Thơ tăng 31,2%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 15,9%; Khánh Hòa tăng 15,4%; Bình Định tăng 11,9%; Hà Nội tăng 9,8%; Đà Nẵng tăng 6,1%.

Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 545,0 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng mức và tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác 10 tháng năm 2024 của một số địa phương như sau: Bình Định tăng 20,0%; Vũng Tàu tăng 13,7%; Cần Thơ tăng 11,7%; Hưng Yên giảm 9,9%; Đà Nẵng giảm 0,7%.

Đáng chú ý, chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. Qua đó góp phần tích cực vào mức tăng chung của toàn ngành thương mại bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Cụ thể, trong tháng 10/2024, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,42 triệu lượt người, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 14,1 triệu lượt người, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân

Để phát triển mạnh thương mại nội địa, khai thác có hiệu quả thị trường trong nước, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng. Triển khai Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... nhằm bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng./.