Theo đó, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp và số lao động đăng ký của doanh nghiệp mới cũng giảm theo. Cụ thể, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 10,1 tỷ đồng, giảm 5,8% so với tháng trước; Số lao động đăng ký là 88.595 lao động, giảm 1,5%.

Tuy nhiên, tính chung 11 tháng đầu năm 2017, thì số doanh nghiệp thành lập mới vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, có 116.045 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.131.819 tỷ đồng, tăng 14,1% về số doanh nghiệp và tăng 41,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2017 đạt 9,8 tỷ đồng, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng qua là 1.065.015 lao động, giảm 8,0% so với cùng kỳ năm trước.

Theo vùng, lãnh thổ, Trung du và miền núi phía Bắc đều có số doanh nghiệp đăng ký, số vốn đăng ký và số lao động đăng ký tăng ở cả 3 chỉ tiêu so với cùng kỳ năm 2016; trong khi đó, vùng Đồng bằng sông Hồng chỉ tăng ở số lượng doanh nghiệp; các vùng còn lại chỉ tăng về số lượng và số vốn đăng ký.

So sánh số lượng doanh nghiệp giữa các vùng cho thấy, Đông Nam Bộ có số doanh nghiệp gia nhập thị trường cao nhất là 49.255 doanh nghiệp, chiếm 42,4%; tiếp đó là vùng Đồng bằng sông Hồng có 34.886 doanh nghiệp, chiếm 30,1%; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 15.759 doanh nghiệp, chiếm 13,6%; Đồng bằng Sông Cửu Long có 8.290 doanh nghiệp, chiếm 7,1%; Trung du và miền núi phía Bắc có 4.884 doanh nghiệp, chiếm 4,2% và Tây Nguyên có lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp nhất so với các vùng khác với 2.971 doanh nghiệp, chiếm 2,6%.

Như vậy, trong 11 tháng đầu năm, Đông Nam Bộ là vùng có số lượng doanh nghiệp đăng ký nhiều nhất so với cả nước là 49.255 doanh nghiệp nhưng xét về tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp gia nhập thị trường so với cùng kỳ năm 2016 thì vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ cao nhất là 26,8%.

Theo lĩnh vực hoạt động, trong 11 tháng qua lượng doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở những ngành nghề, như: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa, ô tô, xe máy; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Xây dựng; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác... (Bảng 1).

Qua xem xét về số lượng và tốc độ gia tăng về số doanh nghiệp cho thấy, ngành Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có số lượng doanh nghiệp đăng ký nhiều nhất so với cả nước, nhưng xét về tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp của ngành nghề so với cùng kỳ năm 2016 thì ngành Kinh doanh bất động sản có tỷ lệ cao nhất là 60,5%.

Trong 11 tháng qua, cả nước cũng có 24.349 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, tập trung ở các ngành, như: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 9.361 doanh nghiệp, chiếm 38,4%; Xây dựng có 3.654 doanh nghiệp, chiếm 15,0%; Công nghiệp chế biến, chế tạo có 3.133 doanh nghiệp, chiếm 12,9%; Vận tải kho bãi có 1.334 doanh nghiệp, chiếm 5,5%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống có 1.310 doanh nghiệp, chiếm 5,4%; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác có 1.255 doanh nghiệp, chiếm 5,2%; Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác có 1.211 doanh nghiệp, chiếm 5,0%.

Về số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, cả nước có 20.821 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2016 và có 34.843 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

Về số doanh nghiệp giải thể, cả nước có 10.814 doanh nghiệp, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,6% trên tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước (Bảng 2).

Thống kê cũng cho thấy, số doanh nghiệp giải thể chủ yếu là ở những vùng như vùng Đông Nam Bộ có 3.902 doanh nghiệp, chiếm 36,1%; vùng Đồng bằng sông Hồng có 1.998 doanh nghiệp, chiếm 18,5%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 1.775 doanh nghiệp, chiếm 16,4% và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 1.618 doanh nghiệp, chiếm 15,0%.

Còn theo lĩnh vực hoạt động, số doanh nghiệp giải thể tập trung chủ yếu ở những ngành kinh tế, như: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 4.146 doanh nghiệp, chiếm 38,3%; Công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.409 doanh nghiệp, chiếm 13,0%; Xây dựng có 1.143 doanh nghiệp, chiếm 10,6%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống có 674 doanh nghiệp, chiếm 6,2%...

Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể trong 11 tháng đầu năm 2017 giảm ở 04 ngành so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Thông tin và truyền thông có 317 doanh nghiệp, giảm 15,0%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 317 doanh nghiệp, giảm 8,4%; Hoạt động dịch vụ khác có 172 doanh nghiệp, giảm 6,5% và Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác có 483 doanh nghiệp, giảm 3,4%. Các ngành, nghề còn lại đều có số doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2016./.