Thanh khoản 1 tỷ USD/phiên, Bộ Tài chính thuê FPT giải quyết tình trạng nghẽn lệnh
Bộ Tài chính chọn thuê dịch vụ công nghệ, chờ dự án KRX hoàn tất
Còn 1 tháng nữa là đến cái hẹn 3 tháng, FPT khẳng định với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (hiện nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội) về khả năng sẽ xử lý được tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HOSE bằng công nghệ trong nước. Cụ thể, phương án FPT cùng các Sở GDCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) bàn tính khi đó là mua mới phần cứng cho HOSE, đồng thời sử dụng phần mềm của hệ thống công nghệ tại sàn HNX, để thay thế tạm thời cho hệ thống giao dịch tại HOSE, chờ ngày hệ thống tổng thể (KRX) được hoàn tất và vận hành. 2 tháng sau cuộc họp bàn về cách thông lệnh trên HOSE, thông tin về phương án xử đã được Bộ Tài chính chia sẻ vào ngày 4/5/2021 vừa qua.
Cụ thể, trả lời nhà đầu tư về nguyên nhân dẫn đến sự quá tải và nghẽn lệnh vừa qua, Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân chính là do thanh khoản thị trường tăng trưởng quá nhanh trong khi năng lực xử lý của hệ thống giao dịch hiện tại có giới hạn.
Bộ Tài chính (UBCK) nhận định việc thay thế sang hệ thống giao dịch mới để đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng tăng của thị trường là nhu cầu cấp thiết, nên đã yêu cầu SGDCK TP. HCM và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin thị trường chứng khoán mới (dự án KRX) vào hoạt động. Theo kế hoạch, dự án này đã có thể hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến việc chuyên gia nước ngoài có mặt đầy đủ đúng thời hạn triển khai công việc nên tiến độ dự án bị kéo dài.
Trong thời gian chờ hệ thống mới, Bộ Tài chính đã quyết định lựa chọn phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin do Tập đoàn FPT cung cấp; phương án này hiện đang được gấp rút triển khai, khi hoàn thành sẽ giải quyết được triệt để tình trạng nghẽn lệnh.
Bộ Tài chính cũng cho biết, giải pháp nâng lô giao dịch lên 100 cổ phiếu là giải pháp tạm thời để giải quyết sự cố, giảm thiểu tình trạng nghẽn lệnh và hạn chế thiệt hại cho đại đa số nhà đầu tư trên thị trường, có lợi cho tổng thể thị trường. Nhà đầu tư có thể thỏa thuận với các công ty chứng khoán để bán các cố phiếu lô lẻ (nếu có). Hiện nay, Bộ Tài chính (UBCK) chưa có phương án tiếp tục nâng lô giao dịch. Sau khi phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin hoàn tất và đi vào hoạt động, Bộ Tài chính (UBCK) sẽ sớm khôi phục môi trường đầu tư, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư và thành viên thị trường.
Bộ Tài chính mong nhà đầu tư ủng hộ và cùng chung tay để thị trường sớm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, hướng tới một thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới.
Tiền tiếp tục dồn vào chứng khoán, ghi nhận 3,14 triệu tài khoản đầu tư
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, tính đến cuối tháng 4/2021, TTCK Việt Nam có 3,14 triệu tài khoản chứng khoán, riêng tháng 4, có thêm 111.000 tài khoản mới được mở để tham gia đầu tư chứng khoán tại Việt Nam. Bên cạnh dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước, dòng vốn từ quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF đổ mạnh vào TTCK Việt Nam (xem bảng).
Đại dịch Covid-19 khiến thế giới chứng kiến nhiều chuyển động ngược quy luật. Trong bức tranh chung của thị trường tài chính quốc tế, nhiều thị trường cũng có sự bùng nổ về thanh khoản và điểm số. Dẫn đầu đà tăng trong khu vực là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… Dòng tiền mạnh mẽ đổ vào các tài sản tài chính, vượt qua mối lo ngại “Sell in May and go away” và cả khoảng trống thông tin của thị trường. Trên TTCK Việt Nam, các rủi ro như nguy cơ dịch COVID-19 lan rộng, lạm phát được dự báo tăng cao hay tỷ trọng tiền vay trong đầu tư chứng khoán ngày càng lớn (hiện đạt trên 100.000 tỷ đồng)… đã không tạo ra nỗi sợ hãi đáng kể nào trong tâm lý nhà đầu tư.
Quan sát của chuyên gia MBS cho biết, tâm lý nhà đầu tư đang rất mạnh mẽ bất chấp dịch Covid-19 trong nước đang lan rộng và hiệu ứng bán của thị trường tháng 5 như thường kỳ. Dòng tiền lúc này vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu được hưởng lợi từ chu kỳ tăng giá của hàng hóa cơ bản.
Tuy nhiên, dự báo thị trường tăng đến bao giờ và tương lai sẽ ra sao luôn là một câu hỏi khó. Hầu hết các tổ chức tài chính trung gian đều chọn cách khuyên nhà đầu tư tập trung tìm hiểu doanh nghiệp, nếu có niềm tin và sự kỳ vọng doanh nghiệp sẽ trụ vững và đi bền trong môi trường kinh doanh “sống chung với Covid-19” thì hãy nên rót tiền đầu tư./.
Bình luận