Tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, chiều ngày 7/4, Phó Trưởng ban thường trực Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là Phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo sau nhiều năm gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, và cũng là phiên họp đầu tiên do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo trực tiếp chủ trì.

Tháo gỡ các rào cản, tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân, hợp tác xã phát triển
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo trực tiếp chủ trì phiên họp. Ảnh: Lê Tiên

Khu vực KTTT đã có nhiều chuyển biến tích cực

Bộ trưởng cho biết, năm 2023 là năm cả nước tập trung triển khai quyết liệt nhiều nhiệm vụ giải pháp quan trọng về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) đã được đề ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIII để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” và triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ban hành kèm theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ, trong năm 2022, Ban Chỉ đạo đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, nhất là chỉ đạo các cơ quan liên quan, cùng thành viên của Ban Chỉ đạo bám sát quan điểm, định hướng của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ để khẩn trương tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng như Nghị quyết số 20, Kế hoạch số 10 của BCH Trung ương; Nghị quyết số 09 của Chính phủ; xây dựng và trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi, tổ chức nhiều Hội nghị quan trọng, có ý nghĩa lớn trong chỉ đạo điều hành và truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội như: Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012; Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022.

Các hội nghị này do Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng chủ trì, thể hiện sự quan tâm đặc biệt cũng như nhận được sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Chính phủ đối với khu vực KTTT, HTX.

“Trong những năm qua khu vực KTTT nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động”, Bộ trưởng nhận định.

Năm 2022 là năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX), là năm thứ hai triển khai Chiến lược, Kế hoạch 5 năm và nhiều chương trình, đề án hỗ trợ phát triển KTTT, HTX. Đặc biệt, sự ra đời của Nghị quyết số 20 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới đã đánh dấu tư duy đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT, HTX.

Tháo gỡ các rào cản, tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân, hợp tác xã phát triển
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn các thành viên tham gia phiên họp sẽ tập trung xác định đúng hướng đi, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ các rào cản, tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực KTTT, HTX phát triển như Đảng, Nhà nước đã đề ra. Ảnh: Lê Tiên

Báo cáo Công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, năm 2022, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX đã tích cực nghiên cứu, chỉ đạo, tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển KTTT trên tất cả các ngành, lĩnh vực.

Tháo gỡ các rào cản, tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân, hợp tác xã phát triển
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, năm 2022, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX đã tích cực nghiên cứu, chỉ đạo, tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển KTTT trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Ảnh: Đức Trung/MPI

Hiện nay, cả nước có 29.378 hợp tác xã, 125 liên hiệp HTX và 71.000 tổ hợp tác (THT), tăng khoảng 7%) về số HTX, 117% về liên hiệp HTX và giảm 3% về số THT so với năm 2021. Các HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, với 19.500 HTX (chiếm 66,4%) và gần 10 nghìn HTX phi nông nghiệp.

Tổng số thành viên khu vực kinh tế tập thể là gần 8 triệu thành viên, với trên 5,9 triệu thành viên của HTX, 851 HTX thành viên của liên hiệp HTX và trên 1 triệu thành viên THT. Tổng số lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 976,3 nghìn người.

Nhìn chung các chỉ tiêu về kết quả hoạt động của HTX, LHHTX và THT đều tăng so với năm trước, do năm 2022, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và người dân khôi phục sản xuất - kinh doanh được Chính phủ triển khai thực hiện.

So với năm 2021, doanh thu bình quân HTX đạt 3.592 triệu đồng, tăng 35%; Lãi bình quân của 01 HTX 366 triệu đồng (tăng 152 triệu đồng, khoảng 71%; thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX là 56 triệu đồng/người (tăng 4 triệu đồng, tăng khoảng 8%).

Tổng số cán bộ quản lý HTX ước đạt gần 140 nghìn người, tăng khoảng 28% so với năm 2021, trong đó số cán bộ đạt trình độ sơ, trung cấp đạt trên 53 nghìn người (chiếm 37,8%), số cán bộ đạt trình độ cao đẳng, đại học là 28,2 nghìn người (chiếm 20,16%).

Quý I/2023, cả nước tiếp tục thành lập mới 562 HTX, giải thể 31 HTX nâng tổng số HTX cả nước lên 29.909 HTX. Các tỉnh, thành phố có số HTX thành lập mới tiêu biểu như: Hà Nội (31 HTX), Bắc Giang (26 HTX) và Thái Nguyên (25 HTX).

Điều đáng lưu ý là, cả nước có khoảng 35.000 THT, 19.500 HTX và 91 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thu hút gần 3,8 triệu thành viên và trên 1,5 triệu lao động (trong đó có 357.107 lao động là thành viên HTX). Doanh thu bình quân khoảng 2,3 tỷ đồng, lãi bình quân khoảng 378 triệu đồng 1 HTX. Thu nhập bình quân của lao động đạt 50 triệu đồng/1 năm.

Đến năm 2022, có 2.297 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp; 2.535 HTX ứng dụng công nghệ cao và 2.340 HTX công nghệ số trong sản xuất. Đặc biệt, đã có trên 4.339 HTXNN, chiếm 24,5% tổng số HTX nông nghiệp toàn quốc thực hiện bao tiêu nông sản, tăng cao so với tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5-7%.

Cũng trong năm 2022, cả nước có khoảng 36.000 THT, 9.878 HTX và 33 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực lĩnh vực phi nông nghiệp.

Tính đến hết năm 2022, cả nước có gần 30 nghìn HTX (tăng hơn 2 nghìn HTX tương ứng 7% so với năm 2021), 125 liên hiệp HTX (tăng 18 liên hiệp HTX - khoảng 17% so với năm 2021) và 71.000 tổ hợp tác; các chỉ tiêu về kết quả hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác đều tăng so với năm 2021.

Nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT còn nhiều khó khăn

“Tuy nhiên, khu vực KTTT của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra”, Bộ trưởng nói và thẳng thắn nhìn nhận, nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng và Nhà nước; năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế.

Trong bối cảnh mới, phong trào HTX còn gặp nhiều khó khăn và thách thức trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường ngày càng khốc liệt; bất ổn chính trị leo thang; biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, phức tạp, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra rất nhanh ở khắp cả nước; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi HTX phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng...

"Vì vậy, hôm nay chúng ta cùng ngồi lại để đánh giá kết quả công tác trong năm 2022 của Ban Chỉ đạo, đồng thời cùng nhau thảo luận, xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2023", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ và kỳ vọng các thành viên tham gia phiên họp sẽ tập trung xác định đúng hướng đi, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ các rào cản, tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực KTTT, HTX phát triển như Đảng, Nhà nước đã đề ra và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động các tổ chức kinh tế hợp tác trong thời gian tới.

Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện và cụ thể hóa toàn diện Nghị quyết số 20-NQ/TW

Tại phiên họp, chuyên gia Chu Tiến Quang cho rằng, cần tập trung vào tính xã hội của HTX, trong khi "chúng ta cứ tập trung hỗ trợ tài chính, thuế... như các doanh nghiệp khác.

Ông Quang chỉ rõ, cái khó hiện nay là nhiều người đang không hiểu sở hữu tập thể là gì, sao phải phát triển sở hữu tập thể là gì?

"Khi nói đặc điểm riêng của HTX, thì phải lưu ý tới tính kép, có thành viên mang tính kép, có thành viên chính và thành viên liên kết. Trong đó, thành viên liên kết nhằm tạo ra thị trường nội bộ. Nhưng chúng ta không thể phát triển được điều này, nên HTX cứ bé tý", ông Quang chỉ rõ.

Một vấn đề khác, theo ông Quang, đó là HTX có chức năng kép gồm chức năng kinh tế và chức năng xã hội. Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, do quan điểm về chức năng này không rõ ràng, nên khi đưa ra các chính sách hỗ trợ, thì không phát huy được.

Ông Quang cũng chỉ rõ, dù trong Luật, thì chính sách HTX được quy định với dung lượng một chương, nhưng lại không có điều khoản nào về cam kết của HTX khi được hỗ trợ chính sách.

Đặc biệt, vị chuyên gia này cho rằng, cần có quan điểm là HTX phải làm chủ các chuỗi, chứ không phải chỉ tham gia chuỗi, để HTX chủ động và phát triển lớn mạnh.

"Nên thành lập cả ban chỉ đạo địa phương, bởi rất nhiều người không hiểu về KTTT, về HTX", ông Quang đề xuất thêm.

Với những yêu cầu đặt ra, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện và cụ thể hóa toàn diện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ ban hành và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và các chương trình, kế hoạch thực hiện ở các bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy. Bên cạnh đó, khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác sẽ được nghiên cứu hoàn thiện.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Ban Chỉ đạo kiến nghị ngành cần theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Mặt khác, Kế hoạch và Đầu tư cần hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cũng như chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định 1804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Bên cạnh việc hoàn thiện và và trình Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ban Chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xây dựng và công bố Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam và tổ chức Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong năm nay.

Thứ trưởng cũng đề xuất việc xây dựng, quảng bá tốp 300 HTX điển hình hàng năm. Đây là cơ sở để các HTX trên cả nước được truyền cảm hứng về các cách làm hay để nâng cao năng lực, thích ứng với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ông Trung cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn địa phương triển khai hiệu quả các đề án đã ban hành như: Đề án thí điểm phát triển vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ chế biến và tiêu thụ giai đoạn 2021-2025, Đề án phát triển HTX thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

Giải quyết một trong những điểm được cho là "nghẽn" trong việc phát triển HTX là nguồn vốn, Thứ trưởng Trung đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các quỹ tín dụng nhân dân xuống 10%, miễn thuế lợi tức vốn góp của thành viên.

Tháo gỡ các rào cản, tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân, hợp tác xã phát triển
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận và đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Thường trực Ban Chỉ đạo – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của Văn phòng đổi mới, phát triển KTTT, HTX... trong việc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KTTT. Ảnh: Đức Trung/MPI

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận và đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Thường trực Ban Chỉ đạo – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của Văn phòng đổi mới, phát triển KTTT, HTX cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo trong việc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KTTT.

"Đặc biệt Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 16/6/2022 do Ban Chỉ đạo tham mưu ban hành đã một lần nữa khẳng định khẳng định và củng cố các chủ trương, đường lối phát triển KTTT, HTX của Đảng và Nhà nước, khẳng định vị trí, vai trò của thành phần KTTT phù hợp với yêu cầu và tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta hiện nay", Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo cần tiếp tục phát huy các kết quả, thành tích đạt được để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn công tác đổi mới, phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng yêu cầu, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tích cực kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTTT, HTX thuộc Bộ, ngành, địa phương phụ trách; Tiếp tục phát hiện, nắm bắt từ thực tiễn các mô hình KTTT, HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả để tổng kết, rút kinh nghiệm và phổ biến, nhân rộng.

"Nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù cho KTTT theo tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW để từng bước thể chế thành các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy sự phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, KTTT, HTX là mô hình kinh tế của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, là con đường để đưa nhân dân đến gần hơn với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội. Phát triển mạnh mẽ KTTT, HTX chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

"Với những tín hiệu mới đang tác động lớn tới phong trào HTX, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các HTX, tôi tin tưởng trong thời gian tới KTTT, HTX ở nước ta sẽ phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam", Phó Thủ tướng kỳ vọng./.