Thêm doanh nghiệp niêm yết, thêm áp lực đổi mới nền tảng giao dịch tại HOSE
Công ty cổ phần Clever Group (Clever Group) được thành lập vào tháng 08/2008, với vốn điều lệ ban đầu là 400 triệu đồng. Sau nhiều lần điều chỉnh, hiện nay vốn điều lệ của công ty đạt trên 180 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính của Clever Group là dịch vụ công nghệ thông tin và các dịch vụ liên quan đến máy vi tính, quảng cáo và hoạt động tư vấn quản lý. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất trong bản cáo bạch, doanh thu thuần của Clever Group năm 2018, 2019 lần lượt đạt hơn 335 tỷ và 362 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt hơn 20 tỷ và 40 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 247 tỷ đồng tương ứng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 20 tỷ đồng. Tổng giá trị chứng khoán niêm yết của cổ phiếu ADG đạt 180.003.330.000 đồng, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 64.900 đồng/cổ phiếu.
Việc đưa chứng khoán lên niêm yết trên HOSE sẽ mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp: lợi thế tiếp cận vốn, nâng cao uy tín và thương hiệu... Với vai trò là đơn vị vận hành thị trường, HOSE luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ của các công ty niêm yết, đặc biệt là nghĩa vụ công bố thông tin, cập nhật các quy định, chính sách liên quan đến thị trường chứng khoán, tham dự các chương trình đào tạo và cập nhật các thông lệ quốc tế tốt về quản trị công ty, phát triển bền vững.
Tính đến ngày 29/01/2021 tại HOSE có 397 cổ phiếu, 03 chứng chỉ quỹ đóng, 7 chứng chỉ quỹ ETF, 118 chứng quyền có bảo đảm và 33 trái phiếu doanh nghiệp giao dịch. Tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết đạt hơn 101 tỷ cổ phiếu, giá trị vốn hóa cổ phiếu đạt hơn 3,9 triệu tỷ đồng tương đương gần 94% giá trị vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu niêm yết; đạt khoảng 62,7% GDP năm 2020 (GDP hiện hành).
Liên quan đến câu chuyện thị trường, với việc tái cấu trúc sàn niêm yết, chuyển giao dịch cổ phiếu sang sàn HOSE tới đây, số lượng doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn HOSE dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2021. Số doanh nghiệp lên sàn tăng sẽ kéo theo thanh khoản tại sàn HOSE tăng tương ứng. Thực tế này tiếp tục đặt ra yêu cầu hệ thống công nghệ giao dịch tại HOSE phải sớm đổi mới, để đáp ứng được yêu cầu thông suốt trong giao dịch, tránh tình trạng nghẽn lệnh khi thanh khoản đạt mức cao như hiện nay.
Người đứng đầu HOSE, ông Lê Hải Trà, Phụ trách điều hành Hội đồng đồng quản trị HOSE cho biết, HOSE nỗ lực tối đa cho việc hoàn thiện hệ thống giao dịch mới. Trong thời gian chờ việc này, HOSE tính đến phương án nâng đơn vị giao dịch lô tối thiểu, từ mức 100 cổ phiếu hiện nay lên 1.000 cổ phiếu, để giảm số lệnh vào hệ thống. Các lệnh giao dịch nhỏ hơn 1.000 cổ phiếu sẽ chuyển sang hình thái giao dịch giữa nhà đầu tư với công ty chứng khoán (giao dịch lô lẻ). Cùng với phương án này, từ thị trường, một số ý kiến cho rằng, nhà quản lý nên tính giải pháp nâng bước giá trên sàn HOSE và hạn chế tình trạng giao dịch robot (chẻ nhỏ lệnh) để đường tải lệnh thông thoáng hơn, không bị nghẽn khi thanh khoản lớn.
Được biết, những ý tưởng trên đều được nhà quản lý xem xét để có giải pháp phù hợp khi cần thiết. Trong cuộc trao đổi với báo chí gần đây, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng khẳng định, đối diện với một năm nhiều yếu tố bất định như 2021, ngành chứng khoán quyết giữ 2 giá trị ổn định, đó là sự minh bạch và giao dịch thông suốt trên thị trường./.
Bình luận