Giá cà phê Robusta trên sàn giao dịch ICE Futures Europe (London)

Tại Việt Nam, giá cà phê có giá bán vào ngày 28/8 dao động từ 36.200-36.500 VND/kg, dù có tăng nhẹ so với đầu tuần này nhưng giảm nhiều so với mức 38.000-38.200 VND/kg vào đầu tháng 8/2015.

Với tình hình giá cà phê trong nước đang xuống, nhiều nhà trồng cà phê và nhiều đại lý thu mua cà phê nhỏ trên khắp cả nước, hiện vẫn còn số lượng lớn tồn kho, không muốn bán ra, theo một thương nhân thuộc một công ty nước ngoài ở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay. Cũng theo thương nhân này, nông dân muốn giá cà phê vượt mức 38.000 VNĐ/kg mới quyết định có bán hay không.

Trong phiên giao dịch ngày 27/8, phí bảo hiểm loại cà phê Robusta đen vỡ 2,5% của Việt Nam hợp đồng giao tháng 11 dao động từ 75 đến 80 USD/tấn, cao hơn so với mức 40-50 USD/tấn của một tuần trước đó (20/8).

Theo thông tin từ chính phủ công bố vào ngày 26/8, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8 có thể giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 90.000 tấn (1,5 triệu bao loại 60kg), dưới mức kỳ vọng của thị trường là 1,67 - 2,0 triệu bao.

Dựa trên ước tính đó, xuất khẩu của Việt Nam trong niên vụ 2014/2015 (từ tháng 10/2014-09/2015) vào khoảng 19,53 triệu bao, giảm 22% so với niên vụ 2013/2014. Cho tới nay, lượng xuất khẩu niên vụ 2014/2015 đã chiếm 72% tổng sản lượng 27,2 triệu bao mà Reuters dự báo cho toàn niên vụ.

Niên vụ mới 2015/2016 của Việt Nam sẽ bắt đầu từ 1/10/2015, với việc thu hoạch rộ sẽ diễn vào cuối tháng 11, đầu tháng 12.

Giới chuyên gia dự báo rằng có thể trong hai tháng tới trước thời điểm thu hoạch rộ, nông dân có thể thanh lý bớt lượng hàng tồn kho cho dù không được giá đi chăng nữa.

Cũng theo giới chuyên gia, Việt Nam đang bị thâm hụt thương mại 3,62 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm nay, vì thế chính phủ sẽ tạo nhiều cơ chế thoáng hơn trong xuất khẩu để tăng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu cà phê.

Nhưng cũng có chuyên gia cho rằng điều đó sẽ khó xảy ra, cho dù có giảm bớt tồn kho để trữ hàng mới đi chăng nữa thì khối lượng cũng không đáng kể vì nông dân không muốn bán giá thấp.

Tại Indonesia, tình hình thu hoạch đã chậm lại vào cuối tháng này và lượng cà phê thu hoạch trong niên vụ này đã được người trồng cà phê bán hết cho các nhà chế biến trong nước hoặc cho các nhà xuất khẩu.

Cà phê Robusta loại 4 của Indonesia giao tại cảng đã giảm xuống 1.630-1.650 USD/tấn, từ mức 1.700-1.720 USD/tấn vào thứ Năm tuần trước (20/8).

Trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch ngày 27/8, giá cà phê giao dịch tại sàn ICE đã nhích lên nhờ lực mua mạnh từ các nhà thu mua cà phê khi giá vẫn đang còn ở mức thấp và quan ngại về thiếu hụt nguồn cung gia tăng.

Công ty giao dịch Volcafe có trụ sở tại Thụy Sĩ cũng đưa ra dự báo sản lượng cà phê của Brazil trong mùa vụ 2015/2016 chỉ đạt 48,3 triệu bao, giảm từ mức 51,9 triệu bao mà cơ quan này từng ước tính trước đó.

Giá cà phê arabica giao tháng 12 đóng cửa phiên tăng 2,35 cent/lb tức tăng 1,9% đạt mức 124,55 cent/lb, phục hồi từ mức yếu nhất kể từ tháng 1/2014 đạt được ở phiên trước đó. Giá cà phê robusta giao tháng 11 tăng 26 USD/tấn tức tăng 1,6% đạt mức 1641 USD/tấn.

Sự phục hồi mạnh của giá cà phê trong ngày giao dịch 27/8 một phần cũng nhờ sự bật mạnh của giá dầu thô thế giới với mức tăng ấn tượng 10,3% trong một ngày.

Một thương nhân của Mỹ cho biết, lượng cà phê tồn đang giảm xuống, từ đây đến cuối năm sẽ diễn ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và sẽ tiếp tục diễn ra sang năm tới. Và nếu như thời tiết diễn ra bất thường thì sự thiếu hụt nguồn cung sẽ càng trầm trọng hơn.

Ngân hàng Rabobank cũng đã nâng mức dự báo về sự thiếu nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2015/2016 lên 1,9 triệu bao từ mức 1,5 triệu bao dự báo hồi tháng 4.

Với những dự báo trên thì thị trường cà phê trong thời gian tới chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực, đặc biệt đối với Robusta. Hiện nay các nhà rang xay đang chọn loại cà phê này làm nguyên liệu vì có giá rẻ hơn nhiều so với Arabica.

Thêm vào đó, thị trường cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi tin đồn Việt Nam xả hàng tồn kho trước thời điểm vào mùa thu hoạch rộ (tháng 11/2015) do người trồng cà phê Việt Nam đã có cuộc sống dư dả hơn để chống chọi tốt với giá xuống hay sức kháng giá của người trồng cà phê Việt Nam đã tăng đáng kể khiến các nhà rang xay lo ngại thiếu nguồn cung cà phê.