Thị trường gọi xe công nghệ ngày càng sôi động
Sau khi Uber sát nhập Grab vào tháng 4/2018, hàng loạt các ứng dụng gọi xe mới đã ra mắt thị trường cạnh tranh với Grab.
Mở đầu là ông lớn trong ngành vận tải - Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang (Futabus Lines) tuyên bố rót 100 triệu USD để đầu tư vào lĩnh vực gọi xe công nghệ qua phần mềm, với tham vọng lấp khoảng trống trước mắt tại thị trường Việt Nam. Theo đó, ứng dụng gọi xe của Phương Trang ban đầu có tên là FaceCar ra mắt lần đầu tiên vào tháng 3/2016. Sau đổi tên thành Vivu, tuy nhiên, do sự phát triển mạnh mẽ của Grab và Uber nên ứng dụng gọi xe này gần như không tồn tại. Cho đến khi Uber chính thức rời khỏi thị trường, Vivu được đổi tên thành Vato và trở lại đường đua với nhiều tham vọng chinh phục thị trường.
Thị trường gọi xe công nghệ thêm phần sôi động khi ngày 8/6/2018, ứng dụng Aber vừa chính thức công bố ra mắt thị trường Việt Nam tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Ứng dụng Aber vừa ra mắt thị trường Việt Nam. Ảnh: Nguoiduatin
Trên báo Tuổi trẻ, ông Huỳnh Lê Phú Phong, đại diện Aber cho biết, các dịch vụ Aber mang đến là: Aber Bike (xe ôm công nghệ), Aber Car (taxi công nghệ), Aber Truck (xe giao hàng - xe tải), Aber Travel (trải nghiệm du lịch cùng Aber), Aber Business (xe doanh nghiệp), Aber Express (dịch vụ giao hàng).
Ngoài ra, nền tảng bản đồ của phần mềm Aber được chính đội ngũ này tự xây dựng, không phụ thuộc vào bản đồ của Google, nên sẽ phù hợp, chính xác hơn với các tỉnh ở Việt Nam. Đặc biệt, Aber cam kết không tăng giá cước vào giờ cao điểm.
Mới đây nhất, ngày 12/6/2018, ứng dụng gọi xe trực tuyến FastGo đã chính thức ra mắt tại Hà Nội. Trước đây, FastGo được xây dựng cho một tập đoàn taxi lớn ở Indonesia và hãng Taxi Open99 Việt Nam. Hệ thống này giúp công ty taxi truyền thống bỏ hoàn toàn bộ đàm, báo cáo, quản lý xe, linh hoạt trong hình thức thanh toán.
Tại thị trường Việt Nam, FastGo ra mắt với 3 dịch vụ cốt lõi: Fast Car (dịch vụ xe 4 bánh dành cho tài xế cá nhân có nhu cầu gia tăng thu nhập); Fast Taxi (dịch vụ liên kết với các hãng taxi) và Fast Luxury (dịch vụ xe hơi sang trọng). Dự kiến tháng 7/2018, FastGo sẽ có mặt ở TP. Hồ Chí Minh và mở rộng ra 8 tỉnh, thành phố lớn trong vòng 2 năm.
Cũng như Aber, FastGo cam kết không tăng giá cước vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, FastGo còn bảo vệ khách hàng trên mỗi chuyến đi bằng bảo hiểm Fast Protection với nhiều lợi ích (giá trị lên đến 200 triệu đồng) để khách hàng yên tâm trên mọi hành trình.
Cùng ngày 12/6/2018, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã cho ra mắt nền tảng công nghệ điều vận xe trực tuyến có tên là Emddi. Đây là hệ thống đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế để dùng đồng thời cho nhiều đơn vị vận tải trên cùng hệ thống mà không làm mất tính chủ động.
Trên báo Đầu tư, ông Đào Kiến Quốc, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, các đơn vị sử dụng Emddi có thể tự cấu hình hệ thống một cách độc lập với các đơn vị khác, như: tự thiết lập các loại dịch vụ (xe máy, xe 4 chỗ, xe 7 chỗ, xe đường dài, taxi, giao hàng), chế độ tính cước, phương thức chọn đường đi, chính sách khuyến mại… Việc thiết lập cấu hình này chỉ mất dưới 10 phút cho một công ty.
Hơn nữa, Emddi có thể dùng cho nhiều hãng cùng một lúc, có khả năng phân biệt chính xác địa giới hành chính. Ở địa phương nào Emddi sẽ tự động kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ vận tải ở đó. Ngay cả khi kết nối 3G bị ngắt người dùng vẫn có thể sử dụng.
Ngoài ra, một số công ty nước ngoài cũng có ý định phát triển kinh doanh ứng dụng gọi xe ở Việt Nam, như: Go-Jek đến từ Indonesia, MVL đến từ Singapore…
Như vậy, Uber rút lui, khoảng trống mà Uber để lại cho Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là cơ hội lớn cho các ứng gọi xe mà một mình Grab không thể lấp đầy. Trong “cuộc chiến” này, các công ty sẽ phải tự quyết định thương hiệu của mình để thu hút sự chú ý của công chúng, đồng thời, cạnh tranh để mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Dù thế nào, thì khách hàng vẫn sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc tranh đua này.
Chia sẻ trên báo Đầu tư, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông và Vận tải) cho rằng: “Nhà cung cấp nào mang đến dịch vụ tốt nhất, phù hợp với sở thích của người dân thì sẽ được ưa chuộng. Trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, người dân mong muốn sẽ có nhiều công ty nội địa tham gia vào cung cấp ứng dụng gọi xe. Thị trường cạnh tranh hơn, vận tải hiệu quả hơn thì người dân càng được hưởng lợi”./.
Tham khảo từ các nguồn:
http://baodautu.vn/uber-rut-lui-ung-dung-goi-xe-viet-bung-lua-d80079.html
http://baodautu.vn/ra-mat-ung-dung-emddi-giup-doanh-nghiep-taxi-gianh-lai-thi-phan-d83179.html
https://tuoitre.vn/uber-rut-lui-khoc-liet-cuoc-chien-ung-dung-goi-xe-cong-nghe-20180609135608726.htm
Bình luận