Chia sẻ trên được bà Hương đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức vào ngày 30/11.

Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người lao động trong nền kinh tế chia sẻ
Toàn cảnh hội thảo/Ảnh: Minh Hậu (MPI)

Kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, Hội thảo nhằm cung cấp thông tin về những nhìn nhận, đánh giá về thành tựu, hạn chế, bất cập… đang ảnh hưởng tới hoạt động của kinh tế chia sẻ, từ đó đề xuất hướng đi, đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế này, đặc biệt là cần xác định những rào cản đó xuất phát từ thị trường hay cơ chế, chính sách.

Trình bày Báo cáo đề dẫn về tình hình 3 năm thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ theo Quyết định số 999/QĐ-TTg, ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, ông Lưu Đức Khải, Phó Trưởng ban phụ trách, Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội (CIEM) cho biết, mục tiêu của Đề án kinh tế chia sẻ nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm: người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Theo ông Khải, bản chất của kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh mới tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số. Mô hình kinh doanh này giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số.

Đối tượng tham gia kinh tế chia sẻ bao gồm: cá nhân, doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp phi lợi nhuận, doanh nghiệp vì lợi nhuận, cộng đồng địa phương, Chính phủ.

Kinh tế chia sẻ chưa phát triển mạnh ở nhiều nước, nhưng có tiềm năng phát triển lớn. Bằng chứng chính là trước và sau đại dịch Covid-19, một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện như: dịch vụ vận tải trực tuyến từ năm 2014 (Uber, Grab, dichung...); dịch vụ chia sẻ phòng (cơ sở Airbnb); dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng (peer to peer lending). Nhiều dịch vụ khác cũng đã xuất hiện như: du lịch (Triip.me); dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng; radar…, hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding).

Tại Hội thảo, bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc đối ngoại, Công ty Grab Việt Nam cho biết, kinh tế chia sẻ không chỉ tạo thêm cơ hội gia tăng thu nhập, mà còn mở ra thị trường lao động mới, linh hoạt, từ đó tạo động lực tăng trưởng và tăng năng suất cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SME).

Trên thực tế, kinh tế chia sẻ khẳng định tính ưu việt về tiết kiệm tài nguyên, nguồn lực, đồng thời giảm thiểu chi phí giao dịch trong hoạt động kinh tế. Hơn nữa, việc sử dụng các nền tảng ứng dụng góp phần tăng tính hiệu quả và minh bạch của nền kinh tế, từ đó hỗ trợ cơ quan nhà nước trong công tác quản lý và điều hành.

Những rào cản gây khó cho kinh tế chia sẻ phát triển

Ông Lưu Đức Khải cho biết, kinh tế chia sẻ làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, cụ thể là phát sinh mối quan hệ 3 bên (thay vì 2 bên) trong các hợp đồng kinh tế.

Hơn thế, kinh tế chia sẻ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc đảm bảo lợi ích cho cả người mua và người bán. Trên thị trường, xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và truyền thống đã xảy ra, đồng thời các vấn đề thu thuế và các nghĩa vụ tài chính phát sinh cũng xuất hiện. Trong khi đó, cơ sở pháp lý trong quản lý nhà nước về các loại dịch vụ kinh tế chia sẻ còn rất thiếu.

Ông Khải cho rằng, yêu cầu cấp bách về nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với loại hình kinh tế chia sẻ là phải bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, quyền riêng tư của công dân, tổ chức và chủ quyền trên không gian mạng.

“Mặt khác, Việt Nam cũng cần thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ (trong đó có dịch vụ internet) và về thương mại điện tử, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tốt trên nền tảng công nghệ số,” ông Khải nói.

Trong khi đó, bà Hoàng Thị Thu Trang, Phó Trưởng phòng Điều tra hành vi hạn chế cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, những rào cản cạnh tranh trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam bao gồm: rào cản về vốn; rào cản pháp lý; rào cản từ hiệu ứng mạng lưới của các nền tảng số lớn; rào cản từ sự độc quyền sở hữu; rào cản từ chiến lược hình thành hệ sinh thái số.

Hạn chế các rủi ro phát sinh do sự phát triển của kinh tế chia sẻ

Bà Dương Thu Hương, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, cho rằng, kinh tế chia sẻ vẫn là một xu hướng, cần tiếp tục nghiên cứu, theo dõi sự phát triển của mô hình này; không cần thiết phải ban hành một luật riêng chỉ để điều chỉnh kinh tế chia sẻ.

Việc điều chỉnh pháp luật trong thời gian tới cần tập trung vào việc xử lý, hạn chế các rủi ro phát sinh do sự phát triển của kinh tế chia sẻ, chẳng hạn: rủi ro đối với người lao động, người tiêu dùng khi tham gia kinh tế chia sẻ; rủi ro biến tướng thành “tín dụng đen” của các mô hình cho vay ngang hàng (P2P lending); rủi ro xâm phạm dữ liệu cá nhân...

Bà Hương đưa ra một số gợi ý chính sách gồm: (1) Cần tư duy lập pháp “mở’ và “linh động” để các nhà làm chính sách, các nhà lập pháp đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; (2) Đối với dịch vụ cho vay ngang hàng P2P lending: cần sớm ban hành khung khổ pháp lý, để thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký kinh doanh, cũng như hoạt động dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước; (3) Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; (4) Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (5) Bảo vệ quyền lợi người lao động trong nền kinh tế chia sẻ; (6) Bảo vệ dữ liệu cá nhân; (7) Tăng cường quản lý thuế với các nhà cung cấp nền tảng trung gian.

Bà Hoàng Thị Thu Trang khuyến nghị, để thúc đẩy cạnh tranh trong kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam, cần xây dựng và ban hành hướng dẫn chi tiết thực thi pháp luật cạnh tranh; xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử dành cho các nền tảng lớn; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và thực hiện chương trình tuân thủ pháp luật cạnh tranh tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực của các cơ quan cạnh tranh và tăng cường kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế; điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Trước những khó khăn do quy định hiện hành của pháp luật chưa rõ ràng, bà Đặng Thùy Trang đề xuất, cần xây dựng quy định phù hợp với mô hình kinh doanh mới, bổ sung quyền lợi cho bảo hiểm xã hội tự nguyện và triển khai thêm nhiều giải pháp thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ./.