Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2022
Thủ tướng yêu cầu trước ngày 15/01/2022, các đề xuất kế hoạch mục tiêu, nhiệm vụ và phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch năm 2021 chuyển nguồn sang năm 2022) phải gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở Thỏa thuận về kế hoạch hợp tác hằng năm giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Thỏa thuận kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác kinh tế văn hóa, khoa học kỹ thuật, trước ngày 31/12/2021, giao dự toán chi ngân sách cho các bộ, cơ quan trung ương để thực hiện nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, học sinh, sinh viên Lào, Campuchia hiện đang học tập tại Việt Nam theo diện Hiệp định và thực hiện các chương trình, dự án đủ điều kiện triển khai năm 2022, trong đó ưu tiên các chương trình, dự án hoàn thành năm 2022.

Về triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện dự toán theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công. Các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong phạm vi quản lý được giao, có nhiệm vụ tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại…

Đề cao kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách nhà nước; phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; phân bổ và giao dự toán cho đơn vị sử dụng ngân sách đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định. Điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài để dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính đặc thù được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Dự toán chi bổ sung có mục tiêu năm 2022 từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương đã bao gồm nhiệm vụ chi từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông được xác định trên cơ sở số thu nộp ngân sách nhà nước phát sinh trên từng địa bàn; đặc thù địa bàn, vùng miền, mức độ phức tạp về trật tự an toàn giao thông, số lượng các lực lượng tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, diện tích, mật độ dân số…

Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách do Trung ương ban hành từ năm 2022 theo Quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2022
Dự toán NSNN năm 2022 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2, ngày 13/11/2020

Về tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các quy định về tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2022 từ một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị…

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên quy định trong Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ưu tiên thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi tối thiểu 50% số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2022, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch; các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành năm 2022; bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư.

Đối với nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại, giao các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong phạm vi dự toán từng lĩnh vực chi ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương căn cứ sự cần thiết, yêu cầu về tiến độ thực hiện và giải ngân chủ động điều chỉnh dự toán giữa các chương trình, dự án, nhiệm vụ đủ thủ tục, điều kiện; thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền giao, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với chi đầu tư phát triển) tổng hợp báo cáo Chính phủ và theo dõi thực hiện, đồng gửi Bộ Tài chính kiểm soát việc giải ngân; Bộ Tài chính (đối với chi thường xuyên) để tổng hợp, theo dõi và kiểm soát giải ngân.

Đối với vốn Chính phủ vay về cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay lại, thực hiện giải ngân trong phạm vi dự toán tổng mức vay và bội chi ngân sách của địa phương đã được Quốc hội quyết định.

Đối với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại, trong tổ chức thực hiện, phát sinh nhu cầu chi (đầu tư phát triển, thường xuyên) vượt dự toán hoặc phát sinh khoản viện trợ mới, giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với các khoản chi từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại cho chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi đầu tư phát triển) và Bộ trưởng Bộ Tài chính (đối với các khoản chi từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại hỗ trợ trực tiếp ngân sách nhà nước, hỗ trợ vốn cho chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên, hỗ trợ phí dự án) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, căn cứ vào các thỏa thuận viện trợ đã ký giữa Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan nhà nước Việt Nam với các nhà tài trợ, báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán năm 2022 từ nguồn vốn viện trợ này.

Đối với nguồn vốn vay, trường hợp trong năm các chương trình, dự án có nhu cầu giải ngân vượt dự toán được giao hoặc phát sinh khoản vay mới cho chi đầu tư phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, trình cấp thầm quyền xem xét, quyết định.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia, số bổ sung cân đối ngân sách địa phương và số bổ sung có mục tiêu giữa các cấp ngân sách ở địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), bố trí chi trả lãi vay của chính quyền địa phương trong phạm vi dự toán được giao, bố trí chi trả nợ gốc từ nguồn bội thu ngân sách địa phương, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư và vay mới trong năm đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương được chủ động bố trí cơ cấu chi ngân sách địa phương năm 2022 theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển theo đúng nguyên tắc quy định tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, các cơ quan được giao chủ trì quản lý chương trình mục tiêu quốc gia khẩn trương thực hiện trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và quy định tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 31/12/2021.

Chủ trì tổng hợp, đề xuất kế hoạch mục tiêu, nhiệm vụ và phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch năm 2021 chuyển nguồn sang năm 2022) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15/01/2022. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trước ngày 01/3/2022.

Căn cứ nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 đến từng đơn vị trước ngày 31/12/2021. Thực hiện công khai và báo cáo kết quả phân bổ và giao dự toán theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kết quả phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội và thực hiện công khai theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/12/2021./.