“Điểm mặt” thách thức

“Việc thúc đẩy tài chính toàn diện đang bộc lộ các hạn chế như: khuôn khổ pháp lý còn bất cập; hệ thống tài chính vi mô còn hạn chế về quy mô, phạm vi hoạt động, cung cấp dịch vụ, sản phẩm tài chính…”, TS. Đỗ Thị Bích Hồng, Viện Chiến lược ngân hàng chia sẻ tại Hội thảo Lộ trình thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Viện Nghiên cứu Công nghệ vì cộng đồng (TFGI) phối hợp tổ chức hôm nay (ngày 20/7).

Thúc đẩy tài chính toàn diện đối mặt với nhiều thách thức

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM khai mạc hội thảo

Theo bà Hồng, tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững.

“Còn thiếu các sản phẩm, dịch vụ tài chính đặc thù, tiện lợi với chi phí thấp. Mạng lưới giao dịch của các tổ chức tín dụng phân bổ chủ yếu ở khu vực thành thị, còn hạn chế ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Kết quả thực hiện bảo hiểm nông nghiệp còn hạn chế. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ cho thanh toán các dịch vụ trong nền kinh tế chưa hoàn thiện. Kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính còn hạn chế…”, bà Hồng chỉ ra thêm những hạn chế của quá trình thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Dưới góc nhìn của TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, một trong những cái khó nhất trong thúc đẩy tài chính toàn diện là thói quen sử dụng tiền mặt phổ biến của người Việt Nam. Một thách thức lớn nữa là khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện tài chính toàn diện đang bộc lộ những bất cập rất lớn. Để thực hiện được tài chính toàn diện, thì phải thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, trong khi các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn về năng lực tài chính để trang trải cho chuyển đổi số…

“Đang thiếu hành lang pháp lý, nhất là về chữ kỹ số, hợp đồng điện tử, xác thực hợp đồng điện tử... Các cơ quan tư pháp, xét xử có chấp nhận hợp đồng, hóa đơn điện tử không hay lại đòi chứng từ giấy gốc. Nếu Bộ Công an không chia sẻ cơ sở dữ liệu về dân cư, thì không triển khai được tài chính số...”, Tổng thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam Phạm Xuân Hòe nhìn nhận.

Đề xuất hướng gỡ khó

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, cần xoá bỏ tình trạng quy định pháp lý mang tính chia cắt ngành, bởi trong thời đại kinh tế số, các quy định pháp lý phải giải quyết cùng một lúc đa mục tiêu. Để thúc đẩy triển khai tài chính toàn diện, cần trao quyền cho người dân, thị trường nhiều hơn.

“Quy định pháp lý cần thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển, chứ không phải kìm hãm sự phát triển. Tránh tình trạng các ngành, lĩnh vực đưa ra quy định để lo cho an toàn của ngành mình, mà gây khó cho phát triển tài chính toàn diện…”, ông Cung đề xuất.

Thúc đẩy tài chính toàn diện đối mặt với nhiều thách thức
Theo nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, quy định pháp lý cần thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển, chứ không phải kìm hãm sự phát triển

Theo bà Hồng, cần triển khai 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất, về hoàn thiện thể chế: cần ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô; ban hành quy định về đại lý thanh toán. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về quỹ tín dụng nhân dân. Nghiên cứu ban hành quy định về hoạt động cho vay thực hiện bằng phương thức điện tử. Hoàn thiện quy định về bảo hiểm vi mô, cơ chế bảo lãnh tín dụng.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, để thúc đẩy tài chính toàn diện, có nhiều việc phải làm, trong đó có 2 trụ cột quan trọng là hoàn thiện thể chế và đầu tư hạ tầng công nghệ. Cần rà soát để hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, tạo được niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, khuyến khích các chủ thể tham gia sáng tạo…

Thứ hai, phát triển các tổ chức cung ứng, kênh phân phối: khuyến khích, hỗ trợ ngân hàng thương mại phát triển mạng lưới giao dịch tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sắp xếp, phát triển hợp lý mạng lưới ATM và POS, khuyến khích mở rộng mạng lưới ATM và POS ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Củng cố, phát triển hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô. Khuyến khích các tổ chức tài chính vi mô đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cho người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ. Khuyến khích phát triển mô hình liên kết hoạt động với các ngân hàng thương mại, hợp tác với các Fitech.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính: kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ban hành thông tư về giao diện lập trình ứng dụng mở cho lĩnh vực thanh toán trong ngành ngân hàng.

Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính: tuyên truyền, đào tạo kiến thức tài chính cho người dân, doanh nghiệp. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn hoạt động trong việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ.

Đề xuất giải pháp cụ thể về giáo dục tài chính, ông Hòe cho rằng, cần có một kế hoạch cụ thể về giáo dục tài chính toàn diện bằng cách lồng ghép vào chương trình giáo dục phổ thông, các kênh đào tạo của công ty tài chính, kênh truyền thông.../.