Mai Văn Giỏi

Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên

Trần Thị Huyền Trang

Học viện Chính sách và Phát triển

Tóm tắt

Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức luôn là yêu cầu cấp thiết đặt ra để hướng đến một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả. Trên cơ sở khát quát chính sách đào tạo, bồi dưỡng công chức, đồng thời phân tích thực tiễn áp dụng chính sách này tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên, bài viết đưa ra một số kiến nghị góp phần khắc phục những hạn chế trong việc tổ chức thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng công chức, góp phần xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ trong bối cảnh hiện nay.

Từ khóa: đào tạo, bồi dưỡng công chức, thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng công chức, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh

Summary

Improving the quality of civil servants is always an urgent requirement for a modern, professional, and effective administration. Based on overviewing the policy on training and fostering civil servants and analyzing the practical application of this policy at specialized agencies under the People’s Committee of Dien Bien province, the article offers several recommendations for overcoming limitations in organizing and implementing policies on training and fostering civil servants, contributing to building a workforce that meets the requirements of public service performance in the current context.

Keywords: training and fostering civil servants, implementing policies on training and fostering civil servants, specialized agencies under the Provincial People’s Committee

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm, nhất là đối với đội ngũ công chức tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, bởi đây là lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình hoàn thiện và thực thi luật pháp, quản lý đời sống kinh tế - xã hội. Việc thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng công chức tại các cơ quan chuyên môn được thực hiện theo đúng các văn bản quy định của Trung ương và của tỉnh Điện Biên, đảm bảo đúng quy trình và đạt được những kết quả tích cực, quan trọng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng công chức còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được mục tiêu và làm giảm hiệu quả của chính sách. Bởi vậy, cần có những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên.

KHÁI QUÁT VỀ CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÔNG CHỨC TẠI CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UBND TỈNH

Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc ủy quyền của UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh [1].Theo khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019: công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước [4]. Công chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có đặc điểm là thực hiện thường xuyên một công vụ theo nghiệp vụ chuyên môn mà công chức đó đảm nhiệm (ví dụ: nội vụ, địa chính, kế toán…). Đặc điểm này được gọi là tính nghề nghiệp của công chức đòi hỏi công chức chuyên môn phải có các kỹ năng, nghiệp vụ và kiến thức chuyên môn lĩnh vực mà mình đảm nhiệm.

Từ các khái niệm cơ bản về công chức và cơ quan chuyên môn, nhóm tác giả đưa ra khái niệm: Công chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh làm việc tại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Công chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện công vụ theo một quy trình công tác đã được pháp luật xác định và họ không có quyền thay đổi nếu không được pháp luật cho phép.

Đào tạo, bồi dưỡng công chức có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan nhà nước. Đào tạo là “dạy dỗ, rèn luyện để trở thành người có hiểu biết, có nghề nghiệp” [9]. Bồi dưỡng “là làm cho tăng thêm sức của cơ thể bằng chất bổ và tăng thêm năng lực hoặc phẩm chất” [3]. Hai quá trình này đều thông qua việc tác động nhận thức con người nhằm nâng cao tri thức, trình độ hiểu biết của công chức; trao dồi các kỹ năng công tác và nâng cao kinh nghiệm thực tiễn để công chức hoàn thành chất lượng công việc. Quá trình này còn bao gồm rèn luyện phẩm chất chính trị đạo đức và tư chất cho công chức. Thông qua đó, đào tạo, bồi dưỡng góp phần nâng chất lượng đội ngũ công chức, đồng thời làm cho công chức sử dụng tốt hơn các khả năng, tiềm năng vốn có để có thể phát huy hết năng lực của công chức, từ đó nâng cao chất lượng nền công vụ nói chung. Như vậy, mục tiêu chính của đào tạo, bồi dưỡng công chức là: “trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức” [2].

Chính sách đào tạo, bồi dưỡng công chức là tập hợp các quyết định chính trị có liên quan với nhau của Nhà nước với mục tiêu, giải pháp, công cụ nhằm xây dựng đội ngũ công chức có đủ trình độ, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước. Nói một cách cụ thể và rộng hơn, chính sách đào tạo, bồi dưỡng công chức là kết quả cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước thành tập hợp các quyết định liên quan đến nhau với mục tiêu, giải pháp công cụ nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, chuyên môn, phẩm chất đạo đức công vụ của đội ngũ công chức nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

THỰC THI CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÔNG CHỨC TẠI CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UBND TỈNH ĐIỆN BIÊN

Thực trạng đội ngũ công chức tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên

Về số lượng, cơ cấu

Từ năm 2019 đến năm 2023, đội ngũ công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên cơ bản giảm về biên chế và số lượng. Tính đến ngày 31/12/2023, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên được giao 1.105 biên chế (ngoài 56 biên chế công chức quản lý thị trường chuyển về Bộ Công Thương quản lý, số biên chế được giao đã giảm 50 biên chế so với năm 2019) và hiện có 1.040 công chức [5]. Biên chế thực tế ít hơn so với biên chế được UBND Tỉnh giao do một số công chức nghỉ tinh giản biên chế, nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hoặc chưa được phê duyệt kế hoạch tuyển dụng công chức kịp thời.

Bảng 1 cho thấy, công chức nữ chiếm tỷ lệ khá cao (trung bình 41,39%) so với tổng số công chức cơ quan chuyên môn, thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên trong thực hiện công tác bình đẳng giới. Công chức là Đảng viên chiếm tỷ lệ trung bình 76,42%, cho thấy đội ngũ công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Tỉnh có nền tảng quan điểm, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng và là điều kiện tiên quyết để công chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng năng cao trình độ lý luận chính trị của bản thân. Công chức là người dân tộc thiểu số chiếm 19,84%, lực lượng này đã có những đóng góp tích cực trong thực thi công vụ tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Tỉnh.

Bảng 1: Thống kê theo độ tuổi, giới tính, đảng viên, dân tộc

Đơn vị: Người

STT

Cơ cấu

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Tỷ lệ trung bình (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

I

Độ tuổi

1

Dưới 30

178

16,29

135

12,86

151

13,96

146

13,59

128

12,31

13,82

2

Từ 31 đến 40

490

44,83

475

45,24

495

45,75

478

44,51

441

42,40

44,56

3

Từ 41 đến 50

288

26,35

311

29,62

311

28,74

318

29,63

340

32,69

29,37

4

Từ 51 trở lên

137

12,53

129

12,29

125

11,55

132

12,29

131

12,60

12,25

II

Giới tính

1

Nam

655

59,93

620

59,05

639

59,06

623

58,01

592

56,92

58,61

2

Nữ

438

40,07

430

40,95

443

40,94

451

41,99

448

43,08

41,39

III

Đảng viên

1

Đảng viên

790

72,28

809

77,05

787

72,74

842

78,04

852

81,92

76,42

IV

Dân tộc thiểu số

Dân tộc thiểu số

218

19,95

210

20,00

210

19,41

212

19,74

209

20,10

19,84

Tổng số

1.093

1.050

1.082

1.074

1.040

Nguồn: UBND tỉnh Điện Biên (2024)

Về trình độ đào tạo

Chất lượng trình độ chuyên môn của công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên được nâng lên theo từng năm (Bảng 2). Đến hết năm 2023, có trên 93% công chức đạt trình độ đào tạo đại học và sau đại học. Đội ngũ công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên cơ bản đã đáp ứng Đề án phát triển nguồn nhân lực của Tỉnh giai đoạn 2020-2025 và đảm bảo yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ theo Đề án vị trí việc làm của từng cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, vẫn còn trên 5% công chức có trình độ đào tạo trung cấp và sơ cấp, chủ yếu là công chức chuyên ngành kiểm lâm địa bàn, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên. Lực lượng này yêu cầu là những người dân địa phương am hiểu, thông thuộc địa bàn, trực tiếp bám nắm địa bàn, làm công tác tuần tra, canh gác và bảo vệ rừng.

Bảng 2: Thống kê theo trình độ đào tạo

Đơn vị: Người

STT

Trình độ đào tạo

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Tỷ lệ trung bình (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

1

Tiến sĩ

5

0,46

7

0,67

7

0,65

8

0,74

8

0,77

0,66

2

Thạc sĩ

191

17,47

214

20,38

257

23,75

270

25,14

271

26,06

22,53

3

Đại học

771

70,54

762

72,57

755

69,78

741

68,99

715

68,75

70,13

4

Cao đẳng

21

1,92

5

0,48

5

0,46

4

0,37

1

0,10

0,67

5

Trung cấp

95

8,69

56

5,33

48

4,44

46

4,28

42

4,04

5,38

6

Sơ cấp

10

0,91

6

0,57

10

0,92

5

0,47

3

0,29

0,64

Tổng số

1.093

1.050

1.082

1.074

1.040

Nguồn: UBND tỉnh Điện Biên (2024)

Tình hình triển khai thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng công chức tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên

Xây dựng kế hoạch triển khai thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng

Hàng năm, trên cơ sở báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng của năm liền trước và đăng ký nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng năm tiếp theo, Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên tổng hợp, tham mưu UBND Tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của năm tiếp theo. Trên cơ sở kế hoạch của UBND Tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Tỉnh chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan, đơn vị mình.

Kế hoạch xác định rõ mục đích, yêu cầu; các đối tượng tham gia; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị (cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp) trong triển khai thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng.

Tuyên truyền, phổ biến thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng

Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác tuyên truyền thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng, Tỉnh ủy và UBND Tỉnh luôn quan tâm đến công tác này. Trong nhiều nghị quyết của Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Điện Biên đã đề cập đến công tác phổ biến tuyên truyền việc thực hiện chính sách, trong đó có chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung và công chức nói riêng. Trong đó, Sở Nội vụ xây dựng nội dung, cách thức tuyên truyền về chính sách đào tạo, bồi dưỡng công chức; Văn phòng UBND Tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổ chức truyền tải nội dung tuyên truyền lên Cổng thông tin và Trung tâm công báo của Tỉnh; Đài Truyền thanh – Truyền hình tỉnh Điện Biên có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác tuyển truyền đến các cấp trên địa bàn.

Phân công, phối hợp trong thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng

Để tổ chức thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đạt kết quả cao (trong đó có công chức tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Tỉnh), UBND Tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành trong việc tổ chức thực thi chính sách và được cụ thể hóa ngay trong các kế hoạch tổ chức thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Trong đó, Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên chủ động chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc soạn thảo, tham mưu các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của UBND Tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hành chính, viên chức sự nghiệp và cán bộ, công chức cơ sở trên phạm vi toàn Tỉnh.

Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành có liên quan như: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trong việc xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các sở, ngành, UBND cấp huyện và các cơ sở đào tạo trong Tỉnh.

Về thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm cho cán bộ, công chức, Sở Nội vụ đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Điện Biên tổ chức các lớp bồi dưỡng văn hoá công sở và đạo đức công vụ; lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện.

Theo dõi, đôn đốc thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng

Để nâng cao kết quả thực thi chính sách, UBND Tỉnh đã giao cho các chủ thể thực thi chính sách thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách. Đây cũng là một bước quan trọng trong chu trình thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung, công chức tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên nói riêng, là trách nhiệm của các chủ thể thực thi chính sách.

UBND tỉnh Điện Biên cũng xây dựng tiêu chí giám sát, đánh giá quá trình thực thi chính sách để có căn cứ đối chiếu và đôn đốc thực hiện. Việc tổ chức thực thi chính sách diễn ra trong khoảng thời gian nhất định, có tính chất thường xuyên, liên tục, do vậy UBND Tỉnh thường xuyên có các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được phân công có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách để phát hiện sai sót, kịp thời chỉnh sửa, bổ sung. Hằng năm, trên cơ sở chỉ tiêu, kinh phí được phê duyệt, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đảm bảo tính hiệu quả, đúng yêu cầu, gắn với nhiệm vụ, công việc được giao và gắn với quy hoạch cán bộ.

Sơ kết, tổng kết đánh giá, đánh giá rút kinh nghiệm trong thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng

Định kỳ hàng năm hoặc theo giai đoạn, UBND tỉnh Điện Biên kịp thời tổ chức sơ kết, tổng kết các kế hoạch, đề án, điều chỉnh mục tiêu, tăng cường phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ. Đồng thời, đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm xác định những hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi chính sách trong thời gian tiếp theo. Mặt khác, kịp thời biểu dương các cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích trong chỉ đạo và thực hiện chính sách.

KẾT QUẢ THỰC THI CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÔNG CHỨC TẠI CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UBND TỈNH ĐIỆN BIÊN

Kết quả đạt được

Kết quả đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước

Trong giai đoạn 2019-2023, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên đã cử 3.904 lượt công chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo của Trung ương và của Tỉnh (Bảng 3), cụ thể:

- Về đào tạo chuyên môn: Để có được một đội ngũ công chức có năng lực chuyên môn hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như để nâng cao được chất lượng và số lượng công chức đạt chuẩn, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên đã cử đã cử 198 công chức tham gia các lớp đào tạo về chuyên môn. Trong đó, tiến sĩ 3 người, thạc sỹ 148 người, đại học 47 lượt người.

- Về đào tạo lý luận chính trị: Nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị đội ngũ công chức, trong giai đoạn 2019-2023, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên đã cử 224 lượt công chức tham gia đào tạo lý luận chính trị, trong đó, cao cấp 23 lượt người, trung cấp 221 lượt người.

- Về bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước: Để bổ sung, cập nhật những kiến thức nền hành chính nhà nước, nội dung, cách thức và phương pháp quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của vị trí việc làm, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên đã cử 304 lượt công chức tham gia các khóa bồi dưỡng quản lý nhà nước. Trong đó, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cao cấp 37 lượt người, chuyên viên chính 138 lượt người, chuyên viên 129 lượt người.

- Về bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý: Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên đã cử 286 lượt công chức tham gia. Trong đó, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý cấp sở là 39 lượt và cấp phòng là 247 lượt.

- Về bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chuyên ngành, theo vị trí việc làm: Trong 5 năm qua, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên đã cử 2.619 lượt công chức tham gia, trong đó chủ yếu là các khóa bồi dưỡng ngắn hạn do các cơ quan, đơn vị chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.

Bảng 3: Thống kê kết quả đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên

Đơn vị: Lượt người

STT

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

I

Lý luận chính trị

Cao cấp

2

4

5

5

7

Trung cấp

37

35

44

42

43

Sơ cấp

0

0

0

0

0

Tổng

39

39

49

47

50

II

Chuyên môn

Tiến sĩ

2

1

0

0

0

Thạc sĩ

15

37

25

33

38

Đại học

13

11

10

6

7

Cao đẳng

0

0

0

0

0

Tổng

30

49

35

39

45

III

Quản lý nhà nước

Chuyên viên cao cấp

4

13

7

8

5

Chuyên viên chính

28

32

28

25

25

Chuyên viên

33

24

18

31

23

Cán sự

0

0

0

0

0

Tổng

65

69

53

64

53

IV

Theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý

1

Cấp sở

7

9

12

6

5

2

Cấp phòng

32

40

66

55

54

Tổng

39

49

78

61

59

V

Theo tiêu chuẩn chuyên ngành; vị trí việc làm

1

Kiến thức kỹ năng chuyên ngành; Vị trí việc làm

409

423

570

637

580

VI

An ninh – Quốc phòng

1

Kiến thức an ninh – quốc phòng

34

47

55

70

67

Nguồn: UBND tỉnh Điện Biên (2024)

Kết quả đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài

Trong 5 năm qua, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên có 13 lượt công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, trong đó tập trung chủ yếu là các khóa bồi dưỡng ngắn hạn theo chương trình của Trung ương, có thời gian bồi dưỡng dưới 1 tháng (9 lượt, chiếm tỷ lệ 69,23%), còn lại là đào tạo, bồi dưỡng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực (Bảng 4).

Bảng 4: Thống kê kết quả đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên

Đơn vị: Lượt người

STT

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

1

Quản lý, điều hành chương trình kinh tế - xã hội

2

Quản lý hành chính công

1

3

Quản lý nhà nước, chuyên ngành, lĩnh vực

1

1

1

4

Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực

5

Chính sách công, dịch vụ công

1

6

Kiến thức hội nhập

3

7

Nội dung khác

4

1

Tổng

8

0

2

1

2

Nguồn: UBND tỉnh Điện Biên (2024)

Qua nghiên cứu số liệu về kết quả đào tạo, bồi dưỡng cho thấy, việc đào tạo, bồi dưỡng công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Tỉnh chủ yếu vẫn là do cơ quan, đơn vị cử công chức đi đào tạo, bồi dưỡng theo các chương trình bắt buộc theo quy định. Đối với công chức được cử đi đào tạo sau đại học 100% là được cử về học tại các thành phố lớn, trung tâm kinh tế của cả nước; chưa có khoa, chuyên ngành đào tạo sau đại học nào được tổ chức trực tiếp tại địa phương.

Việc bố trí và sử dụng công chức sau khi đào tạo, bồi dưỡng, Đội ngũ công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên hiện nay về cơ bản đã đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện ngạch công chức; các yêu cầu, điều kiện theo tiêu chuẩn của vị trí việc làm.

Một số vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng công chức tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên thực thi các quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức chủ yếu theo quy định của Trung ương và của UBND Tỉnh. Chỉ có số ít cơ quan chuyên môn thuộc UBND Tỉnh ban hành quy định (nội quy) của cơ quan về đào tạo, bồi dưỡng, tuy nhiên cơ bản là cụ thể hóa các quy định của Trung ương, của Tỉnh cho phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị. Không có quy định riêng mang tính đột phá, khác biết về thực thi chính sách đào tạo, bồi dưỡng.

Công tác xây dựng lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức chưa mang tính chất dài hạn, chưa dự báo được tình hình; còn nặng về hình thức, chủ yếu để đảm bảo về mặt mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch chung của Tỉnh. Thực tiễn cho thấy, một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự làm tốt công tác quy hoạch, vì vậy có lúc, có thời điểm công chức khi được đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo quản lý chưa đáp ứng được một số yêu cầu về trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ.

Một số công chức, nhất là công chức có tuổi đời trên 45 tuổi hoặc công chức có gia cảnh kinh tế hạn chế, có tâm lý ngại đi học vì đi học sẽ phải tốn một khoản kinh phí, nhất là những người không thuộc diện được hỗ trợ theo Quyết định số 21/2020/QĐ-UBND, ngày 03/11/2020 của UBND Tỉnh.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng mặc dù đã đổi mới, nhưng vẫn còn tình trạng chạy theo số lượng, cử chưa đúng đối tượng đào tạo, học chưa đúng chuyên ngành cần đào tạo, bồi dưỡng vì thế chưa đáp ứng được nhu cầu công việc của cơ quan, tổ chức. Việc đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với sử dụng, nhiều trường hợp được cử đi đào tạo nhưng không bố trí công việc theo chuyên ngành đào tạo sau khi tốt nghiệp, gây nên sự lãng phí; tâm lý thờ ơ với việc đào tạo.

Nội dung và chất lượng bồi dưỡng chưa cao; chương trình, nội dung kiến thức bồi dưỡng chưa thật phù hợp với từng đối tượng cán bộ. Việc đào tạo, bồi dưỡng nhìn chung vẫn còn nặng về lý thuyết; tính ứng dụng, tính cập nhật, tính thời sự chưa cao. Nội dung và thời lượng khung cho một số chương trình bồi dưỡng liên tục thay đổi và cải cách, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức chưa được thực hiện đồng bộ, mới chỉ đào tạo về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, mà chưa chú ý bồi dưỡng về kỹ năng quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là xử lý những tình huống trong thực tiễn.

Công tác tổng kết, kiểm tra đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa được quan tâm đúng mức, cách đánh giá chỉ dựa vào chứng chỉ, bằng cấp sau khi đã kết thúc khóa học, còn mang tính hình thức nhất là kiểm tra, đánh giá sau đào tạo, bồi dưỡng. Chưa xây dựng được khung tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức một cách cụ thể, khoa học. Đánh giá chủ yếu thông qua phiếu đánh giá công chức hàng năm, báo cáo tổng kết của cơ sở đào tạo, chứng chỉ, bằng cấp của học viên sau khi đào tạo, bồi dưỡng.

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Điện Biên, nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị sau:

Đối với với Chính phủ

- Tiếp tục xây dựng và ban hành hệ thống thể chế về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, đảm bảo phù hợp với cơ chế tự chủ và hội nhập quốc tế theo hướng minh bạch, công khai và cụ thể nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học. Đồng thời, có cơ chế giám sát việc chấp hành của các cơ quan, đơn vị nhà nước nhằm khuyến khích, động viên cán bộ, công chức tự túc kinh phí đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

- Sớm có chế tài nghiêm khắc hơn đối với người sau khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng mà vẫn không đáp ứng được yêu cầu công việc, hoặc khi có trình độ cao hơn thì rời bỏ cơ quan nhà nước.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương sâu sát hơn trong việc hướng dẫn xác định và xây dựng vị trí việc làm; tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức. Trong đó, yêu cầu trình độ đào tạo chuyên môn cụ thể gắn với từng vị trí việc làm, tránh việc tuyển dụng không đúng đối tượng, người tuyển dụng không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, cơ quan phải tổ chức đào tạo lại, gây lãng phí về nguồn lực.

Đối với UBND tỉnh Điện Biên

- Nghiên cứu sửa đổi Điểm d, Khoản, Điều 5 và Điều 7, Điều 12 Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND, ngày 03/12/2019 của UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Điện Biên và Quyết định số 21/2020/QĐ-UBND, ngày 03/11/2020 của UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quy định mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Để đạt được hiệu quả trong công tác đào tạo, cần xác định rõ chuyên ngành nào là phù hợp với vị trí việc làm; việc thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm cần phải vừa có tính cụ thể, vừa phải có tính mở để linh hoạt với xu thế hội nhập.

- Đánh giá đúng nhu cầu thực tế đối với việc đào tạo, bồi dưỡng của các đơn vị và thực trạng năng lực, trình đội của đội ngũ công chức. Mặt khác, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với quy hoạch, bố trí sử dụng công chức của từng cơ quan, đơn vị một cách hiệu quả và khoa học [9]./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2020), Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, ngày 14/9/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP về chức năng của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.

2. Chính phủ (2017), Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, ngày 01/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ, công chức, viên chức.

3. Hoàng Phê (2010), Từ điển tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách khoa.

4. Quốc hội (2019), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, số 52/2019/QH14, ngày 25/11/2019.

5. UBND tỉnh Điện Biên (2023), Quyết định số 2102-QĐ/UBND, ngày 20/12/2023 về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh cấp huyện năm 2024.

6. UBND tỉnh Điện Biên (2019), Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND, ngày 03/12/2019 quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

7. UBND tỉnh Điện Biên (2020), Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025.

8. UBND tỉnh Điện Biên (2024), Báo cáo số 220/BC-UBND, ngày 15/01/2024 về kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Điện Biên năm 2023.

Ngày nhận bài: 10/6/2024; Ngày phản biện: 10/7/2024; Ngày duyệt đăng: 19/7/2024