Tiến độ sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm
Công tác hoàn thiện thể chế quản lý chưa kịp thời
sáng 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 CTMTQG trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các CTMTQG luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường kỳ của Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Tại các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ luôn đặt ra yêu cầu cao nhất, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân vốn của 3 CTMTQG.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, công tác tổ chức thực hiện các CTMTQG từ trung ương đến địa phương còn chậm |
Các địa phương đã chủ động ban hành các nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình với quyết tâm chính trị cao nhất phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ; đồng thời, đã hoàn thành việc kiện toàn, thành lập 1 Ban Chỉ đạo các CTMTQG cấp tỉnh, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện, Ban Quản lý cấp xã, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Ban phát triển thôn để phân công, phân cấp, thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong triển khai thực hiện các chương trình tại các cấp…
Về những khó khăn trong quá trình thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG từ trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn chương trình tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Công tác nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đặc điểm tự nhiên, xã hội, văn hóa, rà soát mặt bằng pháp lý trong xây dựng các CTMTQG, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chưa được tiến hành đồng bộ, kỹ lưỡng ngay từ trước khi ban hành chính sách, quy định, dẫn đến tình trạng còn có một số chính sách của CTMTQG không phù hợp với thực tiễn hoặc thiếu cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh.
Tiến độ phân bổ, sử dụng nguồn lực thực hiện các CTMTQG năm 2022 tại cả trung ương và các cấp tại địa phương còn chậm; nhiều địa phương chưa chủ động chuẩn bị tốt việc xác định nhu cầu danh mục, nguồn lực đầu tư dự án các cấp ngay từ đầu giai đoạn, đầu năm kế hoạch, có tâm lý đợi có vốn mới triển khai thực hiện...
Từ thực trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị, cần phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát giữa các cơ quan trung ương và địa phương...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông, thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, triển khai thực hiện các CTMTQG; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG đồng bộ từ trung ương tới địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia về giám sát, đánh giá thực hiện các chương trình tại các cấp...
Cần có thêm những cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG trong thời gian tới.
3 CTMTQG luôn luôn chậm là vấn đề trăn trở
Là người trực tiếp chỉ đạo triển khai 3 CTMTQG, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến của UBTVQH, sẽ cố gắng báo cáo giải trình đúng hạn.
Theo Phó Thủ tướng, việc triển khai thực hiện 3 CTMTQG luôn luôn chậm là vấn đề trăn trở. Về chuyển nguồn, Chính phủ đề xuất với Quốc hội chuyển nguồn của năm 2023 sang năm 2024. Chính phủ đã đề nghị các địa phương bằng mọi giá sẽ giải ngân hết nguồn vốn năm 2023 và các địa phương đã cam kết điều này.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, hy vọng UBTVQH ủng hộ ban hành Nghị quyết giám sát để tháo gỡ vướng mắc việc thực hiện các CTMTQG |
Về cơ chế thí điểm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn UBTVQH tính toán theo hướng cho cơ chế hoặc nguyên tắc, Chính phủ sẽ nghiên cứu một cách thấu đáo, cụ thể để trình Quốc hội, UBTVQH vào thời điểm thích hợp, với nguyên tắc chỉ thí điểm cho đến hết năm 2025, giai đoạn sau chúng ta sẽ thực hiện tư duy mới, cách làm mới, quy định mới.
Nhìn nhận không chỉ vướng luật, Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay còn vướng cả những nghị định và thông tư, hy vọng nếu vốn sự nghiệp được tháo gỡ, thì cơ bản hành lang pháp lý được tạo điều kiện thuận lợi và việc hướng dẫn triển khai được thực hiện tốt hơn…
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, về cơ bản UBTVQH đồng tình với 6 chính sách có tính đặc thù Chính phủ đề nghị, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của 3 CTMTQG. Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh Tờ trình, lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, báo cáo đánh giá tác động, nêu một số nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để thực hiện các cơ chế này, gửi sớm các cơ quan của Quốc hội để Hội đồng Dân tộc thẩm tra chính thức trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.../.
Bình luận