Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế Quản lý tài chính của EVN để lấy ý kiến đóng góp. Văn bản này có sửa đổi, bổ sung một số điều so với quy chế hiện hành, được áp dụng từ cuối năm 2014.

Theo đó, các khoản chi có tính chất phúc lợi trực tiếp như chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị, chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo, chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác... sẽ được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh.

“Tổng số chi không quá một tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của EVN”, Dự thảo nêu rõ.

Trước đó, theo Thông tư 96/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 12/2015 thì các khoản chi nói trên (chi hiếu hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị…) là các chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, văn bản không đề cập đến việc doanh nghiệp được hạch toán các khoản này vào chi phí sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh vấn đề nêu trên, dự thảo quy chế cũng liệt kê 19 chi phí được tính vào chi phí hoạt động kinh doanh của EVN, gồm: chi phí nguyên vật liệu, chi phí công cụ dụng cụ lao động, chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội, chi phí giao dịch, đào tạo... Các khoản chi trong khung này sẽ được trừ vào doanh thu để tính lợi nhuận, tiền thuế và đóng góp vào ngân sách của tập đoàn.

Với các khoản lợi nhuận còn lại sau khi đã bù đắp lỗ năm trước và chia lãi cho các thành viên góp vốn, cơ quan quản lý cho phép phân phối vào 3 quỹ: Đầu tư phát triển (tối đa 30%), Khen thưởng - phúc lợi cho người lao động (1-3 tháng lương) và Thưởng cho người quản lý, kiểm soát viên. Số còn lại sẽ nộp về ngân sách nhà nước.

Liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn, theo bản dự thảo Quy chế, EVN được quyền huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu vốn của EVN và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn huy động, hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi vay cho chủ nợ mà EVN đã cam kết.

Việc huy động vốn của EVN phải đảm bảo hệ số nợ phải trả (bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với công ty con của EVN) trên vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của EVN tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn không vượt quá 3 lần.

"EVN không được huy động vốn để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính", Dự thảo nêu rõ.

Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế quản lý tài chính của EVN đang đề xuất

tính thêm các khoản chi đám hiếu, hỷ của người lao động vào chi phí sản xuất của EVN

Ngay khi vừa được đưa ra lấy ý kiến, dự thảo Nghị định này đã ngay lập tức gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Có ý kiến cho rằng, việc đưa các khoản chi phí này vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN sẽ khiến giá thành và giá bán lẻ điện tăng lên và người chịu tác động cuối cùng là người tiêu dùng. Cũng có quan điểm bày tỏ, việc đưa các khoản chi phúc lợi này vào hạch toán chi phí sản xuất kinh doanh là bình thường.

Dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn trên Báo điện tử VnExpress sáng 18/05 liên quan tới những quy định mới được nêu trong dự thảo nói trên, về mặt khoa học tài chính thì phúc lợi cho công nhân là một khoản chi phí để sản xuất. Luật đã quy định các doanh nghiệp tư nhân được hạch toán vào chi phí để trừ khi xác định tính thuế thu nhập doanh nghiệp, thì nay các doanh nghiệp nhà nước cũng được hạch toán các chi phí này để tạo sự bình đẳng.

Ngoài ra, Thứ trưởng Tài chính cũng cho rằng, khi các khoản chi này đã được đưa vào chi phí sản xuất thì sẽ không được hạch toán thêm vào quỹ phúc lợi của doanh nghiệp để không trùng lặp và bình đẳng. Bên cạnh đó, việc đưa các chi phí hiếu, hỷ, nghỉ mát... vào chi phí sản xuất, kinh doanh của EVN cũng không làm tăng giá bán lẻ điện tới tay người tiêu dùng, do đây là những chi phí trước thuế.

Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Thuế cho hay, nếu có đầy đủ chứng từ thì doanh nghiệp được chi cho người lao động các khoản như hiếu, hỷ, nghỉ mát của bản thân và người lao động... vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Quy định này đã được nêu rõ trong Thông tư 96 của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ năm 2015.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thuế, các khoản chi phúc lợi này được đưa vào chi phí tính thuế, thì doanh nghiệp được phép đưa vào chi phí sản xuất, kinh doanh, được hạch toán vào chi phí để trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, giá bán lẻ điện sẽ không tăng nếu chi phí sản xuất của EVN được "cộng" thêm các khoản tiền hiếu, hỷ, nghỉ mát...

Trái ngược với 2 ý kiến trên, trả lời báo giới, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc để EVN tính các chi phí phúc lợi này vào chi phí sản xuất là rất phi lý. Bởi, điều này sẽ dẫn tới tình trạng tăng giá thành ở các phần khác, đặc biệt là giá điện. Như vậy giá điện ở Việt Nam sẽ đội lên rất cao và người dân phải gánh tất cả chi phí.

Ông Doanh cho rằng, nếu so sánh quy chế hoạch toán của EVN với quy chế hoạch toán của các doanh nghiệp khác thì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng. Nếu Bộ Tài chính cho phép EVN được tính như vậy thì cũng phải cho phép các doanh nghiệp khác được tính như thế, quan trọng là phải có sự bình đẳng trong cạnh tranh.

Đồng quan điểm với ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, cần phải thảo luận, xem xét một cách chặt chẽ trong việc để EVN tính các khoản chi phí phúc lợi, như: hiếu hỉ, nghỉ mát... vào chi phí sản xuất để tránh tình trạng lợi dụng để biến tướng các khoản chi này./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/mof/r/o/sadld/detailsadld?id=10422

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/thu-truong-tai-chinh-tien-hieu-hy-khong-lam-tang-gia-ban-le-dien-cua-evn-3405000.html