Tiếp tục giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp
Hôm nay, ngày 15/12, được sự hỗ trợ của USAID, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo Đánh giá tình hình triển khai công tác đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020.
Bên lề Hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cuộc trao đổi ngắn với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo về những mặt được và chưa được trong việc tổ chức thi hành khung pháp lý mới về đăng ký kinh doanh (ĐKKD).
|
PV: Thưa bà, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã được triển khai gần 2 năm. Nhìn lại thực tế triển khai thời gian qua, xin bà cho biết những kết quả đạt được trong xây dựng và thực thi khung khổ pháp lý về ĐKKD?
Bà Nguyễn Thị Việt Anh: Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành được xây dựng trên tinh thần kế thừa và duy trì những nội dung cải cách quan trọng trong công tác đăng ký doanh nghiệp đã đạt được trong giai đoạn trước và tiếp tục giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
Để đảm bảo những quy định mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020 nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngay trong quá trình xây dựng Luật, công tác chuẩn bị cho việc xây dựng Nghị định về đăng ký doanh nghiệp cũng đã được khởi động.
Mặc dù được Thủ tướng cho phép xây dựng theo trình tự rút gọn, nhưng do đây là Nghị định có phạm vi tác động lớn, trực tiếp đến toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp, nên Nghị định vẫn được lấy ý kiến tham vấn đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, đại diện doanh nghiệp và trình Chính phủ đúng hạn.
Ngày 04/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP với hiệu lực kể từ ngày ký. Nghị định số 01/2021/NĐ-CP được ban hành đã cụ thể hoá những cải cách, đổi mới của Luật Doanh nghiệp, đồng thời khắc phục những bất cập, xử lý những vướng mắc trong công tác đăng ký doanh nghiệp trong thời gian qua.
Quá trình xây dựng Thông tư về đăng ký doanh nghiệp cũng được thực hiện song song với quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật, để đảm bảo khi Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã được xây dựng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, tổ chức trong việc triển khai thi hành quy định mới.
Ngày 16/3/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2021 và thay thế Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01/12/2015 và Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT ngày 08/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo tôi, một điểm đáng ghi nhận trong triển khai công tác đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 là những nỗ lực tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và cắt giảm chi phí trong thực hiện thủ tục cho doanh nghiệp.
Cụ thể là ngày 15/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP, theo đó, 4 thủ tục sẽ được tích hợp gồm: (1) Đăng ký thành lập doanh nghiệp; (2) Đăng ký bảo hiểm xã hội; (3) Khai trình lao động và (4) Đăng ký sử dụng hóa đơn vào 01 quy trình thông qua việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước. Cơ quan ĐKKD là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết đối với cả 4 thủ tục nêu trên, các cơ quan còn lại chịu trách nhiệm xử lý hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Để giúp các cán bộ ĐKKD nắm vững quy định pháp lý mới và tác nghiệp trên Hệ thống Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi có một số nội dung thay đổi về ứng dụng, Cục Quản lý ĐKKD đã tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho cán bộ ĐKKD trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, cán bộ trong hệ thống cơ quan ĐKKD từ trung ương đến địa phương nắm được toàn diện các vấn đề thay đổi, đồng thời thống nhất việc thực hiện quy trình nghiệp vụ, đảm bảo không bị gián đoạn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính theo quy định mới thuận tiện, hạn chế vướng mắc, khó khăn.
Trong thực tế, Phòng ĐKKD gặp vướng mắc với việc xác định phạm vi xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Ví dụ như: Chữ ký của cùng một người không thống nhất tại các tài liệu khác nhau hoặc không thống nhất trong các hồ sơ của lần đăng ký hiện tại so với các lần đăng ký trước đây; doanh nghiệp dùng mẫu dấu chữ ký nên có thể có trường hợp người được ủy quyền làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp xử lý chữ ký trong hồ sơ thay cho người có thẩm quyền, trách nhiệm ký hồ sơ theo quy định. Hoặc doanh nghiệp cố tình có hành vi vi phạm khi cắt ghép chữ ký, giấy tờ chứng thực cá nhân, doanh nghiệp đăng ký địa chỉ ảo… |
Cục Quản lý ĐKKD cũng thực hiện công tác hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện đăng ký doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức và phương thức khác nhau. Các công tác này đã góp phần đẩy nhanh quá trình thực thi và sớm đưa các chính sách đi vào cuộc sống.
Tại địa phương, sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh, thành phố chủ động trong việc chuẩn bị triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp. Tại một số địa phương, sở kế hoạch và đầu tư đã phối hợp với sở tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Doanh nghiệp năm 2020, với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện công tác đăng ký doanh nghiệp.
PV: Tuy thực tế đã có những kết quả đáng mừng, song có thể thấy, việc tổ chức thi hành khung pháp lý mới về ĐKKD vẫn còn tồn tại những bất cập. Bà có thể thẳng thắn chỉ ra những hạn chế này?
Bà Nguyễn Thị Việt Anh: Đúng là bên cạnh những kết quả tích cực, thì việc tổ chức thực hiện khung pháp lý mới về ĐKKD vẫn còn có một số bất cập nhất định, nên cần tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh trong thời gian tới. Theo tổng hợp từ báo cáo, chúng tôi thấy có một số vướng mắc như sau:
Thứ nhất, hiện vẫn còn vướng mắc liên quan đến việc thống nhấp áp dụng quy định về thành lập doanh nghiệp. Điều 3, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định “Trường hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, thì áp dụng quy định của luật đó”.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp chủ yếu thực hiện đăng ký thành lập tại phòng ĐKKD thuộc sở kế hoạch và đầu tư cấp tỉnh. Tuy nhiên, đối với một số ngành nghề đặc thù, theo quy định của pháp luật chuyên ngành, việc cấp phép thành lập doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực, ngành nghề này sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành.
Như vậy, bên cạnh hệ thống quy định đăng ký thành lập doanh nghiệp áp dụng chung (cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) còn có hệ thống quy định theo pháp luật chuyên ngành (cấp giấy phép hoạt động đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) áp dụng riêng cho một số ngành, nghề thuộc lĩnh vực tư pháp (công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, giám định tư pháp, thừa phát lại).
Điều này dẫn tới phát sinh một số vấn đề, như: Hệ thống quy định về thành lập doanh nghiệp theo pháp luật chuyên ngành có thể tạo ra sự chồng lấn về mặt quản lý, gây lúng túng cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu thủ tục thành lập doanh nghiệp, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp; gây khó khăn trong công tác tổng hợp, thống kê, báo cáo tình hình chung về doanh nghiệp khi còn một số nhóm doanh nghiệp không được đăng ký tập trung theo một hệ thống quy định áp dụng chung.
Bên cạnh đó, dữ liệu của các doanh nghiệp này chưa được tích hợp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKKD, làm ảnh hưởng tới mức độ hoàn chỉnh của cơ sở dữ liệu này.
Thứ hai, hiện nay vẫn chưa có cách hiểu thống nhất về khái niệm “tính hợp lệ” của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể, Khoản 20, Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đầy đủ giấy tờ theo quy định của Luật này và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có cách hiểu thống nhất giữa các phòng ĐKKD và giữa cơ quan ĐKKD và doanh nghiệp, các bên có liên quan về khái niệm “hồ sơ hợp lệ”.
Trong thực tế, phòng ĐKKD gặp vướng mắc với việc xác định phạm vi xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Ví dụ như: Chữ ký của cùng một người không thống nhất tại các tài liệu khác nhau hoặc không thống nhất trong các hồ sơ của lần đăng ký hiện tại so với các lần đăng ký trước đây; doanh nghiệp dùng mẫu dấu chữ ký, nên có thể có trường hợp người được ủy quyền làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp xử lý chữ ký trong hồ sơ thay cho người có thẩm quyền, trách nhiệm ký hồ sơ theo quy định. Hoặc doanh nghiệp cố tình có hành vi vi phạm khi cắt ghép chữ ký, giấy tờ chứng thực cá nhân, doanh nghiệp đăng ký địa chỉ ảo… Hoặc trên thực tế, phòng ĐKKD nắm bắt qua dư luận về một số doanh nghiệp có vấn đề nội bộ và thực hiện các thủ tục nội bộ không đúng quy định của pháp luật…
Người dân làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội |
Trường hợp khác, với các thành phần hồ sơ như hợp đồng chuyển nhượng vốn góp, hay báo cáo tài chính, phòng ĐKKD có cần xem xét tính chính xác, hợp lý của các văn bản này, hay chỉ đơn giản ghi nhận việc doanh nghiệp có nộp các văn bản này trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp? Nếu phòng ĐKKD không yêu cầu doanh nghiệp giải trình hoặc sửa đổi, bổ sung hồ sơ, phòng ĐKKD có phải chịu trách nhiệm với những hệ lụy phát sinh từ việc cấp đăng ký doanh nghiệp cho những hồ sơ đã có yếu tố “bất thường” không?
Thứ ba, theo khảo sát do nhóm nghiên cứu, có 42/63 phòng ĐKKD đã gửi ý kiến tính đến ngày 31/8/2022 cho rằng, còn có vướng mắc, khó khăn với các quy định của Luật Doanh nghiệp (nội dung liên quan đến đăng ký doanh nghiệp), Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT.
Cụ thể, theo nội dung mẫu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT, không có thông tin về tên cũ của doanh nghiệp trước khi thay đổi tên doanh nghiệp; chuyển đổi doanh nghiệp; thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chia, tách, hợp nhất, sáp nhập. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc giải trình, chứng minh với các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Bên cạnh đó, các điều khoản hiện nay tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP đều quy định thành phần hồ sơ bao gồm: Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần. Cách viết như vậy dẫn đến cách hiểu là hồ sơ phải bao gồm cả nghị quyết và quyết định (trong khi hai văn bản này có tính chất tương đương nhau).
Ngoài ra, còn có những vướng mắc khác, như việc Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn không có quy định cụ thể về việc báo cáo tài chính như thế nào thì doanh nghiệp được giảm vốn, hay thời điểm gần nhất được xác định như thế nào?...
PV: Những bất cập, hạn chế nêu trên đã cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về đăng ký doanh nghiệp, nhằm thích ứng kịp thời với bối cảnh kinh tế - xã hội mới thời kỳ cách Cách mạng công nghiệp 4.0. Xin bà cho biết một số yêu cầu cơ bản đặt ra đối với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký doanh nghiệp trong thời gian tới?
Bà Nguyễn Thị Việt Anh: Trong bối cảnh mới, trên cơ sở những nghiên cứu của nhóm nghiên cứu, chúng tôi cho rằng, cần lưu ý những vấn đề sau trong hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký doanh nghiệp:
Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, các quy định về đăng ký doanh nghiệp cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cắt giảm chi phí, thời gian khởi sự doanh nghiệp và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh, hướng tới mục tiêu tổng quát là tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập của Việt Nam, trong đó có các cam kết liên quan đến mở cửa thị trường theo các hiệp định đầu tư song phương và hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Thứ ba, tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong Luật Doanh nghiệp năm 2020, đồng thời khắc phục những bất cập, tồn tại nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về đăng ký doanh nghiệp.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Bình luận